Khởi nghiệp sáng tạo: Liên kết theo kiểu “rừng mưa”
Liên kết không chỉ giúp tối ưu hóa nguồn lực mà còn đóng góp quan trọng vào sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
Sách Rừng mưa có tác giả là những nhà đầu tư mạo hiểm – Victor W.H Wang và Greg Horowitt tại Silicon Valley đã mô tả bản chất hệ sinh thái đổi mới sáng tạo (ĐMST) trong đó nhấn mạnh đến sự liên kết, kết nối.
Ý nghĩa từ Rừng mưa Marathon
Dự án Xây dựng Văn hoá đổi mới sáng tạo Rừng mưa – thuộc Làng Tư duy Thiết kế Đổi mới sáng tạo đã tổ chức sự kiện “Rừng mưa Marathon” với mục tiêu kết nối yêu thương, đồng sáng tạo.
Qua đường chạy 5km xuyên rừng tràm tại Khu du lịch Cánh đồng bất tận (huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An), những người tổ chức muốn mô phỏng hành trình startup với tinh thần tạo ra môi trường cùng nhau trải nghiệm sự tiến bộ, khám phá năng lực của bản thân qua hành trình tự tập luyện. Bà Dương Tường Nhi cho biết thêm: Rừng mưa Marathon cũng là cơ hội để trải nghiệm sự cộng tác, đồng sáng tạo, kết nối với các bên liên quan, phát triển mối liên kết trong địa phương và liên kết vùng. Điều này được phản ánh ở trang 61 – sách Rừng mưa: “Cải tiến, đổi mới thực sự là về những mối quan hệ phù hợp, giữa những mối quan hệ phù hợp, tại thời điểm phù hợp”.
Rừng mưa Marathon là hoạt động tiếp theo của dự án Rừng mưa với mục tiêu quan trọng hơn nhằm tạo ra môi trường thúc đẩy kết nối và học hỏi, góp phần xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp khởi nghiệp, chuyên gia, lãnh đạo địa phương có cơ hội gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm về các chương trình thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST và liên kết các tỉnh trong khu vực.
Kiến tạo môi trường sáng tạo và liên kết
Trang 101, sách Rừng mưa đã viết: “Thách thức khi xây dựng Rừng mưa là thúc đẩy sự phát triển cộng đồng doanh nhân và những mạng lưới hỗ trợ. Không có những mạng lưới hỗ trợ, doanh nhân có khuynh hướng thất bại với tỷ lệ cao”.
Soi chiếu lý thuyết của Rừng mưa với thực tiễn triển khai tại địa phương, ông Nguyễn Minh Hải – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Long An cho biết: Thời gian qua, tỉnh đã tạo lập môi trường gắn kết KH&CN với sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển ý tưởng, dự án khởi nghiệp, đổi mới công nghệ, thiết bị và sản phẩm, để tạo năng lực cạnh tranh trong hội nhập và phát triển của tỉnh. Đồng thời, tỉnh tạo cơ hội giao lưu, hợp tác, kết nối và quảng bá sản phẩm, mở rộng phát triển thị trường của các tỉnh trong khu vực với các tỉnh, thành trong nước.
>>Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: Nền tảng phát triển kinh tế bền vững của mỗi quốc gia
Tại Long An, không gian khởi nghiệp ĐMST tỉnh cũng đã chủ động kết nối để cho ra mắt của các HUB - Techfest Việt Nam đặt trên địa bàn tỉnh như: Làng Học sinh - Sinh viên; Làng Design Thinking. Cùng với đó là sự thỏa thuận hợp tác lâu dài nhằm đẩy mạnh xây dựng và phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tỉnh giữa Sở KH&CN tỉnh Long An với các đơn vị gồm các trường đại học trên địa bàn tỉnh, trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn – Songhan Incubator (Shi); Các Làng Techfest Việt Nam.
Tuy nhiên, đến nay, hệ sinh thái ĐMST tỉnh Long An đang trong giai đoạn hoàn thiện các nội dung kết nối mạng lưới khởi nghiệp thông suốt trong toàn tỉnh, đang từng bước phát triển kết nối vào hệ sinh thái Khởi nghiệp ĐMST Quốc gia. Vì vậy, ông Nguyễn Minh Hải đã nhấn mạnh đến liên kết vùng đóng một vai trò quan trọng, giúp việc tối ưu hóa nguồn lực bằng những thể chế; đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn lực đó để thúc đẩy phát triển vùng toàn diện và bền vững. Việc định hướng hành vi của chủ thể dựa trên hệ thống cơ chế và chính sách, từ đó hình thành nhận thức chung về tư duy khởi nghiệp ĐMST.
Có thể bạn quan tâm