Tăng cung vàng và tỷ giá
Sự chênh lệch ngày càng gia tăng giữa giá vàng toàn cầu và giá vàng giao ngay thay vì giá vàng tăng là yếu tố giải thích cho áp lực lên tỷ giá USD/VND trên thị trường chợ đen...
>>> Ngân hàng Nhà nước: Sẽ tăng cung để xử lý chênh lệch giá vàng miếng
Bài toán giải quyết áp lực tỷ giá vì vậy liên quan đến các quyết sách quản lý đối với thị trường vàng.
Các nguyên nhân tác động đến tỷ giá
VND (do Vietcombank niêm yết) tiếp tục trượt giá trong tháng 3/2024, giảm 0,6% so với USD. Mặc dù mức giảm thấp hơn so với mức giảm 0,7% và 0,9% lần lượt trong tháng 1 và tháng 2/2024, nhưng sự sụt giảm này đã khiến VND xuống mức thấp nhất từ trước đến nay do: (1) lãi suất của Fed ở mức cao; (2) chênh lệch giữa giá vàng toàn cầu và trong nước ngày càng gia tăng; và (3) nhập khẩu nguyên liệu thô (như nhiên liệu, thép,…) của các doanh nghiệp trong nước ngày càng tăng.
Chúng tôi nhắc lại quan điểm của mình rằng lý do thứ ba mang tính ngắn hạn và tích cực, vì nhu cầu nhập khẩu tăng thực sự cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi, điều này sẽ giúp củng cố đồng nội tệ trong dài hạn. Trong khi đó, hai lý do đầu tiên đang thách thức chính sách tiền tệ thích ứng của NHNN và sẽ cần có sự điều hành chính sách khẩn cấp cũng như những diễn biến toàn cầu thuận lợi hơn trong những tháng tới.
Sửa đổi quy định đối với thị trường vàng
Vàng gần đây đã trở thành một trong những nguyên nhân chính ảnh hưởng đến giá trị của VND khi giá vàng đạt mức cao nhất lịch sử vào tháng 3/2024, (và hiện đang tiếp tục bứt phá lên các kỷ lục mới). Chính xác hơn, chính sự chênh lệch ngày càng gia tăng giữa giá vàng toàn cầu và giá vàng giao ngay thay vì giá vàng tăng mới là yếu tố giải thích cho áp lực lên tỷ giá USD/VND trên thị trường chợ đen, vì điều này làm tăng chênh lệch giữa giá vàng ở thị trường chợ đen và thị trường chính thức, và cuối cùng gây sức ép lên thị trường ngoại hối chính thức.
Dữ liệu quá khứ cho thấy có mối tương quan mạnh hơn giữa chênh lệch tỷ giá USD/VND và chênh lệch giá vàng hơn là giá vàng. Và từ góc nhìn về mặt cơ bản, chênh lệch giá vàng ngày càng gia tăng khuyến khích các doanh nghiệp nhập khẩu vàng (thậm chí thông qua việc buôn lậu) kiếm lợi nhuận chênh lệch ngắn hạn, làm tăng nhu cầu USD và do đó đẩy giá USD lên cao.
>>>USD neo cao tiếp tục gây áp lực lên tỷ giá
Kể từ năm 2022, mức chênh lệch đã tăng vọt và duy trì ở mức cao trên 20% (so với giá vàng giao ngay toàn cầu) do: (1) giá vàng tăng trong bối cảnh các ngân hàng trung ương toàn cầu và các nhà đầu tư mua vào vàng giữa những bất ổn về kinh tế, môi trường lạm phát và rủi ro địa chính trị; và (2) những lỗ hổng trong quy định của Việt Nam về thị trường vàng. Yếu tố thứ nhất khó có thể biến mất nhanh chóng và thậm chí có thể gia tăng do các đợt cắt giảm lãi suất sắp tới của Fed. Tuy nhiên, thực tế thì yếu tố thứ hai mới có tác động lớn hơn đến chênh lệch giá vàng và đây là lý do tại sao việc sửa đổi các quy định để giải quyết những lỗ hổng này hiện đang nằm trong kế hoạch của Chính phủ.
Nhắc lại, Nghị định 24/2012/NĐ-CP năm 2012 quy định NHNN là đơn vị duy nhất tại Việt Nam được phép nhập khẩu vàng nguyên liệu và sản xuất vàng miếng dưới thương hiệu SJC, đây là một trong nhiều biện pháp nhằm chống lại đô la hóa trong nước giai đoạn những năm 2000 và đầu những năm 2010. Năm 2013, NHNN đã phải nhập khẩu và bán ra 70 tấn vàng để hạ nhiệt thị trường vàng trong nước. Nhưng kể từ đó, NHNN không nhập khẩu vàng hay tổ chức bất kỳ phiên đấu giá vàng nào mặc dù nhu cầu vẫn duy trì.
Theo dữ liệu của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), tổng lượng tiêu thụ vàng (vàng miếng và trang sức) của các chuỗi cửa hàng thương hiệu tại Việt Nam trong suốt 10 năm qua vào khoảng 40-60 tấn mỗi năm. Trong khi đó, sản lượng khai thác trong nước chỉ đạt 5-6 tấn mỗi năm và các cửa hàng trang sức tái chế được 20-30 tấn vàng mỗi năm, khoảng trống còn lại là 10-40 tấn mỗi năm, tương đương 1-3 tỷ USD, phải phụ thuộc vào nguồn cung không chính thức. Con số này chưa tính đến mức tiêu thụ của các cửa hàng nhỏ lẻ. Chính sự thiếu hụt nguồn cung chính thức này là nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và toàn cầu.
Tăng cung vàng giúp giảm chênh lệch giá vàng
Thị trường ngoại hối Việt Nam nhìn chung có thể đáp ứng khoảng 1-3 tỷ USD mỗi năm để mua vàng thỏi nếu hoạt động nhập khẩu được thực hiện ổn định trong dài hạn. Tuy nhiên, việc gia tăng nhập khẩu chỉ là tác động ngắn hạn, vì chênh lệch giá vàng ngày càng gia tăng sẽ gây áp lực cho VND. Bởi vì, chênh lệch giá vàng càng lớn thì lợi nhuận từ hoạt động mua bán chênh lệch vàng ngắn hạn càng cao, và nhu cầu buôn lậu vàng nhanh chóng sẽ càng cao, qua đó gia tăng nhu cầu đối với USD và gây áp lực cao hơn lên VND.
Do đó, để giảm bớt một phần áp lực cho VND, NHNN đang tìm kiếm các giải pháp nhằm thu hẹp khoảng cách giá vàng hiện tại bằng cách cải thiện nguồn cung trong nước thông qua các kênh chính thức. Như đã đề cập ở trên, NHNN sẽ không sử dụng dự trữ ngoại hối để nhập khẩu vàng, mà thực tế đã đề xuất bãi bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng. Phó Thủ tướng Lê Minh Khải gần đây đã chỉ đạo NHNN nghiên cứu và sửa đổi các quy định để cấp hạn ngạch nhập khẩu vàng cho khu vực tư nhân. Sự thay đổi này có thể chuyển áp lực từ thị trường ngoại hối chợ đen sang thị trường ngoại hối chính thức do các doanh nghiệp nhập khẩu vàng được cấp phép sẽ được mua USD từ các ngân hàng thương mại. Nhu cầu đầu cơ sẽ giảm bớt nếu người dân biết nguồn cung sẽ tăng. Và theo quan điểm thống kê như đã thảo luận ở trên, việc thu hẹp chênh lệch giá vàng nhìn chung sẽ làm giảm nhu cầu đối với USD.
Mới nhất, triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo kết luận số 160/TB-VPCP ngày 11/4/2024, NHNN đã cho biết sẽ triển khai ngay loạt giải pháp. Trong đó, một trong những biện pháp đầu tiên, là đối với thị trường vàng miếng, thực hiện tăng cung để xử lý tình trạng chênh lệch cao của giá trong nước so với giá thế giới. Như vậy, quan điểm trên sẽ được củng cố và trong thời gian tới, khi nguồn cung vàng tăng, (cùng với các giải pháp khác như áp dụng hóa đơn điện tử cho giao dịch mua bán vàng miếng, kiểm soát thị trường vàng chặt chẽ để xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, thao túng hay buôn vàng lậu, sửa Nghị định 24) dẫn đến thu hẹp chênh lệch giá vàng và sẽ làm hiện thực kỳ vọng giảm dần áp lực đối với tỷ giá.
Có thể bạn quan tâm
MSVN: Nghị định 08 - cánh cửa hẹp đã hé mở nhưng vẫn chưa đủ
11:03, 06/03/2023
Fed chưa cắt giảm lãi suất, Trung Quốc ưu tiên ổn định tỷ giá
05:20, 09/04/2024
Tác động tỷ giá với nhóm cổ phiếu ngành thép, nhựa
05:20, 08/04/2024
Tỷ giá tăng, doanh nghiệp muốn vay USD với lãi suất 4%
05:05, 06/04/2024