Vì sao Tiktok "ăn nên làm ra" ở Việt Nam?
Cho dù bị "ghẻ lạnh" ở nhiều nơi, nhưng Tiktok vẫn phát triển rất nhanh ở Việt Nam - trên đường trở thành nhà cung cấp dịch vụ "Shoppertainment" lớn nhất.
>>Cấm TikTok không làm Mỹ giảm bớt nỗi lo
Quá trình lớn mạnh của nền tảng mạng xã hội Tiktok đi kèm với những lo ngại của nhiều quốc gia phương Tây. Tại Mỹ, ứng dụng này bị “soi” ráo riết. Ủy ban Truyền thông liên bang Mỹ (FTC) đang điều tra Tiktok với cáo buộc vi phạm quy định bảo vệ quyền riêng tư trực tuyến của trẻ em.
Ủy ban châu Âu (EC) đã chính thức mở cuộc điều tra đối với TikTok sau khi phân tích báo cáo đánh giá rủi ro cũng như phản hồi của nền tảng video ngắn này trước những yêu cầu cung cấp thông tin.
Tại châu Á - Thái Bình Dương, Ấn Độ đã nói không với Tiktok, Indonesia cũng hạn chế để bảo vệ nền tảng trong nước. Tuy nhiên, Việt Nam đang nổi lên là thị trường ưa thích của Tiktok, tạo ra những con số kinh doanh tích cực. ByteDance, công ty mẹ của Tiktok, đang trên đà trở thành tập đoàn truyền thông xã hội lớn nhất thế giới.
Mảng thương mại điện tử Tiktok Shop rất thành công ở Việt Nam, đã vượt qua Lazada, áp sát vị trí dẫn đầu của Shoppe. Theo báo cáo mới nhất, có khoảng 67 triệu người Việt Nam dùng Tiktok, giúp ứng dụng này thu về 1,3 tỷ USD thông qua Tiktok Shop chỉ trong vòng nửa năm.
Một trong những “chiêu độc” của doanh nghiệp này đã triển khai “Shoppertainment”, mua sắm kết hợp giải trí trực tuyến, mở ra một xu hướng bán hàng mới mẻ, rất phù hợp với thị hiếu người Việt.
Trong áp dụng công nghệ, Tiktok tỏ ra biết quan tâm người dùng hơn Facebook cũng như Instagram. Thuật toán CleverAds cung cấp khả năng phân tích dữ liệu sâu rộng về hiệu suất chiến dịch bán hàng trên ứng dụng. Đây là một trong những “vũ khí” rất sắc bén của nền công nghệ Trung Quốc, đánh dấu bước tiến rất dài của họ trong việc phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn vào kinh doanh thương mại.
Quảng cáo kết hợp KOLs trên Tiktok trở thành một phương thức tiếp cận người tiêu dùng rộng rãi nhất, đặc biệt những ngôi sao, người có ảnh hưởng trong lĩnh vực giải trí.
Một quan điểm lạ lùng nhưng hợp lý của Tiktok là “bán hàng cho những người không có nhu cầu”. Mở ứng dụng, xem video giải trí, tiếp cận dần với nhu cầu học tập như nấu ăn, cắm hoa, dọn dẹp nhà cửa,… từ đó phát sinh nhu cầu mua sắm.
Sau khi triển khai ý tưởng này, có những ngày, TikTok ghi nhận 700.000 - 800.000 người mua hàng ở Việt Nam; lượng người bán cũng lên tới con số vài chục ngàn. “Quan trọng hơn cả là người tiêu dùng mua hàng trong lúc hưng phấn nhất, ít quan tâm đến giá cả”, đại diện Tiktok Việt Nam chia sẻ.
>> TikTok đang “thâu tóm” Đông Nam Á
Sâu xa hơn, sự thành công của Tiktok ở Việt Nam không đơn thuần tạo ra không gian tối ưu mua bán cho người dùng, đằng sau đó là chuỗi cung ứng rộng lớn từ các nhà máy sản xuất khổng lồ, những kho hàng sát biên giới và khả năng phân phối “hỏa tốc”.
Đặc sắc “bán hàng kiểu Trung Quốc” cũng được gã khổng lồ này sử dụng, Tiktok chỉ tính phí hoa hồng bán hàng ở mức cơ bản 1% so với 8-10% của các nền tảng đối thủ. Đây lại là giải pháp giá rẻ.
Từ khi Tiktok Shop Việt Nam ra đời, rất nhiều thương hiệu không tên tuổi đã trở nên nổi tiếng. Không hiếm buổi livestream bán được cả tấn hàng, doanh thu hàng tỷ đồng.
Có thể bạn quan tâm
Hạ viện Mỹ cấm TikTok, thiệt hại nghiêm trọng thế nào?
03:00, 15/03/2024
Chiến lược “nhái” của Meta lại thành công với TikTok
03:05, 11/03/2024
Tiết lộ mới của TikTok về bối cảnh người tiêu dùng tại thị trường châu Á – Thái Bình Dương
02:00, 02/03/2024
TikTok đang “thâu tóm” Đông Nam Á
04:20, 06/02/2024