Dự luật buộc ByteDance bán TikTok ở Mỹ đã được Hạ viện Mỹ thông qua, đặt ra lo ngại cho nhiều doanh nghiệp Mỹ làm ăn dựa trên nền tảng này.
Dự luật, được gọi là Đạo luật bảo vệ người Mỹ khỏi các ứng dụng do đối thủ nước ngoài kiểm soát, đã được Ủy ban Thương mại và Năng lượng Hạ viện Mỹ thông qua vào tuần trước. Và vào ngày 13/3, nó đã được thông qua tại Hạ viện với 352 phiếu thuận và chỉ có 65 đại diện phản đối.
>>Thêm một "gã công nghệ" châu Âu "quay lưng" với Trung Quốc
Theo đó, dự luật yêu cầu ByteDance, công ty mẹ của TikTok, thoái vốn khỏi ứng dụng này trong vòng khoảng 6 tháng, nếu không sẽ đối mặt với lệnh cấm tại Mỹ. Sau khi được Hạ viện Mỹ thông qua, dự luật sẽ được chuyển lên Thượng viện để xem xét.
Dự luật sẽ cho TikTok khoảng 6 tháng để tách khỏi ByteDance, nếu không, các cửa hàng ứng dụng ở Hoa Kỳ, như App Store hay Google Store, sẽ bị cấm trên nền tảng của họ. Các cửa hàng ứng dụng vi phạm có thể bị phạt dựa trên số lượng người dùng ứng dụng bị cấm. Với mức phạt 5.000 USD cho mỗi người dùng, Apple và Google có thể phải gánh khoản tiền phạt lên tới 850 tỷ USD mỗi bên.
Dự luật này vẫn cần được Thượng viện Mỹ thông qua và Tổng thống Joe Biden ký để có hiệu lực. Nhưng với căng thẳng hiện nay, kịch bản đó không khó để xảy ra. Và đó có thể là thảm họa cho hàng triệu người dùng Mỹ đang kinh doanh trên nền tảng này.
Nếu ByteDance bất chấp yêu cầu của Mỹ, lệnh cấm TikTok trong tương lai sẽ tác động tới các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) của Mỹ đáng kể nhất. Kể từ khi xuất hiện tại Mỹ, nhiều cá nhân đã tận dụng nền tảng này để tiếp thị và tương tác, biến TikToker trở thành một nghề được ưa chuộng tại đây.
Trong lĩnh vực quảng cáo, TikTok đã trở thành một công cụ mạnh mẽ cho các doanh nghiệp nhờ tỷ lệ tương tác cao, với mức chi tiêu của người tiêu dùng cho ứng dụng này tăng 77% vào năm 2021. Theo báo cáo của Oxford Economics được TikTok tài trợ đưa ra mới đây, nền tảng này đóng góp gần 15 tỷ USD doanh thu của các SMEs Mỹ, đồng thời góp vào GDP toàn quốc tới 24 tỷ USD.
Nếu ByteDance không đồng ý bán lại, hàng triệu cá nhân và doanh nghiệp SMEs sẽ mất đi một nguồn thu lớn, hoặc ít nhất cho tới khi họ tìm được các giải pháp thay thế. Điều này có thể dẫn đến chi phí cao hơn hoặc tỷ lệ tương tác thấp hơn khi rất nhiều người trong số đó phải làm lại từ đầu.
YouTube, Snapchat, Instagram, Facebook và X đều đã tạo ra các tính năng video cuộn bắt chước TikTok, nhưng nhiều người dùng cho rằng dường như các lựa chọn thay thế này vẫn chưa nắm vững thuật toán đề xuất khiến chúng trở nên hấp dẫn như các video trên TikTok.
>>Cách Trung Quốc vượt khó để tự chủ công nghệ bán dẫn
Tuy nhiên, nỗi lo TikTok có thể biến mất khỏi đất Mỹ có lẽ đang bị thổi phồng. Theo nhiều chuyên gia, ứng dụng sẽ không sớm biến mất khỏi điện thoại của người Mỹ.
Trước hết, dự luật phải đối mặt với nhiều trở ngại ở Thượng viện Mỹ trước khi Tổng thống ký ban hành. Gần đây, TikTok đã có nhiều động thái vận động để tạo được sức ép cần thiết nhằm xoay chuyển tình thế tại Thượng viện Mỹ.
Shou Zi Chew, CEO công ty, mới đây đã kêu gọi người dùng Mỹ liên hệ với các luật sư cá nhân để lên tiếng phản đối dự luật. Quả thật, một số người dùng TikTok đã đăng video cho thấy họ gọi điện cho đại diện của mình và đe dọa sẽ bỏ phiếu cho các ứng cử viên thay thế nếu họ bỏ phiếu thông qua dự luật.
Với 170 triệu người dùng, nước đi của mạng xã hội này có thể tác động đáng kể tới quan điểm của các chính trị gia ở Thượng viện khi mùa bầu cử đang đến. Chủ tịch Tư pháp Thượng viện Dick Durbin cho biết ông lo ngại về tính hợp hiến của dự luật, đồng thời nói thêm rằng việc thông qua dự luật có thể gây ra hậu quả chính trị - kể cả đối với Tổng thống Joe Biden trước cuộc bầu cử Tổng thống năm 2024.
Ngoài ra, nếu dự luật cấm TikTok trên các cửa hàng ứng dụng ở Hoa Kỳ, việc xóa bỏ ứng dụng hiện có khỏi điện thoại của người dùng gần như bất khả thi. Các dịch vụ mạng riêng ảo (VPN) vẫn có thể giúp người dùng Hoa Kỳ tải về và sử dụng TikTok một cách bình thường.
Một vướng mắc khác, là ai sẽ đứng ra mua TikTok? Vẫn chưa rõ liệu ByteDance có đồng ý bán lại TikTok hay không, nhưng kể cả đồng ý với điều khoản đó, công ty Trung Quốc chưa chắc đã tìm được đối tác tại Mỹ.
Theo nhà phân tích Dan Ives của Wedbush, TikTok trị giá khoảng 100 tỷ USD. Con số khổng lồ này có thể ngăn cản thậm chí cả những cái tên lớn nhất trong làng công nghệ Mỹ tham gia thương vụ. Nhất là bài học Elon Musk mua lại Twitter (nay là X) với giá 44 tỷ USD để rồi sau đó chứng kiến giá trị của nó sụt giảm là bài học nhãn tiền. TikTok thậm chí là một trường hợp còn rắc rối hơn Twitter nhiều.
Có thể bạn quan tâm
Trung Quốc nỗ lực tạo đột phá về công nghệ
02:00, 05/03/2024
Cách Trung Quốc vượt khó để tự chủ công nghệ bán dẫn
03:30, 23/02/2024
Trung Quốc tìm cách tránh "bẫy công nghệ tầm trung"
03:30, 18/12/2023
Hàn Quốc và bài học phát triển ngành bán dẫn
04:00, 05/03/2024
3 lợi thế giúp Nvidia thống lĩnh thị trường bán dẫn
03:30, 29/02/2024