Doanh nghiệp Nam Định áp dụng khoa học và công nghệ vào thực tiễn
Thời gian qua, các tổ chức, doanh nghiệp đã đưa khoa học và công nghệ vào thực tiễn, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nam Định.
>>>Nam Định: Tập trung thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp
Nâng cao hiệu quả quản lý các đề tài, dự án KHCN
Theo Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Nam Định: Hàng năm, Sở thông báo rộng rãi đến các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh về việc tuyển chọn, đề xuất các nhiệm vụ KH&CN cần thực hiện cho năm tiếp theo trên tất cả các lĩnh vực nông nghiệp, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, y - dược, quốc phòng - an ninh… Các ý tưởng đề xuất này được tổng hợp theo các lĩnh vực và thông qua Hội đồng KH&CN tỉnh để tư vấn, xác định nhiệm vụ chuyên ngành (do UBND tỉnh Nam Định quyết định) sẽ hình thành các nhiệm vụ KH&CN trình UBND tỉnh quyết định đặt hàng thực hiện.
Sau khi được UBND tỉnh phê duyệt, Sở KH&CN tiến hành ký kết hợp đồng với đơn vị chủ trì để triển khai thực hiện. Các bước cuối cùng là đánh giá nghiệm thu kết quả nhiệm vụ KH&CN đã thực hiện và tổ chức bàn giao cho các đơn vị sử dụng kết quả (đã được UBND tỉnh phê duyệt) triển khai ứng dụng. Cùng với các hoạt động trên, Sở KH&CN đã tham mưu cho UBND tỉnh căn cứ yêu cầu, mục tiêu và chiến lược phát triển của tỉnh để đặt hàng các nhiệm vụ KH&CN thực hiện trên địa bàn tỉnh.
Công tác quản lý, triển khai thực hiện các nhiệm vụ KH&CN trên địa bàn tỉnh ngày càng chặt chẽ và hiệu quả; trong đó, ưu tiên chọn lựa, tham mưu đặt hàng thực hiện các nhiệm vụ KH&CN có sự tham gia, đối ứng kinh phí của các đơn vị và có địa chỉ ứng dụng ngay từ đầu. Hợp đồng giữa Sở KH&CN với đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH&CN luôn được rõ ràng, cụ thể hơn về trách nhiệm, quyền hạn của mỗi bên.
Trong giai đoạn 2019-2022, Sở KH&CN đã quản lý và triển khai quản lý 98 nhiệm vụ KH&CN trên địa bàn tỉnh, đã tổ chức nghiệm thu 82 nhiệm vụ được đánh giá mức “đạt” trở lên. Năm 2023, Sở tiếp tục quản lý và triển khai 64 nhiệm vụ KH&CN, đã tổ chức nghiệm thu được 11 nhiệm vụ. Tiêu biểu trong thực hiện nhiệm vụ KH&CN là ngành nông nghiệp với việc chủ động tiếp nhận, ứng dụng 45 quy trình công nghệ, xây dựng 15 mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN sản xuất liên kết chuỗi trong nuôi thủy sản, giống cây trồng, chăn nuôi, nông nghiệp công nghệ cao, chế biến…
Trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, các nhiệm vụ KH&CN như: “Nghiên cứu đánh giá ô nhiễm làng nghề cơ khí và xây dựng mô hình thí điểm hệ thống xử lý nước thải làng nghề”; “Điều tra đánh giá hiện trạng ô nhiễm kim loại nặng trong đất sản xuất nông nghiệp”; “Nghiên cứu nguyên nhân suy thoái rừng ngập mặn và xây dựng mô hình khôi phục rừng ngập mặn”… đã tập trung nghiên cứu đánh giá các vấn đề cấp thiết nhằm ngăn ngừa, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường do hoạt động của con người và tác động của tự nhiên gây ra, đề xuất các giải pháp sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ đa dạng sinh học…
Theo Sở KH&CN tỉnh Nam Định: Thực hiện cuộc thanh tra việc chấp hành Luật KH&CN trong thực hiện nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách Nhà nước, từ tháng 8 đến tháng 10-2023, Sở KH&CN thành lập đoàn thanh tra và tiến hành thanh tra các nhiệm vụ KH&CN: “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Mật ong rừng Sú Vẹt Vườn quốc gia Xuân Thủy” cho sản phẩm mật ong của Vườn quốc gia Xuân Thủy, tỉnh Nam Định”; “Ứng dụng các giải pháp công nghệ từng bước xây dựng trường học thông minh tại Trường Tiểu học Trần Nhân Tông, thành phố Nam Định”; “Hoàn thiện quy trình tổng hợp trong xử lý lúa cỏ trên địa bàn huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định”; “Ứng dụng tiến bộ KHCN xây dựng mô hình nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng chất lượng cao áp dụng công nghệ 4.0”.
Đây là các nhiệm vụ được đề xuất trên cơ sở đánh giá tính cấp thiết trong thực tiễn, cơ bản đã thực hiện đúng theo thuyết minh, dự toán được phê duyệt và hợp đồng đã ký, có một số tồn tại trong quá trình thực hiện đã được đoàn yêu cầu kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các nhiệm vụ KH&CN đã góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách Nhà nước cho KH&CN, tạo ra nhiều sản phẩm, giải pháp, mô hình ứng dụng KH&CN được nhân rộng trong đời sống xã hội, phục vụ các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cơ quan, đơn vị.
Đưa vào thực tiễn
Theo đại diện Công ty TNHH Cơ khí Quyết Tiến: Công ty được công nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ với sản phẩm bồn trộn bê tông thương phẩm đa năng các loại 0,5m3-1,5m3-2,5m3 được hình thành từ kết quả của Dự án khoa học và công nghệ “Hoàn thiện quy trình công nghệ kỹ thuật và sản xuất thử nghiệm bồn trộn bê tông thương phẩm đa năng loại 0,5m3-1,5m3-2,5m3”.
Hiện các sản phẩm bồn trộn bê tông thương phẩm của công ty sản xuất được ứng dụng công nghệ sơn tĩnh điện của Nhật Bản; tạo phôi bằng máy CNC của hãng Victor nhập khẩu từ Mỹ và áp dụng hệ thống hàn MIC robot tự động… Qua đó giúp các sản phẩm có độ bền đạt tới 100 nghìn m3, nâng cao khả năng cạnh tranh với hàng ngoại nhập về giá cả, chất lượng. Mỗi năm, doanh thu của Công ty từ sản phẩm bồn trộn bê tông thương phẩm đạt 10-15 tỷ đồng.
Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nam Định, để hỗ trợ hình thành và phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Sở đã tuyên truyền, triển khai nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước về lĩnh vực này. Ngoài Công ty TNHH Cơ khí Quyết Tiến, trước đó tỉnh có 3 doanh nghiệp được chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ là: Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nam Định, Công ty TNHH Cường Tân (Trực Ninh) và Công ty TNHH Tân Thiên Phú.
Đây là những doanh nghiệp thực hiện sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khoa học và công nghệ để tạo ra sản phẩm hàng hóa từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Thời gian qua, Nam Định đã hỗ trợ để phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Thời gian tới, các nhiệm vụ KH&CN với các hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ tập trung nguồn lực theo hướng bám sát các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như: Kế hoạch phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; Kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 của UBND tỉnh và xây dựng đô thị thông minh…
Nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN đạt hiệu quả cao trong nghiên cứu, thực nghiệm được nhân rộng và phát huy trong thực tiễn. Thời gian tới, Sở KH&CN căn cứ đề xuất, đặt hàng của các cơ quan, đơn vị, địa phương và văn bản chỉ đạo của Bộ KH&CN, của tỉnh để xây dựng định hướng hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN.
Tiếp tục tham mưu nâng cao chất lượng tư vấn của Hội đồng KH&CN tỉnh, đảm bảo chặt chẽ, khách quan, lựa chọn được những nhiệm vụ thực sự cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra nhiệm vụ KH&CN. Phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường giới thiệu các kết quả nghiên cứu, ứng dụng KH&CN; tuyên truyền, phổ biến thành tựu, tri thức KH&CN.
Có thể bạn quan tâm