Tạo đà cho doanh nghiệp du lịch bứt phá
Xu hướng thị trường thay đổi liên tục, Vietravel cũng như các doanh nghiệp du lịch cần thích nghi, linh hoạt, chấp nhận "mở" thị trường truyền thống.
>>Liên kết du lịch địa phương
Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng - Phó Tổng giám đốc Vietravel cho rằng, bước sang năm 2024, các doanh nghiệp du lịch đều đẩy mạnh hoạt động đầu tư, làm mới hình ảnh doanh nghiệp, gia tăng dịch vụ, sản phẩm… với kỳ vọng sẽ đạt được những bước phát triển mạnh mẽ.
Mới đây, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị 08/CT-TTg về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững; tại văn bản, Thủ tướng ghi nhận du lịch ngày càng phát triển mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hình ảnh và vị thế quốc gia... đồng thời giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất thí điểm miễn thị thực…
- Là một trong những “con chim đầu đàn” trong ngành du lịch, bà có nhận định ra sao về tình hình chung của toàn ngành Du lịch trong giai đoạn vừa qua?
Có thể nhận định rằng, “sau cơn mưa trời lại sáng” với ngành du lịch Việt Nam. Trải qua những thời điểm khó khăn, năm 2023, du lịch Việt Nam đã có sự phục hồi ngoạn mục, vượt chỉ tiêu đề ra khi ngành du lịch đón 12,6 triệu lượt khách quốc tế, vượt 57% so với mục tiêu ban đầu và đạt mục tiêu đã điều chỉnh (12-13 triệu lượt). Khách nội địa đạt 108 triệu lượt, vượt 6% so với kế hoạch năm 2023. Tổng thu từ du lịch ước đạt 678 nghìn tỷ đồng, vượt 4,3% so với kế hoạch năm 2023. Trong đó, chính sách visa mới là một trong những động lực góp phần phát triển thị trường khách quốc tế, tăng năng lực cạnh tranh của điểm đến Việt Nam. Việc tiếp tục nới rộng những quy định về chính sách visa với nhiều cải tiến đổi mới trong công tác sản phẩm và xúc tiến vừa qua của các cơ quan ban ngành Trung ương và địa phương cũng như nỗ lực của các doanh nghiệp đã góp phần đẩy nhanh tốc độ hồi phục du lịch Việt Nam nhanh hơn dự kiến.
- Bên cạnh kết quả khả quan thời gian vừa qua, Vietravel nói riêng và các doanh nghiệp du lịch nói chung trong quá trình phục hồi để phát triển không thể tránh khỏi những khó khăn, thưa bà?
Quả thực dù ngành du lịch đã hoạt động trở lại hơn 1 năm sau thời gian ảnh hưởng bởi dịch Covid 19, đến nay các doanh nghiệp du lịch vẫn còn gặp khó khăn do thiếu vốn và cần những chính sách hỗ trợ để phục hồi. Nếu chủ động được nguồn vốn, các doanh nghiệp du lịch có thể nhiều cơ hội phục hồi nhanh kinh doanh như gia tăng các chương trình xúc tiến, tăng cường công tác quảng bá, đầu tư thêm cho công tác sản phẩm và quan trọng hơn là đầu tư trở lại cho nguồn nhân sự sau dịch. Trong bối cảnh khó khăn chung đó Vietravel cũng phải tái cấu trúc lại kinh doanh cho phù hợp hơn. Việc Chính phủ ban hành nhiều giải pháp giúp cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn cũng là cơ hội tiếp cận tín dụng và được hưởng chính sách hỗ trợ vay vốn đang là mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp du lịch, đặc biệt, đây là thời điểm quan trọng để nắm bắt cơ hội bứt phá trong năm 2024.
- Để tạo đà cho doanh nghiệp du lịch phát triển thời gian tới, bà có đề xuất kiến nghị gì, thưa bà?
Các doanh nghiệp tự thân đã có những định hướng chiến lược trong năm 2024. Ở góc độ doanh nghiệp chúng tôi sẽ có những điểm tập trung: đầu tư nhiều hơn về công nghệ; nắm bắt xu hướng mới để đa dạng sản phẩm và tuyển dụng thêm nhân sự. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nên đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển để xây dựng các sản phẩm mới, độc đáo và đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ nhằm gia tăng lợi thế cạnh tranh. Về phía cơ quan chức năng có các giải pháp về chính sách visa, tiếp cận nguồn vốn cho doanh nghiệp.
- Mục tiêu sắp tới của Vietravel cũng như kỳ vọng về sự phục hồi và phát triển bền vững của du lịch Việt Nam trong giai đoạn mới, thưa bà?
Năm 2024, chúng tôi tin rằng thị trường du lịch Việt Nam có nhiều "điểm sáng" hơn nữa. Mục tiêu sắp tới của Vietravel là phục hồi hoàn toàn và phát triển trở lại như giai đoạn trước dịch trong xu hướng phát triển trở lại của du lịch Việt Nam.
Xu hướng thị trường thay đổi liên tục, Vietravel cũnng như các doanh nghiệp du lịch cần thích nghi, linh hoạt, chấp nhận "mở" thị trường truyền thống. Từ đó, đáp ứng mục tiêu kinh doanh và tăng lượng khách.
Với những nỗ lực và thành quả có được từ năm 2023, chúng tôi kỳ vọng toàn ngành du lịch Việt sẽ tiếp tục phấn đấu đón 18 triệu lượt khách quốc tế; 130 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 8 - 9%/năm, đóng góp trực tiếp từ 6 - 8% trong GDP.
Xin trân trọng cảm ơn bà!
Có thể bạn quan tâm