Quảng Trị: Đẩy mạnh chuyển đổi số - Động lực phát triển kinh tế, xã hội
Quảng Trị xác định việc đẩy mạnh chuyển đổi số có vai trò quan trọng trong minh bạch thông tin, cung cấp dịch vụ công mức độ cao, nâng cao sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Huyền, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh cho biết: Sở đã tham mưu cho tỉnh ủy, UBND tỉnh, HĐND các nghị quyết, kế hoạch, đề án, dự án và hướng dẫn các ngành, địa phương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động như: Thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TU của Tỉnh ủy đã tham mưu Quyết định 1982/QĐ-UBND tỉnh về phê duyệt Đề án chuyển đổi số tỉnh Quảng Trị đến năm 2025 và định hướng đến 2030. Từ đó các ngành chủ động xây dựng cơ sở dữ liệu các ngành tích hợp vào Trung tâm giám sát điều hành thông minh của tỉnh (IOC) để cung cấp thông tin cho lãnh đạo tỉnh chỉ đạo kịp thời, giám sát hoạt động của các sở, ngành, địa phương đồng thời cung cấp thông tin cần thiết cho người dân và doanh nghiệp.
Hiện nay, Trung tâm IOC đã tích hợp một số cơ sở dữ liệu như: giám sát an ninh trật tự, an toàn giao thông, Cổng dịch vụ công, y tế, giáo dục, báo cáo kinh tế xã - hội...; đặc biệt là tích hợp Cổng phản ánh hiện trường tiếp nhận ý kiến của người dân và doanh nghiệp nhằm tạo kênh tương tác giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền phản ánh những vấn đề tiêu cực xảy ra trong xã hội để chính quyền xử lý một cách nhanh nhất.
Nhờ đó, chính quyền số, tỉnh cơ bản hoàn thiện các chiến lược, chính sách để thúc đẩy chuyển đổi số. Đầu tư xây dựng cơ bản về hạ tầng số đảm bảo cho chiến lược chuyển đổi số lâu dài như: Xây dựng Trung tâm điều hành thông minh (IOC), Trung tâm Giám sát an toàn thông tin mạng (SOC), Trung tâm tích hợp dữ liệu (DC), Kho cơ sở dữ liệu, Cổng thông tin điện tử của tỉnh tích hợp các công thành phần của sở, ban, ngành, địa phương; Cổng dịch vụ công đã tích hợp 100% dịch vụ công trực tuyến toàn trình và 1 phần trong đó gần 50% là dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Hệ thống xử lý văn bản được liên thông 4 cấp từ tỉnh đến xã đảm bảo 100%(trừ văn bản mật) được xử lý hoàn toàn trên môi trường mạng tích hợp chữ ký số và lưu trữ văn bản điện tử.
Về kinh tế số, theo đo lường của Bộ Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị ước đạt 9,03% theo chỉ tiêu của Nghị quyết 02 là 10%. Về xã hội số, người dân, doanh nghiệp đã tích cực tham gia vào sử dụng công nghệ số.
Có thể bạn quan tâm