Phát triển điện mặt trời mái nhà: Bài 2 - Đề xuất các giải pháp thực hiện
Ngoài cơ chế tự sản, tự tiêu, khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà cho kinh doanh, bán sản lượng điện dư lên lưới sẽ có lợi cho các bên tham gia.
>>Phát triển điện mặt trời mái nhà: Bài 1 - Lợi ích cho nền kinh tế
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Phan Công Tiến - Chuyên gia nghiên cứu về thị trường điện và năng lượng tái tạo (NLTT) cho biết, ngoài cơ chế tự sản, tự tiêu, phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) cho kinh doanh, bán sản lượng điện dư lên lưới sẽ giúp có lợi cho ba bên gồm Nhà nước, doanh nghiệp và người sử dụng điện. Nhưng để nắm rõ hơn về sản lượng điện đã sản xuất và khả năng tích hợp NLTT nói chung và ĐMTMN nói riêng vào hệ thống điện quốc gia cần có báo cáo độc lập và công bố hàng năm từ các cơ quan chức năng.
Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng, nếu cơ chế cho kinh doanh điện, bán sản lượng điện dư từ điện mặt trời mái nhà lên lưới sẽ thực sự có lợi cho các bên tham gia?
Đúng vậy, cơ chế tự sản tự tiêu, cho kinh doanh điện, việc này thực sự có lợi cho các bên tham gia. Ngược lại nếu cơ chế tự sản tự tiêu, không cho kinh doanh, các cơ quan doanh nghiệp không mặn mà đầu tư, từ đó sẽ dẫn đến hạn chế hiệu quả, gây lãng phí năng lượng trong trường hợp công nghiệp ngừng sản xuất và không dùng điện.
Ngoài ra, cơ chế cho bán sản lượng điện dư lên lưới hoặc bán nội bộ trong khu công nghiệp (KCN) sẽ giúp giá bán lẻ điện của hệ thống cho các nhóm khách hàng sử dụng điện thấp đi, kể cả các nhóm từ sản xuất, sinh hoạt, thương mại, hành chính sự nghiệp…
Nhưng khi triển khai hệ thống đơn chiếc, không theo qui mô lớn, chi phí đầu tư sẽ cao và không hiệu quả về kinh tế. Tài sản đầu tư hệ thống solar như đơn vị cung cấp năng lượng độc lập và đóng thuế đầy đủ theo luật kinh doanh thông thường. Vì vậy tôi kiến nghị cần “mở” cho việc kinh doanh loại hình này.
Vậy khi phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà sẽ tác động đến giá điện lẻ như thế nào, thưa ông?
Như chúng ta thấy, giá điện bán lẻ cuối cùng được quyết định dựa trên lượng tiêu thụ điện (kWh) của từng loại khách hàng sao cho với số kwh tiêu thụ cho từng nhóm khách hàng nhân với đơn giá bán lẻ sẽ ra tổng doanh thu có được. Nếu doanh thu không đủ bù đắp chi phí, EVN sẽ phải đối mặt với thua lỗ và buộc phải tăng giá điện.
Giá bán lẻ điện được phân theo các nhóm như sản xuất, sinh hoạt, thương mại và hành chính sự nghiệp với mức giá khác nhau tùy thuộc vào mỗi ngành và loại hình khách hàng. cụ thể như sau: phân theo các nhóm sản xuất từ (1044 đ/kwh đến 3314/kwh). Giá điện sinh hoạt: bậc 1:1806 đ/kwh- bậc 6: 3151 đ/kwh); Giá điện thương mại (thấp nhất 1465 đ/kwh- 4937đ/kwh) và hành chính sự nghiệp (1766-2629 đ/kwh).
Cơ cấu giá điện bán lẻ này nhằm đảm bảo doanh thu có được và có tính bù chéo giữa các nhóm khách hàng để hỗ trợ cho các hộ sử dụng điện với mức giá thấp như các hộ nghèo và thúc đẩy phát triển công nghiệp.
Tuy nhiên, cách tính giá này cũng mang lại sự không công bằng khi khu vực công nghiệp tăng trưởng cao mà giá điện không đủ bù đắp chi phí cung cấp điện, dẫn đến EVN thua lỗ và buộc phải tăng giá điện, ảnh hưởng đến các nhóm khách hàng khác mặc dù họ vẫn sử dụng lượng điện không đổi nhưng lại phải trả thêm tiền.
Được biết giá điện tính theo giá bậc thang, bù chéo giữa các nhóm khách hàng, vậy điện mặt trời áp mái có thể giúp giảm khoảng cách bù chéo, giảm tăng giá điện không, thưa ông?
Theo như các dữ liệu báo giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2023 ước tính khoảng 2.098 đồng/kWh. Rõ ràng đối với nhóm khách hàng hoặc trong nội bộ cùng loại khách hàng có trả cao hơn sẽ có giá mua điện cao hoặc thấp hơn so giá bình quân này.
Có thể thấy EVN đang cấp điện nhưng thu phí giá bán điện thấp hơn chi phí bình quân cho một số nhóm khách hàng, đây cũng là một trong các nguyên nhân khiến EVN lỗ. Như vậy, chúng ta cần mở cho nhóm này sử dụng điện mặt trời, khuyến khích các đơn vị tự cung cấp nguồn, giảm được bù chéo của khoảng chênh lệnh này, tức là EVN cấp với số lượng lớn lỗ nhiều, nay để khách hàng tự cấp, EVN cấp ít hơn càng cắt lỗ tốt hơn và từ đó giảm việc tăng giá điện.
>>Điện mặt trời mái nhà trong KCN: Nhu cầu và giải pháp cho doanh nghiệp
>>ĐIỆN MẶT TRỜI MÁI NHÀ TRONG KCN: Cần cơ chế thiết thực cho doanh nghiệp
Để giúp điện mặt trời mái nhà phát triển trong giai đoạn tới, ông có những kiến nghị nào cần đề xuất?
Thứ nhất, trước mắt ngoài tự sản tự tiêu, nên cho phép mở kinh doanh điện mặt trời để vào các lĩnh vực khách hàng có giá điện thấp hơn chi phí bình quân, ví dụ khu vực công nghiệp giá điện thấp hơn bình quân, hoặc dân cư khu vực nông thôn , miền núi, khu vực hành chính sự nghiệp.v.v để giảm lỗ cho EVN. Những loại khách hàng này do giá thấp nên cần có cơ chế cho kinh doanh mới hiệu quả.
Thứ hai, về lâu dài cần sửa đổi phương pháp tính giá điện và phát triển thị trường kinh doanh điện theo cơ chế tự cân bằng. Chẳng hạn mới đây Dự thảo Bộ Công Thương đưa ra, cần lấy ý kiến về việc giao cho các điạ phương và điện lực địa phương kiểm soát duyệt công suất phát triển điện mặt trời tại địa phương. Tôi cho rằng cái này sẽ không khả thi và không thể thực hiện được trong thực tế, bởi lẽ nó đang trái với qui luật tự nhiên về việc nhu cầu sử dụng điện.
Cụ thể nếu tăng các hộ dân lên 4000 đồng/kwh, trong khi điện mặt trời ngày càng giảm, ví dụ 600 đồng /kwh chẳng hạn, liệu chúng ta có thể ngăn cấm người sử dụng điện dùng giải pháp thay thế để giảm thiệt hại túi tiền của họ hay không? Tôi cho rằng vô cùng khó.
Hay là giá điện công nghiệp hiện nay có những điểm bất hợp lý. Ví dụ như trong cơ cấu giá điện công nghiệp, từ 9h30-11h30 giá trên 3000 đồng/kwh, đây lại là khoảng thời gian điện mặt trời có thể thay thế điện từ hệ thống dễ dàng vì giá rẻ hơn nhiều.
Vì khó kiểm soát, phương án duyệt công suất ĐMT phân bổ cho từng tỉnh không khả thi, nên sẽ lại hình thành vòng tròn tăng giá điện, bởi những khách hàng sử dụng điện giá cao sẽ tìm giải pháp ĐMT thay thế vì ảnh hưởng đến túi tiền của họ, lúc này doanh thu EVN sẽ lại tụt giảm, việc tăng giá lại xảy ra, hình thành vòng giảm doanh thu và tăng giá điện liên tục. Vì thế theo tôi, chúng ta cần nhanh chóng thiết kế một chính sách tự cân bằng.
Xin ông chia sẻ cụ thể hơn về phương án tự cân bằng nguồn công suất tiêu thụ này?
Muốn có cơ chế cần bằng, chúng ta cần chuyển đổi nhanh qua giá điện 2 thành phần, và cho phép mở rộng kinh doanh điện ở khâu dùng điện cuối; khi đó tách rõ giá điện dịch vụ phụ trợ, và giá điện lưới phân phối và bán lẻ. Như vậy giá điện cuối cùng khách hàng trả sẽ gồm 2 giá, giá cố định và giá biến đổi (trong giá biến đổi có dịch vụ phụ trợ hay còn gọi dịch vụ cân bằng), giá cố định này là thường chính là giá truyền tải, giá phân phối và giá điện công suất nguồn của các nhà máy truyền thống nằm chờ không phát.
Trong đó, phần giá biến đổi là giá nhiên liệu phát điện, giá điện NLTT, giá dịch vụ cân bằng. Khách hàng luôn phải trả chi phí cố định cho điện lực để bảo toàn hệ thống hạ tầng và nguồn điện dự phòng khi không có NLTT. Phần còn lại người sử dụng điện tự do lựa chọn, có thể mua điện hoặc tự phát điện, nếu tự dùng NLTT nhiều gây là chi phí cân bằng thì tự chi trả. Cơ cấu này luôn giữ cân bằng và không thiệt hại đến các chi phí của điện lực cấp nhưng vẫn đảm bảo được hệ thống cấp đủ điện.
Cụ thể: cơ cấu giá điện bán lẻ của chúng ta được xác định dựa trên ba thành phần chi phí chính: chi phí nguồn điện, truyền tải và phân phối. Trong đó, chi phí nguồn phát điện chiếm khoảng 80% (khoảng 25% trong số 80% nguồn là chi phí cố định, chiếm khoản 20%), chi phí truyền tải và phân phối chiếm 20%, Như vậy giá cố định chiếm khoảng chừng 40%, còn lại là chi phí biến đổi khoảng hơn 60% chi phí biến đổi trong đó có cả dịch vụ phụ trợ, cân bằng. Như vậy với khoảng hơn 60% chi phí biến đổi trong giá thành cuối cùng là chi phí biến đổi thì việc phát triển ĐMT tại chỗ cho thể thay thế được một phần và là quyền tự do của người sử dụng điện và khi đó mọi chi phí tự cân bằng.
Tôi cho rằng làm được những điều này sẽ giúp việc chuyển dịch năng lượng công bằng hơn, giúp phát triển các nguồn NLTT dễ dàng hơn, từ đó giúp thu hút các thành phần kinh tế tư nhân đầu tư phát triển nguồn vào NLTT hiệu quả. Ngoài ra để giúp cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và người dân biết về khả năng tích hợp NLTT, tức là biết hệ thống hiện tại và tương lai khả năng hấp thụ được bao nhiêu công suất NLTT nói chung và ĐMT nói riêng vào hệ thống điện, cần có Báo cáo tích hợp NLTT vào hệ thống điện và công bố công khai hằng năm như các nước đang làm.
Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Cần khung pháp lý cho điện mặt trời mái nhà trong KCN
15:51, 16/04/2024
ĐIỆN MẶT TRỜI MÁI NHÀ TRONG KCN: Sớm ban hành bộ tiêu chuẩn kỹ thuật
15:57, 11/04/2024
ĐIỆN MẶT TRỜI MÁI NHÀ TRONG KCN: Dư địa phát triển rất lớn
15:30, 11/04/2024
ĐIỆN MẶT TRỜI MÁI NHÀ TRONG KCN: Cơ hội để doanh nghiệp Việt tham gia sân chơi toàn cầu
14:11, 11/04/2024
Điện mặt trời mái nhà trong KCN: Nhu cầu và giải pháp cho doanh nghiệp
14:00, 11/04/2024