Hội An không buồn vì danh hiệu điểm đến giá rẻ
Dù được một công ty tài chính nổi tiếng tại Anh bình chọn là điểm đến giá rẻ, nhưng đại diện TP. Hội An (Quảng Nam) khẳng định rằng địa phương không buồn về danh hiệu trên.
>>Hội An “khát” bãi đỗ xe
Vùng lõi du lịch Hội An thời gian qua đã được nhiều tổ chức uy tín, nổi tiếng trên thế giới bình chọn, công nhận rất nhiều nhiều danh hiệu. Chỉ giai đoạn đầu năm 2024, đã có hàng các danh hiệu được công bố từ Top 100 “thành phố tuyệt vời nhất thế giới để đi bộ khám phá”, Top 10 “điểm đến Việt Nam được khách châu Á quan tâm”, “điểm đến an toàn”, “điểm đến tuyệt vời nhất thế giới cho kỳ nghỉ trăng mật,...”.
Bên cạnh đó, Hội An cũng vừa được bình chọn “điểm đến rẻ nhất thế giới” dành cho du khách Anh. Bình chọn này được công ty tài chính hàng đầu tại Anh - Post Office chỉ ra là điểm đến đường dài có chi phí rẻ nhất thế giới trong năm 2024.
Việc bình chọn của công ty tài chính trên đã khiến nhiều người băn khoăn, vì Hội An từ trước đến nay luôn được tỉnh Quảng Nam chú trọng đầu tư cho du lịch. Về định hướng cụ thể, Hội An luôn được xác định trở thành trung tâm du lịch đẳng cấp gắn với nghỉ dưỡng, với dòng khách hạng sang lưu trú dài ngày và chi tiêu cao.
Cùng với đó, “du lịch giá rẻ” cũng khiến nhiều doanh nghiệp “lăn tăn”. Vì giá rẻ thường được xem là một chiếc bẫy và nếu đã “dính” vào rất khó để thay đổi hoạt động du lịch trong tương lai.
Tại Họp báo thông tin chương trình kích cầu du lịch Quảng Nam được tổ chức mới đây, phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp đã mang những “lăn tăn” của doanh nghiệp đặt câu hỏi với đại diện địa phương và lãnh đạo ngành du lịch tỉnh. Với việc được bình chọn là “điểm đến rẻ nhất thế giới” liệu có ảnh hưởng đến hoạt động du lịch của địa phương cũng như định hướng đã đề ra?
Trả lời về vấn đề này, bà Phạm Thị Ngọc Dung – Phó trưởng phòng Văn hóa – Thông tin TP. Hội An cho hay trong thời gian quan, Hội An được nhiều báo, tạp chí nước ngoài đánh giá và xét danh hiệu, trong đó có danh hiệu là “điểm đến giá rẻ”. Nhìn nhận về vấn đề trên, vị này cho rằng dù là “điểm đến giá rẻ” nhưng chất lượng phục vụ vẫn tốt, thì cũng là tốt với địa phương.
“Họ đánh giá chỉ là giá rẻ chứ không phải là phục vụ không tốt. Thứ hai, việc giá rẻ cũng rất phù hợp với thị hiếu của khách trong thời gian đầu sau dịch Covid-19, chúng ta vẫn bị khủng hoảng về kinh tế, du khách vẫn thắt chặt chi tiêu. Và giá rẻ nhưng chất lượng phục vụ tốt, điểm đến tốt thì chắc chắn chúng tôi sẽ thu hút được rất nhiều khách đến Hội An.
Vì vậy, chúng tôi cũng không băn khoăn nhiều về bình chọn là giá rẻ và chúng tôi tiếp tục nỗ lực cố gắng để điểm đến Hội An làm hài lòng du khách. Chúng tôi không buồn vì bình chọn trên”, bà Phạm Thị Ngọc Dung lý giải.
Dù vậy, nhiều người vẫn lo lắng về câu chuyện du lịch giá rẻ với Hội An. Đây vừa là cơ hội lớn phát triển du lịch nhưng cũng là “bài toán” trong công cuộc phát triển du lịch bền vững tại địa phương.
Bởi lẽ, các áp lực sẽ xuất hiện từ việc giảm chi phí sản phẩm, tập trung thu hút số lượng khách,... sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ. Vấn đề này đã từng xảy ra trước đó khi hàng loạt doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm du lịch tại khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm hạ giá tour và nhận lại nhiều phản hồi từ du khách vì trải nghiệm chóng vánh.
Ngoài ra, các vấn đề phát sinh còn đến từ quá tải con người, ô nhiễm, thiếu công trình công cộng,... để phục vụ du khách. Bằng một hành động thiết thực, Hội An cũng đã dành nhiều “khu đất vàng” để làm công viên, tiểu lâm viên để khách du lịch dừng chân, nhưng vậy vẫn chưa đủ nếu lượng khách quay trở lại đông đúc như thời điểm trước đại dịch.
Một vấn đề khác khiến nhiều người lo lắng là mức độ thu hút với khách du lịch “bụi”, du lịch “thoáng qua”. Đây là phân khúc khách du lịch có xu hướng chi tiêu ít, ngắn ngày, không có nhu cầu tìm hiểu, khám phá. Trong khi đó, các giải pháp để thúc đẩy du lịch Hội An luôn gắn mục tiêu tăng thời gian lưu trú, chi tiêu của du khách.
Như ông Võ Quang Liên Kha – Phó Tổng giám đốc Vietravel cũng nhận định, hiện nay các sản phẩm về du lịch ở Hội An nhiều, đa mảng nhưng chưa có tính quốc gia, quốc tế. Cùng với đó, ẩm thực Hội An - Quảng Nam nổi tiếng nhưng vẫn chưa có lễ hội nào để thu hút du khách.
“Cần đánh giá lại xem sản phẩm có phục vụ cho cả thế giới hay không, hay chỉ lựa chọn một nhóm khách riêng biệt. Cùng với đó là vấn đề liên kết vùng, tại Huế - Đà Nẵng – Quảng Nam đều na ná nhau. Vì vậy địa phương cần tính đến việc bán các sản phẩm thể hiện tính liên kết vùng để cùng phát triển”, ông Kha đề xuất.
Trong khi đó, ông Hồ Quang Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định địa phương luôn đưa thương mại dịch vụ du lịch là trụ cột phát triển kinh tế. Và đặc biệt, tâm huyết của hệ thống chính trị, lãnh đạo địa phương qua các thời kỳ đều rất chú trọng du lịch.
Với định hướng sắp tới, được biết, Hội An đã kiên định thực hiện định hướng phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững. Tại quy hoạch tỉnh Quảng Nam vừa được phê duyệt, địa phương này cũng đã xác định sẽ khai thác không gian thiên nhiên - văn hóa Quảng Nam trở thành trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế trên cơ sở phát huy tối đa giá trị các Di sản văn hoá thế giới Hội An, Mỹ Sơn, Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm,
Theo mục tiêu, đến năm 2030 Quảng Nam sẽ thu hút 10 triệu lượt khách quốc tế và phục hồi, duy trì các thị trường du lịch truyền thống. Cụ thể là các thị trường khách Tây Âu, Bắc Âu, Bắc Mỹ là những thị trường có khả năng chi trả cao, lưu trú dài ngày, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh du lịch.
Có lẽ, câu chuyện “du lịch giá rẻ” cần được đánh giá lại. Vì định hướng đã nêu rõ và mối quan ngại về giá rẻ nhưng chất lượng tốt rất khó để kéo dài khi doanh thu từ du lịch không tăng trưởng phù hợp theo số lượng khách.
Có thể bạn quan tâm