Quảng Ninh: Gia tăng niềm tin với doanh nghiệp

HẢI NGÂN - LÊ CƯỜNG 19/04/2024 01:33

Tỉnh Quảng Ninh sẽ mở rộng sự kết nối, tăng cường tương tác giữa chính quyền các cấp với người dân và doanh nghiệp, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, cạnh tranh công bằng.

>>>Để Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch quốc tế

>>>Quảng Ninh: Đưa công nghệ số để phát triển du lịch thông minh

Đó là chia sẻ của ông Cao Tường Huy – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh tại công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2023 (SIPAS) và Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 (PAR Index) của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mới đây.

Tiếp tục dẫn đầu chỉ số SIPAS và PAR Index

Theo đó, tại hội nghị công bố Chỉ số PAR Index và Chỉ số SIPAS năm 2023, tỉnh Quảng Ninh đồng thời được vinh danh là quán quân của cả 2 chỉ số này.

Cụ thể, đối với Chỉ số PAR Index, Quảng Ninh đạt 92,18/100 điểm, cao hơn giá trị trung bình các tỉnh trên toàn quốc 5,2%, tăng 2,08 điểm so với năm 2022 và là một trong 7 địa phương thuộc nhóm A (trên 90%). Như vậy, từ năm 2012 đến nay, tỉnh Quảng Ninh có 6 lần đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số PAR Index cả nước (2017 đến năm 2020 và 2022 - 2023).

Bảng Chỉ số PAR INDEX năm 2023 của các tỉnh, thành phố trong cả nước

Bảng Chỉ số PAR INDEX năm 2023 của các tỉnh, thành phố trong cả nước

Còn đối với Chỉ số SIPAS, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục giữ vững vị trí ngôi vương năm thứ 5 liên tiếp (2019-2023), với kết quả đạt 90,61%. Trong đó, một số chỉ số quan trọng phản ánh cảm nhận của người dân, tổ chức về sự phục vụ hành chính đều đạt trên 90%, đứng đầu trong 63 tỉnh, thành phố của cả nước như: Việc ban hành, tổ chức thực hiện chính sách và việc cung ứng dịch vụ hành chính công của Quảng Ninh. Những chỉ số thành phần về việc người dân phải đi lại nhiều lần để giải quyết công việc; vấn đề bị trễ hẹn, bị phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực... của địa phương này đều ở mức thấp và có xu hướng giảm từng năm.

Theo bà Phạm Thị Thanh Trà - Bộ trưởng Bộ Nội vụ, tỉnh Quảng Ninh chứng tỏ được chất lượng, cũng như vị thế thông qua bảng xếp hạng chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS, PAPI, cùng nhiều chỉ số đo lường về hiệu quả, hiệu lực của chính quyền địa phương luôn đứng đầu cả nước trong nhiều năm liên tiếp. Kết quả dẫn đầu các chỉ số xứng đáng với tỉnh Quảng Ninh, bởi những nỗ lực, quyết tâm mạnh mẽ trong cải cách hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ công và đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính. Kết quả đó cũng cho thấy tính bền vững cao, thể hiện sự nhất quán, đồng bộ trong cải cách hành chính, trong chỉ đạo điều hành của tỉnh Quảng Ninh.

KCN Bắc Tiền Phong - DEEP C Quảng Ninh II, thuộc KKT ven biển Quảng Yên hiện là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư (Ảnh - Huy Dung)

KCN Bắc Tiền Phong - DEEP C Quảng Ninh II, thuộc KKT ven biển Quảng Yên hiện là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư (Ảnh - Huy Dung)

Còn theo ông Nguyễn Mạnh Cường - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ninh, việc ứng dụng hiệu quả công nghệ số, nâng tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến; thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh là rất có giá trị. Chỉ lấy ví dụ, với Sở Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên Cổng dịch vụ công tỉnh Quảng Ninh là 117 thủ tục hành chính thuộc 10 lĩnh vực (đạt 100%) được công bố tại Quyết định của UBND tỉnh. Thủ tục hành chính ở mức độ 3, mức độ 4, đạt 81%, tăng 28% so với năm 2022.

Tiếp tục tạo niềm tin với doanh nghiệp

Tỉnh Quảng Ninh là một trong những tỉnh đầu tiên trong cả nước ban hành Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh giai đoạn 202 -2025, định hướng đến năm 2030. Điều này đã thể hiện sự quyết tâm rất lớn của tỉnh Quảng Ninh về đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Ông Cao Tường Huy - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, hành trình cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh của Quảng Ninh đã trở thành thương hiệu của tỉnh về một “Điểm đến đầu tư an toàn, thuận lợi, minh bạch, hấp dẫn và thành công”. Với phương châm “Chỉ có điểm bắt đầu, không có điểm kết thúc, chỉ có nhìn về phía trước để tiến lên”, tỉnh Quảng Ninh hiểu rõ việc giành được vị thế, thứ hạng các chỉ số đã khó, giữ vững được vị thế, thứ hạng chỉ số càng khó khăn hơn.

Dây chuyền hiện đại tại Công ty TNHH Công nghiệp Solar Việt Nam (Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh)

Dây chuyền hiện đại tại Công ty TNHH Công nghiệp Solar Việt Nam (Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh)

Cũng theo ông Huy, trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục đổi mới sáng tạo, không ngừng nỗ lực, bền bỉ vươn tới bằng tầm nhìn văn hóa, lòng tin chiến lược, trách nhiệm công vụ, đạo đức liêm chính, động lực nội sinh để kiến tạo, nuôi dưỡng, nâng cao niềm tin xã hội; niềm tin của người dân, nhà đầu tư và doanh nghiệp. Đồng thời, địa phương sẽ tiếp tục nâng cao năng lực phản ứng chính sách, kịp thời xử lý các vấn đề mới phát sinh thuộc thẩm quyền; mở rộng sự kết nối, trao đổi thông tin, tăng cường tương tác thường xuyên giữa chính quyền các cấp với người dân và doanh nghiệp. Qua đó, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, công khai, minh bạch, cạnh tranh công bằng.

Được biết, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện có gần 200 doanh nghiệp FDI đến từ 20 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư gần 14 tỷ USD. Các doanh nghiệp này chủ yếu đầu tư các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng cao, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tại chương trình gặp gỡ Xuân Giáp Thìn 2024 với chủ đề: “Quảng Ninh - Hội tụ và Lan tỏa” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức vào tháng 3 vừa qua, nhiều đại diện các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng đánh giá cao về môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh Quảng Ninh. Điều này cũng chứng cho nỗ lực bền bỉ, đổi mới sáng tạo một cách thực chất và bền vững trong công tác cải cách hành chính của tỉnh Quảng Ninh. Qua đó, gia tăng niềm tin với người dân, doanh nghiệp.

Theo đại diện Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar Việt Nam, được sự quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất của tỉnh Quảng Ninh, TX Quảng Yên và chủ đầu tư KCN Sông Khoai, hoạt động sản xuất của Jinko 1 và Jinko 2 đã, đang được duy trì ổn định ngay từ những tháng đầu tiên của năm 2024. Dự kiến doanh thu của các nhà máy tại Quảng Ninh trong năm 2024 sẽ đạt 2,4 tỷ USD, gấp 3 lần so với năm 2023. Hiện, các nhà máy đang hoạt động tại tỉnh Quảng Ninh đang chiếm khoảng 50% tổng sản phẩm sản xuất của tập đoàn tại nước ngoài.

Có thể bạn quan tâm

  • Để Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch quốc tế

    Để Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch quốc tế

    02:00, 10/04/2024

  • Quảng Ninh: Đưa công nghệ số để phát triển du lịch thông minh

    Quảng Ninh: Đưa công nghệ số để phát triển du lịch thông minh

    00:06, 08/04/2024

  • Quảng Ninh: Lên kế hoạch đón đầu làn sóng dịch chuyển vốn FDI

    Quảng Ninh: Lên kế hoạch đón đầu làn sóng dịch chuyển vốn FDI

    01:46, 07/04/2024

HẢI NGÂN - LÊ CƯỜNG