Cần thiết luật hóa việc kinh doanh dược qua sàn thương mại điện tử
Để đảm bảo công tác quản lý trong thực tiễn phát triển hiện nay, góp ý Dự thảo Luật Dược (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, cần thiết luật hóa việc kinh doanh dược qua sàn thương mại điện tử…
>> Sửa Luật Dược: Cân nhắc quy định điều chỉnh các sản phẩm khí dùng trong y tế
Theo đó, so với luật hiện hành, Dự thảo Luật Dược (sửa đổi), đã sửa đổi, bổ sung 43 Điều, trong đó, sửa đổi 40 Điều, bổ sung 3 Điều, bãi bỏ 4 Điểm và 2 khoản.
Đặc biệt, một trong những nội dung đáng chú ý tại Dự thảo Luật (sửa đổi) lần này là việc sửa đổi, bổ sung một số quy định về tổ chức, sắp xếp lại hệ thống kinh doanh, phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc; thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề dược.
Cụ thể, Dự thảo Luật (sửa đổi) đã bổ sung một số loại hình kinh doanh, điều kiện kinh doanh đối với loại hình kinh doanh chuỗi nhà thuốc, kinh doanh thuốc theo phương thức thương mại điện tử và quyền, trách nhiệm của cơ sở kinh doanh trên; bổ sung quy định cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược đối với các đơn vị sự nghiệp công lập có thu phí trong hoạt động về dược.
Bên cạnh đó, sửa đổi quy định về điều kiện kinh doanh đối với thuốc phải kiểm soát đặc biệt theo phương án đã được phê duyệt tại Quyết định số 1661/QĐ-TTg. Bổ sung thẩm quyền của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng trong việc cấp, cấp lại, điều chỉnh nội dung, thu hồi Chứng chỉ hành nghề dược đối với người phụ trách công tác dược lâm sàng của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý...
Nhìn nhận về đề xuất đã nêu, Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, việc bổ sung này là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tuy nhiên, cần làm rõ nội hàm “kinh doanh chuỗi nhà thuốc”, cụ thể hơn các quy định điều kiện thành lập, cách thức hoạt động, cơ chế quản lý để có căn cứ xem xét, bảo đảm tính khả thi và tính đồng thuận.
>> Sửa Luật Dược nhằm đáp ứng thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp
Đặc biệt, đối với kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử, Dự thảo Luật (sửa đổi) hoạt động kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc bao gồm cả hoạt động kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử. Theo đó, sửa đổi hành vi bị nghiêm cấm kinh doanh dược tại nơi không phải là địa điểm kinh doanh dược đã đăng ký, trừ hoạt động giao dịch, mua, bán theo phương thức thương mại điện tử, bổ sung quyền và trách nhiệm của cơ sở kinh doanh dược theo phương thức thương mại điện tử.
Theo Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội, việc luật hóa quy định kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử là cần thiết nhằm điều chỉnh vấn đề đã phát sinh trong thực tiễn và còn khoảng trống pháp lý. Tuy nhiên, do đây là vấn đề mới, Dự thảo cần quy định cụ thể hơn nữa về nội dung này, trong đó, cần xác định trong luật các loại thuốc nào được kinh doanh, các hình thức kinh doanh được thực hiện theo phương thức thương mại điện tử, đối tượng được tham gia mua, bán để tạo sự minh bạch của quy định.
Bên cạnh đó, cần rà soát quy định về thương mại điện tử để bảo đảm phù hợp với Luật Giao dịch điện tử.
Góp ý về nội dung này, Trưởng Khoa dược, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP. Hồ Chí Minh - Nguyễn Thị Bích Ngọc đề xuất, nên có quy định cụ thể cho việc ứng dụng thương mại điện tử vào kinh doanh dược, bởi hiện nay bán hàng qua các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội đang nở rộ.
“Việc quy định sẽ tạo điều kiện cho đơn vị kinh doanh mở rộng và các đơn vị cũng quản lý tốt hơn”, Trưởng Khoa dược, Bệnh viện Nhi đồng 1 bày tỏ.
Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội - Vương Đình Huệ cũng cho rằng, doanh nghiệp dược phẩm có xu hướng mong muốn “nới” quy định kinh doanh thuốc trực tuyến để tạo thuận lợi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, thuốc là mặt hàng đặc biệt, liên quan đến sức khỏe, tính mạng người dân. Kinh doanh thuốc trực tuyến cũng là hình thức mới nên cần “kiểm soát rất chặt, đánh giá tác động cụ thể”.
Từ đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, làm rõ việc cấp phép kinh doanh dược phẩm theo phương thức thương mại điện tử được áp dụng cho doanh nghiệp có chuỗi nhà thuốc hay chỉ cấp từng cơ sở đơn lẻ. Đồng thời, Dự thảo Luật (sửa đổi) cần quy định chi tiết việc xử lý vi phạm, quy trình giao thuốc đến khách hàng, truy xuất nguồn gốc, pháp nhân chịu trách nhiệm khi xảy ra sự cố sử dụng thuốc.
Cùng với các vấn đề đã nêu, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị đánh giá mức độ kiểm soát của cơ quan quản lý Nhà nước, nghiên cứu kinh nghiệm các nước trên thế giới về vấn đề này.
“Làm sao tìm được điểm cân bằng nhất giữa sản xuất kinh doanh, lưu thông thuận lợi với đảm bảo minh bạch, an toàn cho người mua”, Chủ tịch Quốc hội - Vương Đình Huệ lưu ý.
Có thể bạn quan tâm
Thực tiễn đòi hỏi phải sửa đổi Luật Dược
16:46, 16/04/2024
Sửa Luật Dược: Cân nhắc quy định điều chỉnh các sản phẩm khí dùng trong y tế
04:00, 11/04/2024
Sửa Luật Dược để doanh nghiệp “dễ thở” hơn
03:30, 13/01/2024
Sửa Luật Dược nhằm đáp ứng thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp
16:48, 22/12/2023
Sửa Luật Dược theo hướng rút ngắn thời gian cấp phép thuốc
03:30, 23/03/2023