Đằng sau làn sóng xuất khẩu của Trung Quốc

CẨM ANH 21/04/2024 03:00

Theo New York Times, lượng ô tô xuất khẩu của Trung Quốc sang các thị trường nước ngoài đã tăng gấp 5 lần trong 4 năm qua.

>> Kỳ vọng gì từ hợp tác nông nghiệp ASEAN - Trung Quốc?

Hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc lập kỷ lục

Hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc tăng mạnh trong những năm qua

Các tấm pin mặt trời của Trung Quốc đang thống trị thị trường toàn cầu. Ngay cả xuất khẩu trong các ngành sử dụng nhiều lao động như sản xuất đồ nội thất, ngành mà Trung Quốc từng được cho là sẽ thua các nước có chi phí nhân công thấp hơn, cũng đang tăng mạnh.

Các nhà lãnh đạo Mỹ và châu Âu ngày càng lên tiếng rằng làn sóng xuất khẩu của Trung Quốc đang tràn ngập thị trường của họ. Các nước đang phát triển như Ấn Độ và Brazil cũng đang bắt đầu đặt giới hạn mua hàng từ Trung Quốc. Các nước phát triển và đang phát triển đều lo ngại rằng nhiều nhà máy của họ có thể phải đóng cửa khi không thể cạnh tranh với hàng giá rẻ của Trung Quốc.

Tuy nhiên, lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc mạnh đến mức khó có thể ngăn chặn được sức ép xuất khẩu của nước này. Trung Quốc đã lắp đặt nhiều robot nhà máy hơn phần còn lại của thế giới cộng lại. Chuỗi cung ứng chi phí thấp của Trung Quốc sản xuất hầu hết mọi hàng hoá. Và Bắc Kinh đang thúc đẩy các ngân hàng trong nước cho vay nhiều vốn hơn để xây dựng thêm nhiều nhà máy.

Đồng thời, các công ty Trung Quốc đang tìm cách vượt qua các rào cản thương mại ở phương Tây. Họ chia các lô hàng thành các gói nhỏ, mỗi gói có giá trị đủ nhỏ để được miễn thuế. Các công ty Trung Quốc đã tăng cường xuất khẩu sang phương Tây gián tiếp qua Đông Nam Á và Mexico để tránh thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu trực tiếp từ Trung Quốc.

Hiện nay, ô tô đang là mặt hàng xuất khẩu thu hút được nhiều sự chú ý nhất của Trung Quốc. Chỉ trong vòng 4 năm qua, Trung Quốc đã phát triển trở thành nước xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới, với gần 5 triệu ô tô được xuất khẩu vào năm ngoái, trong đó 3/4 số ô tô xuất khẩu của nước này là động cơ xăng. 

Tàu biển cũng là một mặt hàng xuất khẩu lớn của Trung Quốc, khi lượng xuất khẩu tàu biển của quốc gia này trong ba tháng đầu năm nay tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện nay, Mỹ đã bắt đầu cuộc điều tra về việc liệu Trung Quốc có sử dụng các hoạt động thương mại không công bằng để mở rộng ngành đóng tàu hay không.

>> Đằng sau tình trạng dư thừa năng lượng mới của Trung Quốc

Một cảng hàng hóa của Trung Quốc. Ảnh: Xinhua.

Một cảng hàng hóa của Trung Quốc. Ảnh: Xinhua.

Các tấm pin mặt trời và tấm năng lượng mặt trời cũng nằm trong số những mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhất của Trung Quốc tính theo số lượng. Nhưng do giá sản phẩm năng lượng mặt trời giảm gần một nửa nên tổng giá trị xuất khẩu năng lượng mặt trời của Trung Quốc thực tế đã giảm nhẹ vào năm ngoái.

Theo ông Keith Bradsher, Trưởng văn phòng đại diện The Times tại Bắc Kinh, Trung Quốc đang cố gắng tìm cách thoát khỏi cuộc khủng hoảng nhà ở. Bất động sản từng là động lực của nền kinh tế Trung Quốc, nhưng bong bóng nhà đất kéo dài hàng thập kỷ dẫn đến hoạt động xây dựng chậm lại rõ rệt. Hàng chục nhà phát triển bất động sản đã cạn nguồn tiền.

"Bắc Kinh hy vọng rằng kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh, cùng với việc đầu tư mạnh vào các nhà máy sản xuất sẽ giúp bù đắp sự suy thoái trong lĩnh vực bất động sản", ông Bradsher nói. Những tín hiệu tích cực ban đầu cho thấy sự đặt cược của Bắc Kinh đang có kết quả. Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5,3% trong quý I/2024, nhanh hơn dự kiến. 

Các thành phố lớn của Trung Quốc cũng đang cạnh tranh để hỗ trợ các nhà sản xuất địa phương. Thâm Quyến đang giúp các nhà sản xuất ô tô điện như BYD, có được bảo hiểm xuất khẩu, mua tàu và thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển ở nước ngoài. Thiên Tân, một cảng rộng lớn gần Bắc Kinh, đang nâng cấp bến cảng và đơn giản hóa thủ tục hải quan.

Theo Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc, sự bùng nổ xuất khẩu diễn ra khi Trung Quốc đã sản xuất gần 1/3 hàng hóa sản xuất của thế giới - nhiều hơn cả Mỹ, Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc và Anh cộng lại.

Trung Quốc đã ký kết 21 hiệp định thương mại tự do với 29 quốc gia và vùng lãnh thổ trong những năm gần đây. Nhờ các thỏa thuận thương mại của mình, Trung Quốc đã bán cho các quốc gia đối tác nhiều loại linh kiện hơn được chế tạo thành hàng hóa xuất khẩu sang phương Tây.

Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, xuất khẩu của Trung Quốc sang Đông Nam Á đã tăng 75% trong 4 năm qua. Các chuyên gia cảnh báo, nếu không có biện pháp can thiệp và hỗ trợ hợp lý, hàng hóa các nước trong khu vực, đặc biệt là Việt Nam sẽ khó cạnh tranh trước sức ép “làn sóng” hàng hoá rẻ từ Trung Quốc.

Có thể bạn quan tâm

  • Trung Quốc tiếp tục cắt giảm tỷ lệ sở hữu trái phiếu kho bạc Mỹ

    Trung Quốc tiếp tục cắt giảm tỷ lệ sở hữu trái phiếu kho bạc Mỹ

    18:22, 20/04/2024

  • Kỳ vọng gì từ hợp tác nông nghiệp ASEAN - Trung Quốc?

    Kỳ vọng gì từ hợp tác nông nghiệp ASEAN - Trung Quốc?

    03:00, 19/04/2024

  • Trung Quốc loại dần chip Mỹ:

    Trung Quốc loại dần chip Mỹ: "Cơn ác mộng" với Intel và AMD

    03:30, 17/04/2024

  • Công nghệ pin mới, giúp ô tô điện Trung Quốc có thể đi 1.000-2.000 km sau mỗi lần sạc?

    Công nghệ pin mới, giúp ô tô điện Trung Quốc có thể đi 1.000-2.000 km sau mỗi lần sạc?

    04:06, 16/04/2024

  • Ấn Độ sẽ trở thành “Trung Quốc thứ hai”?

    Ấn Độ sẽ trở thành “Trung Quốc thứ hai”?

    03:30, 15/04/2024

CẨM ANH