Các thương hiệu xa xỉ tại TP.HCM: Xu hướng "buôn có bạn, bán có phường"
Lĩnh vực bán lẻ cao cấp tại TP.HCM trong thời gian qua đã ghi nhận nhiều tên tuổi ngành hàng xa xỉ nhờ tốc độ tăng trưởng tích cực và tiềm năng lớn của nhóm người tiêu dùng có thu nhập cao tại đây.
>>> Triển vọng nào cho thị trường bán lẻ Hà Nội?
Những dấu hiệu phục hồi
Theo dữ liệu của Statista, trong năm 2023, lĩnh vực hàng hóa xa xỉ tại thị trường Việt Nam ghi nhận tổng mức doanh thu đạt 957,22 triệu USD. Doanh thu chủ yếu đến từ các sản phẩm như nước hoa và mỹ phẩm cao cấp, thời trang, sản phẩm làm từ da cũng như đồng hồ và trang sức xa xỉ. Dự kiến, ngành hàng này sẽ thu về 992,20 triệu USD vào năm 2024.
Đơn vị này đánh giá thị trường Việt Nam có tốc độ tăng trưởng hàng năm ổn định ở phân khúc xa xỉ phẩm, dự kiến 3,10% (CAGR 2024-2028). Sự phát triển của tầng lớp trung lưu và thu nhập khả dụng ngày càng tăng ở Việt Nam đã dẫn đến nhu cầu về hàng xa xỉ tăng vọt.
Theo báo cáo thị trường bất động sản Quý 1.2024 của Savills, nhiều thương hiệu xa xỉ quốc tế đã nhanh chóng gia nhập thị trường trong những tháng đầu năm, tiêu biểu như Fendi, Cartier, Loewe… Đây là những cái tên nổi tiếng trong lĩnh vực thời gian và đồng hồ, trang sức xa xỉ.
Statita cũng cho biết thị trường các sản phẩm xa xỉ trong thời gian qua đang chứng kiến sự chuyển dịch đáng kể sang bán hàng trực tuyến, dự kiến chiếm 8,6% tổng doanh thu vào năm 2024 song hơn 90% còn lại vẫn do các cửa hàng vật lý dẫn dắt.
Nghiên cứu mới đây về thị trường bán lẻ khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Savills cho thấy nhìn chung ngành bán lẻ khu vực đang cho thấy những dấu hiệu phục hồi, với giá thuê mặt bằng tăng và tăng trưởng tích cực nhờ triển vọng kinh tế mạnh mẽ, doanh số bán lẻ tăng và du lịch phục hồi.
Cạnh tranh thuê những mặt bằng chất lượng cao
Dữ liệu của Savills cho thấy các nhà bán lẻ F&B, thể thao và mỹ phẩm dẫn đầu về hoạt động cho thuê trên toàn khu vực trong nửa cuối năm 2023. Các nhà bán lẻ trong lĩnh vực ngoài trời cũng mở rộng, trong khi các thương hiệu giải trí và hoạt động chiếm nhiều không gian hơn trong các trung tâm mua sắm.
Ở lĩnh vực xa xỉ, các thương hiệu xa xỉ khác đang đầu tư vào các cửa hàng ý tưởng và các cơ sở bán lẻ mang tính trải nghiệm hơn. Các cửa hàng sang trọng hàng đầu như cửa hàng mới ở Singapore của thương hiệu đồng hồ Richard Mille mang đến trải nghiệm sang trọng, hoàn chỉnh với các quán bar, quán cà phê và tác phẩm nghệ thuật.
>>Trung tâm thương mại trong cuộc đua hút nhãn hàng
Tại Việt Nam, bà Trần Phạm Phương Quyên, Quản lý cấp cao Dịch vụ cho thuê bán lẻ Savills TP.HCM cho biết các thương hiệu cao cấp hiện nay đa số tìm kiếm mặt bằng tại các khu vực trung tâmđã tập trung nhiều thương hiệu xa xỉ khác (luxury cluster). Xu hướng này cho thấy sức hút mạnh mẽ của những khu vực này đối với khách hàng tiềm năng của các thương hiệu xa xỉ.
“Tuy nhiên, nguồn cung mặt bằng bán lẻ tại các khu vực luxury cluster hiện hữu đang khan hiếm, dẫn đến tình trạng cạnh tranh cao giữa các thương hiệu”, bà Quyên dẫn chứng.
Theo vị chuyên gia, xu hướng tìm kiếm mặt bằng co cụm tại khu trung tâm quận 1 trên các trục đường, vị trí chính cũng phản ánh yếu tố "buôn có bạn, bán có phường" cao trong ngành bán lẻ.
“Các thương hiệu có xu hướng lựa chọn mặt bằng tại những khu vực có nhiều thương hiệu khác cùng phân khúc để hưởng lợi từ hiệu ứng đám đông và thu hút khách hàng”, bà Quyên phân tích.
Ngoài ra, chuyên gia Savills cũng cho rằng việc phát triển các dự án mới tại khu vực ngoài trung tâm quận 1 để đáp ứng nhu cầu mặt bằng bán lẻ xa xỉ là một thách thức lớn. Các dự án mới cần có thời gian để xây dựng danh tiếng và thu hút khách hàng, trong khi các thương hiệu thường ưu tiên lựa chọn những khu vực đã có sẵn lượng khách hàng nhất định.
Ngành bán lẻ hoạt động ổn định
Đánh giá chung về thị trường mặt bằng bán lẻ cho thuê tại TP.HCM, Bộ phận Nghiên cứu Savills ghi nhận hoạt động diễn ra ổn định, mức độ lấp đầy không đổi theo quý, đạt 92%. Các chủ nhà đã loại bỏ chương trình giảm giá thuê. Trong quý vừa qua, các giao dịch thuê đạt tổng 1.688 m2 sàn. Lượng tiêu thụ lớn nằm ở khu vực ngoại thành đạt 2.040 m2 sàn chủ yếu đến từ khách thuê F&B và một số tòa nhà đã chuyển đổi công năng từ văn phòng sang bán lẻ.
Các thương hiệu mở rộng chiếm 67% tổng lượng giao dịch và những giao dịch vượt quá 1.000 m2 sàn chiếm 8% giao dịch. Thời trang chiếm 50% giao dịch, tiếp theo là F&B với 20% thị phần và sức khỏe & sắc đẹp chiếm 15% thị phần.
Theo nhận định của bà Giang Huỳnh, Phó Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu & S22M, Savills TP.HCM, thị trường bán lẻ TP.HCM đang trên đà phát triển mạnh mẽ nhờ vào nhiều yếu tố tích cực, bao gồm triển vọng thu nhập và dân số gia tăng, các dự án bán lẻ liên tục cải thiện chất lượng và sự phát triển kinh tế.
Ở bức tranh rộng hơn, ông Simon Smith, Giám đốc Nghiên cứu & Tư vấn, Savills châu Á - Thái Bình Dương cho biết thị trường khu vực đang có những động lực thúc đẩy tăng trưởng tích cực. Tăng trưởng GDP của Châu Á Thái Bình Dương được dự báo sẽ đạt gần 4% trong năm nay, cao hơn gấp đôi so với dự báo của Mỹ và vượt xa hiệu quả hoạt động chậm chạp của Khu vực đồng Euro. Việt Nam cùng Malaysia và Philippines – đang trên đà đạt mức tăng trưởng hơn 6% trong năm nay.
Có thể bạn quan tâm
Nhờ đâu bán lẻ Nhật Bản "tung hoành" khắp Việt Nam?
04:00, 21/04/2024
Central Retail kết nối cung cầu, đưa nông sản Ninh Thuận vào hệ thống bán lẻ
16:00, 17/04/2024
Gỡ khó cho doanh nghiệp bán lẻ nội địa
03:30, 13/04/2024
Thị trường bán lẻ ghi nhận tín hiệu tích cực
03:00, 13/04/2024
Hướng đi mới của gã khổng lồ bán lẻ Aeon tại Việt Nam?
03:00, 08/04/2024