Luật Đất đai đóng vai trò quan trọng trong hệ thống pháp luật

Bài & Ảnh: GIA NGUYỄN 23/04/2024 13:44

Đây là chia sẻ của Chủ tịch VCCI - Phạm Tấn Công tại Hội thảo “Góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Đất đai và Dự thảo Nghị định quy định về giá đất”…

>> Luật Đất đai 2024: Bước tiến lớn trong quản lý và sử dụng đất đai

Theo đó, nhằm tiếp tục lắng nghe những ý kiến góp ý để xây dựng và hoàn thiện Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Đất đai và Dự thảo Nghị định quy định về giá đất, sáng 23/4, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo “Góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Đất đai và Dự thảo Nghị định quy định về giá đất”.

sáng 23/4, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo “Góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Đất đai và Dự thảo Nghị định quy định về giá đất”

Sáng 23/4, VCCI phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo “Góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Đất đai và Dự thảo Nghị định quy định về giá đất”

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch VCCI - Phạm Tấn Công cho biết, Luật Đất đai là đạo luật rất quan trọng trong hệ thống pháp luật nói chung và đặc biệt là pháp luật về kinh doanh. Đạo luật này có tác động lớn đến các hoạt động kinh tế - xã hội và nhận được sự quan tâm của nhân dân cũng như cộng đồng doanh nghiệp. Quốc hội đã dành tới 04 kỳ họp (bao gồm cả kỳ họp bất thường) để thảo luận và thông qua đạo luật này, cho thấy mức độ thận trọng, cân nhắc kỹ càng của các nhà làm luật đối với các quy định tại Luật Đất đai.

Chủ tịch Phạm Tấn Công phát biểu khai mạc Hội thảo

Chủ tịch Phạm Tấn Công phát biểu khai mạc Hội thảo

Theo Chủ tịch Phạm Tấn Công, so với Luật hiện hành, Luật Đất đai 2024 đã tăng thêm 02 Chương, bổ sung mới 78 Điều luật, 180 Điều luật được sửa đổi và bãi bỏ 13 Điều luật. Những điểm mới của Luật Đất đai 2024 cơ bản đã khắc phục được những mâu thuẫn, chồng chéo với các văn bản pháp luật khác, bổ sung những hành lang pháp lý còn thiếu đối với một số hoạt động kinh tế; khắc phục một số bất cập, vướng mắc trong thực tiễn.

Ngay sau khi vừa thông qua, trong tháng 3 và tháng 4 vừa qua, VCCI đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hai Hội thảo phổ biến về những nội dung Luật Đất đai 2024 tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh với hàng trăm đại biểu tham dự. Điều này cho thấy Luật Đất đai 2024 nhận được sự quan tâm và kỳ vọng rất lớn của cộng đồng kinh doanh.

“Thời gian xây dựng Luật Đất đai doanh nghiệp đã tham gia rất nhiệt tình vào hoạt động góp ý. Nếu so sánh các phiên bản Dự thảo trong quá trình lấy ý kiến, có thể thấy dấu ấn của cộng đồng doanh nghiệp rất mạnh mẽ. Rất nhiều ý kiến của doanh nghiệp được cân nhắc và ghi nhận (ví dụ như: kiểm soát mức tăng giá đất để tính tiền thuê đất hàng năm; bổ sung thêm một số trường hợp Nhà nước cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê; quy định về lấn biển…). Có nhiều vấn đề lớn, phức tạp, đến những phiên bản cuối cùng, ý kiến của doanh nghiệp cũng được cân nhắc là một trong những phương án lựa chọn. Ngay cả ý kiến lớn chưa được tiếp thu (về đất ở và đất khác), nhưng cơ quan Nhà nước cũng đã cân nhắc phương án thí điểm để đánh giá”, Chủ tịch Phạm Tấn Công chia sẻ.

Đồng thời bày tỏ, Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai và Dự thảo Nghị định quy định về giá đất là hai Dự thảo tác động rất lớn đến hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp, là cầu nối chuyển tải các quy định của Luật Đất đai 2024 vào đời sống kinh tế - xã hội… VCCI tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đối với hai Dự thảo này với mục đích tạo ra diễn đàn để các doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia trao đổi ý kiến với đơn vị chủ trì soạn thảo với hy vọng, các quy định của các văn bản hướng dẫn Luật Đất đai sẽ đảm bảo hợp lý, khả thi, tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện các dự án đầu tư.

Tại Hội thảo, đại diện cơ quan soạn thảo cũng trình bày tóm tắt về những nội dung quan trọng của hai Dự thảo Nghị định được đưa ra lấy ý kiến chuyên gia, hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời, mong muốn sẽ nhận được những đóng góp thiết thực từ các đại biểu tham dự.

Đại diện cơ quan soạn thảo trình bày sơ bộ về Dự thảo chính sách tại Hội thảo

Đại diện cơ quan soạn thảo trình bày sơ bộ về Dự thảo chính sách tại Hội thảo

Tham luận tại Hội thảo về nội dung hai Dự thảo Nghị định quan trọng của Luật Đất đai, nhiều ý kiến cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế cần được cân nhắc, xem xét.

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, về Dự thảo nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai về Chương 4 - Thu hồi đất, Mục 1: Gồm 2 trường hợp thu hồi đất “Vì mục đích Quốc phòng – An ninh và để phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”. Tuy nhiên, hiện chỉ có hướng dẫn trình tự với trường hợp Quốc phòng – An ninh còn trường hợp còn lại thì chưa được đề cập trong khi đây lại là vấn đề các doanh nghiệp rất quan tâm (Điều 29).

ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Bên cạnh đó, góp ý Mục 4 - Cưỡng chế kiểm đếm và thu hồi, ông Hiệp cũng đề xuất cơ quan soạn thảo cân nhắc, xem xét lại một số quy định tại các Điều: Điều 37.2 “Vận động, thuyết phục, đối thoại với người bị cưỡng chế trong thời hạn 5 ngày và được thể hiện bằng văn bản”; Điều 45.5; Điều 51; điểm c Điều 58; Điều 67; Điều 70 và Điều 71.

Về Dự thảo nghị định quy định về giá đất, ông Hiệp cũng cho rằng, Dự thảo có tham chiếu tới 05 Phụ lục (trong đó có các Phụ lục đưa ra ví dụ và hướng dẫn về cách áp dụng từng phương pháp định giá) nhưng không được đính kèm theo Dự thảo. Đồng thời cũng chỉ rõ một số quy định còn tồn tại, hạn chế và đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét.

Cùng với ý kiến đã nêu, tại Hội thảo, nhiều ý kiến của các chuyên gia, hiệp hội và các doanh nghiệp cũng chỉ ra những vấn đề còn thiếu sót, những khó khăn, vướng mắc nếu áp dụng vào thực tế để cơ quan soạn thảo rà soát, cân nhắc.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường – Lê Minh Ngân phát biểu bế mạc Hội thảo

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường – Lê Minh Ngân phát biểu bế mạc Hội thảo

Lắng nghe những ý kiến góp ý từ các đại biểu tham dự Hội thảo, phát biểu bế mạc, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường – Lê Minh Ngân cho biết, trong các góp ý tại Hội thảo có những vấn đề cơ quan soạn thảo đã tiếp thu, sửa đổi, có những vấn đề được chỉ ra cho thấy các thiếu sót mà cơ quan soạn thảo chưa thể thấy hết… cơ quan soạn thảo ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp, góp ý của các chuyên gia, hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình xây dựng, hoàn thiện các Dự thảo chính sách. Đồng thời mong muốn, cho tới khi các chính sách được hoàn thiện, ban hành sẽ tiếp tục nhận được các ý kiến đóng góp thiết thực từ các chuyên gia, hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp.  

Có thể bạn quan tâm

  • Luật Đất đai 2024: Bước tiến lớn trong quản lý và sử dụng đất đai

    Luật Đất đai 2024: Bước tiến lớn trong quản lý và sử dụng đất đai

    05:00, 18/04/2024

  • Bảo đảm đủ điều kiện để Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7

    Bảo đảm đủ điều kiện để Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7

    13:13, 16/04/2024

  • Sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024

    Sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024

    13:51, 12/04/2024

  • Luật Đất đai sớm có hiệu lực: Thúc đẩy nguồn cung nhà ở xã hội

    Luật Đất đai sớm có hiệu lực: Thúc đẩy nguồn cung nhà ở xã hội

    10:34, 05/04/2024

  • Luật Đất đai có hiệu lực sớm nửa năm: Giải bài toán cung cầu nhà ở

    Luật Đất đai có hiệu lực sớm nửa năm: Giải bài toán cung cầu nhà ở

    05:00, 02/04/2024

Bài & Ảnh: GIA NGUYỄN