Việc đẩy nhanh Luật Đất đai sớm có hiệu lực được kỳ vọng sẽ khơi nguồn cung phân khúc nhà ở xã hội đồng thời khuyến khích doanh nghiệp "mạnh tay" hơn để tham gia phát triển.
>>Luật Đất đai có thể có hiệu lực sớm nửa năm
Lâu nay, các dự án nhà ở xã hội chậm triển khai là do vướng phải những bất cập từ thủ tục chủ trương đầu tư, hay phê duyệt quy hoạch, giao đất, phê duyệt giấy phép xây dựng. Những vấn đề này được kỳ vọng sẽ trở nên thông thoáng hơn giai đoạn trước.
Đẩy nhanh việc gỡ các nút thắt
>>Luật Đất đai có hiệu lực sớm nửa năm: Giải bài toán cung cầu nhà ở
Ông Nguyễn Anh Quê - Chủ tịch Tập đoàn G6, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Bất động sản Việt Nam chia sẻ, căn cứ vào tình hình kinh tế đất nước cũng như các vướng mắc về thủ tục đầu tư, thủ tục hành chính và những thủ tục pháp lý còn vướng đối với thị trường bất động sản cần áp dụng Luật Đất đai 2024 sớm hơn. Bên cạnh đó, cũng cần áp dụng đồng bộ với Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản để sớm tháo gỡ khó khăn và đưa thị trường bất động sản phát triển ổn định.
Ngoài ra, vấn đề quỹ đất trước tới nay cũng là một rào cản để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào phân khúc này. Khi chi phí về đất đai, giải phóng mặt bằng rất cao trong khi mức giá bán ra lại thấp khiến biên lợi nhuận của doanh nghiệp thu hẹp được cho là điểm nghẽn khiến phân khúc này không thực sự hấp dẫn với nhà đầu tư.
Bởi vậy, nếu sớm có hiệu lực các bộ luật sẽ cùng nhau gỡ nút thắt này. Luật Đất đai 2024 đã có quy định cụ thể về quỹ đất phát triển nhà ở xã hội và khi đồng bộ cùng các Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 sớm có hiệu lực sẽ giúp nhiều dự án nhà ở xã hội nhanh chóng thực hiện, từ đó giúp nguồn cung nhà ở xã hội sớm phục hồi.
Giải bài toán thiếu nhà ở xã hội
Trước đó, Bộ Xây dựng cũng chỉ ra một số hạn chế khiến việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân còn chưa đạt kỳ vọng. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết: "Trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, xác định điều kiện mua, thuê mua, thuê nhà ở xã hội còn phức tạp và kéo dài; các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã ban hành chưa đủ hấp dẫn".
Ngoài vấn đề này, những rào cản liên quan tới đất đai cũng là một nguyên nhân được chỉ ra, như việc chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội trong quy hoạch đô thị, khu công nghiệp…
Những thách thức trên đã khiến kết quả triển khai tại một số thành phố lớn chưa được như kỳ vọng. Đến nay, đã có 129 dự án nhà ở xã hội với quy mô 114.934 căn được khởi công xây dựng, tuy nhiên mới chỉ có 28 địa phương công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình với nhu cầu vay vốn hơn 30.000 tỷ đồng.
Tại những nơi tập trung nhiều người lao động thu nhập thấp có nhu cầu về nhà ở xã hội cao nhưng tỷ lệ đăng ký nhà ở xã hội hình thành trong năm 2024 thấp. Cụ thể như: Hà Nội 1.181 căn, TP.HCM 3.765 căn, Đà Nẵng 1.880 căn, Cần Thơ 1.535 căn...
Tuy nhiên, với việc đẩy nhanh Luật Đất đai sớm có hiệu lực được kỳ vọng sẽ khơi nguồn cung của phân khúc này, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp "mạnh tay" hơn để tham gia phát triển nhà ở xã hội.
Các chuyên gia cho rằng, từ thời điểm Luật Đất đai 2024 thông qua đến ngày 01/07/2024 là đủ thời gian để đưa các quy định luật đến với nhân dân, doanh nghiệp và các cơ quan Nhà nước, giúp họ hiểu và nắm được tinh thần của Luật Đất đai 2024.
Nếu được thông qua, việc này sẽ giúp nguồn cung nhà ở xã hội thời gian tới "bùng nổ", đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP. HCM, đáp ứng nhu cầu lớn hiện nay. Qua đó, "giá chung cư tại các đô thị lớn cũng sẽ được kìm giá, không còn ở mức quá cao như thời gian qua. Từ đó, người dân có nhu cầu ở thực sẽ tiếp cận dễ dàng hơn nhà chung cư cũng như những nhà ở giá rẻ khác", ông Quê nhận định.
Có thể bạn quan tâm