Dệt may Nghệ An đã vượt cơn “sóng dữ”?

HỒNG QUANG 01/05/2024 17:54

Ngành dệt may Nghệ An được nhận định đã vượt qua cơn “sóng dữ” và dự kiến sẽ có thêm nhiều đơn hàng trong thời gian tới.

Những dự báo kém lạc quan về một năm 2024 tiếp tục tràn ngập những khó khăn trước đây đã hoàn toàn bị phá vỡ khi doanh nghiệp dệt may địa phương ký kết thêm nhiều đơn hàng lớn từ các đối tác trong và ngoài nước. 

 Ngành dệt may Nghệ An đang trong tình trạng thiếu hụt nguồn lao động.

Ngành dệt may Nghệ An đang trong tình trạng thiếu hụt nguồn lao động.

Vấn đề mà doanh nghiệp dệt may lo lắng nhất hiện nay, đó là tình trạng thiếu hụt nguồn nhân công lao động trầm trọng khi thị trường được phục hồi, năng lực sản xuất đã quay trở lại như cũ.

Ghi nhận nhiều nét khởi sắc

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Trần Tiến Dũng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn An Hưng cho biết: Năm 2023 là một năm vô cùng khó khăn đối với các doanh nghiệp hoạt động trong ngành dệt may, trong đó, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vẫn là các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu đi châu Âu và châu Mỹ.

Tuy nhiên, trái ngược với hình ảnh vừa nêu trên thì từ quý I/2024, khi nền kinh tế thị trường đã bắt đầu phục hồi trở lại, ngành dệt may đã có nhiều tín hiệu khởi sắc. Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp dệt may lớn ở trên địa bàn tỉnh Nghệ An nói riêng, khu vực Bắc Trung Bộ nói chung đều đã bắt đầu sản xuất, kinh doanh ổn định. Nhiều khách hàng chủ động tìm đến các nhà máy để đặt hàng.

“Đối với các nhà máy của công ty chúng tôi, từ đầu năm 2024 đến nay đã tiếp đón hàng chục đoàn khách lớn nhỏ đến tham quan, đánh giá nhà máy và trao đổi để ký kết các đơn hàng lớn sản xuất từ tháng 4/2024” – ông Dũng thông tin.

Được biết, để đáp ứng được tiến độ sản xuất các đơn hàng lớn nêu trên, Công ty CP Tập đoàn An Hưng đã cân nhắc rất kỹ lưỡng trong việc lựa chọn khác hàng, đơn hàng với giá cả phù hợp nhằm đảm bảo mức thu nhập cho người lao động cũng như mang lại doanh thu cho công ty.

Bên cạnh đó, để giảm thiểu rủi ro thì doanh nghiệp này cũng chủ động, nhạy bén trong việc đa dạng hóa các loại hàng hóa sản xuất nhằm đáp ứng đầy đủ mọi nhu cầu mà khách hàng đưa ra, kể cả khách hàng châu Âu, châu Mỹ và chấu Á.

Những số liệu mà ngành thống kê tỉnh Nghệ An vừa công bố mới đây cũng cho thấy rõ kết quả khả quan, đầy nét tích cực của ngành dệt may địa phương. Đơn cử như: Trong quý I/2024, sản lượng áo sơ mi cho người lớn dệt kim hoặc đan móc ước đạt 412.000 cái, bộ com-lê, quần áo cho người lớn không dệt kim hoặc đan móc ướt đạt hơn 6.200.000 cái; khăn tay, khăn quàng cổ… là gần 370.000 cái.

Chưa kể, trong cuộc khảo sát, đánh giá một số doanh nghiệp trên địa bàn Nghệ An về tình hình sản xuất, kinh doanh của ngành thống kê tỉnh cũng thể hiện tỷ lệ vượt trội, với hơn 64% doanh nghiệp xác nhận đã đi vào ổn định trong quý I/2024 và tốt hơn so với quý IV/2023; cùng với đó là hơn 80% doanh nghiệp lạc quan dự báo rằng quý II/2024 sẽ tiếp tục đà thăng hoa và phát triển hơn nữa.

Nỗi lo thiếu hụt nguồn lao động

Có thể nói, ngành dệt may Nghệ An được nhận định đã vượt qua cơn “sóng dữ” và dự kiến sẽ có thêm nhiều đơn hàng trong thời gian tới. Tuy nhiên, theo nhận định của ông Trần Tiến Dũng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn An Hưng: Những hình ảnh khởi sắc, tín hiệu vui mới chỉ đang đến với những doanh nghiệp lớn, còn các xưởng may nhỏ lẻ thì hiện vẫn chưa nhận được nhiều đơn hàng. Nguyên nhân sâu xa là vì đã ký kết hợp đồng nhưng không đáp ứng được tiến độ mà các doanh nghiệp lớn đưa ra.

Bên cạnh đó, có một thực trạng khá buồn hiện nay, đó là thị trường đang dần phục hồi trở lại nhưng doanh nghiệp lại gặp khó khăn trong việc tìm nguồn nhân công lao động để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đơn cử như tại huyện Yên Thành, việc tìm người lao động cho ngành may mặc là “mỏi mắt”. “Hiện nay nhiều nhà máy mới thành lập trên địa bàn tỉnh nhà, dẫn đến việc thiếu hụt trầm trọng nguồn lao động để đáp ứng tốc độ phát triển nhanh theo lộ trình mà các doanh nghiệp đưa ra” – ông Dũng lý giải.

Bởi vậy, vị Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn An Hưng mong muốn: “Thời gian tới, doanh nghiệp dệt may rất cần sự hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, tổ chức trên địa bàn trong việc tuyên truyền, hỗ trợ công tác tuyển dụng, đáp ứng đủ nguồn nhân lực để phát triển nhà máy, ổn định sản xuất, ổn định thu nhập người lao động và đẩy mạnh các hoạt động an sinh xã hội”.

Liên quan đến vấn đề này, mới đây, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã ban hành Kế hoạch số 163/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, lãnh đạo tỉnh đề ra mục tiêu là phát triển ngành dệt may và da giày trở thành một trong những ngành công nghiệp chủ lực về xuất khẩu và đóng góp quan trọng vào GRDP của tỉnh.

Để làm được điều đó, Nghệ An đã đưa ra các giải pháp một cách cụ thể để thực hiện, bao gồm: Quy hoạch không gian phát triển; tập trung hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh... Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh vào công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.

Có thể bạn quan tâm

  • Mảng kinh doanh bán lẻ Nghệ An có dấu hiệu “hụt hơi”?

    Mảng kinh doanh bán lẻ Nghệ An có dấu hiệu “hụt hơi”?

    06:21, 23/04/2024

  • Doanh nghiệp vận tải Nghệ An: Những “nút thắt” cần tháo gỡ

    Doanh nghiệp vận tải Nghệ An: Những “nút thắt” cần tháo gỡ

    15:33, 12/04/2024

  • Doanh nghiệp ở Nghệ An “chạy đua” với chuyển đổi số

    Doanh nghiệp ở Nghệ An “chạy đua” với chuyển đổi số

    12:22, 10/04/2024

HỒNG QUANG