Để không lỗi nhịp với xu thế phát triển chung hiện nay, các doanh nghiệp Nghệ An đã và đang cố gắng vận dụng tối đa sức mạnh công nghệ, sớm hòa mình vào dòng chảy chuyển đổi số…
Đáng quan tâm, đối với doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thương mại điện tử, bán buôn, bán lẻ,… Bởi, đây là những ngành nghề có sức cạnh tranh cao và việc chuyển đổi số hiệu quả không những giúp doanh nghiệp cải thiện về mặt kinh doanh mà còn góp phần tối ưu hóa các nguồn lực, giảm tải nhiều chi phí khác trong công việc.
Thách thức mở ra cơ hội…
Mới đây, trong khuôn khổ buổi gặp mặt thường niên giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh với cơ quan ban ngành, chính quyền địa phương do UBND TP Vinh, tỉnh Nghệ An tổ chức, PV Diễn đàn Doanh nghiệp đã lắng nghe được những lời chia sẻ của một đại diện doanh nghiệp về việc chuyển đổi số đã tác động như thế nào đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn hiện nay.
Theo ông Nguyễn Văn Hoàng – đại diện Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Giải Pháp Xanh cho biết: Đối với một doanh nghiệp chuyên phân phối các mặt hàng điện máy, thiết bị gia dụng thì việc áp dụng công nghệ, giải pháp số dựa trên nền tảng kinh doanh sẵn có đã giúp công ty chúng tôi tiếp cận được khách hàng hiệu quả hơn, gia tăng doanh số bán hàng, tạo ra doanh thu cao hơn trước.
>>Lối đi nào cho nông sản Nghệ An vươn mình ra thế giới?
Chỉ rõ lợi ích trên, ông Hoàng kể lại: Cách đây khoảng hơn 5 năm về trước, công ty chúng tôi hoạt động kinh doanh chủ yếu dựa trên phương thức truyền thống như phân phối sản phẩm đến các đại lý, cửa hàng bán lẻ tại các huyện, thành, thị trên địa bàn 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Vấn đề doanh số bán hàng, lợi nhuận thu về lúc bấy giờ vẫn rất ổn định cho đến khi đại dịch Covid-19 ập đến và tiếp theo những năm sau đó là sự suy thoái kinh tế toàn cầu, gây ảnh hưởng nặng nề đến thị trường tiêu dùng trong nước khiến cho sức mua của người dân sụt giảm đáng kể.
Bối cảnh khó khăn trên đã thúc đẩy chúng tôi phải có sự thay đổi về chiến lược, điều chỉnh phương thức kinh doanh dựa trên nền tảng số để gia tăng việc bán hàng trực tiếp đến tay người tiêu dùng. Theo đó, để tăng doanh số cũng như tiếp cận đến nhiều khách hàng hơn nữa, công ty chúng tôi không ngừng cập nhật sản phẩm và mở rộng kênh bán hàng mới trên các nền tảng số như: Facebook, Zalo, Tiktok và các sàn thương mại điện tử Tiki, Lazada, Shopee…
“Ngày nào chúng tôi cũng tổ chức livestream với tầng suất cao, bất kể ngày đêm và đạt được hiệu quả rất rõ rệt. Chỉ trong 1 năm trở lại đây, công ty đã dần được khôi phục khi không chỉ tăng doanh số bán hàng mà còn tăng sự hiện diện công ty, sản phẩm điện máy đến khách hàng khắp mọi vùng miền của khu vực Bắc Trung Bộ. Hiện nay, công ty duy trì sự ổn định đầu ra từ 300 – 500 đơn hàng/tháng và dự kiến bước vào mùa cao điểm nắng nóng kéo dài thì lượng hàng xuất ra sẽ còn tăng gấp nhiều lần hơn nữa.” – vị đại diện doanh nghiệp chia sẻ.
Ví dụ điển hình nêu trên đã giúp chúng ta thấy rõ, trong bối cảnh kinh tế tràn ngập những khó khăn, thách thức thì giá trị của việc chuyển đổi số đã thay đổi số phận của các doanh nghiệp như thế nào, nhất là đối với những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ có nguồn lực tài chính ít ỏi và năng lực cạnh tranh thấp.
>>Gỡ vướng cho doanh nghiệp xuất khẩu Nghệ An
Theo ý kiến của một vị chuyên gia kinh tế cho biết, xu hướng chuyển đổi số trong doanh nghiệp hiện nay được xem là điều tất yếu nếu như doanh nghiệp muốn trụ vững trên thương trường đầy khốc liệt. Bởi, nó không chỉ giúp các doanh nghiệp tiếp cận được khách hàng hiệu quả hơn, hiểu được hành vi, sở thích, thói quen và phục vụ được khách hàng thuận tiện nhất; mà còn giúp doanh nghiệp khai thác tối ưu năng lực đội ngũ, giảm tải công việc, giảm thời gian xử lý công việc, giúp lãnh đạo quản trị thông tin được hữu hiệu.
Mở rộng mặt hàng kinh doanh
Tương tự, câu chuyện mở rộng sản phẩm kinh doanh của Công ty CP Vilaconic dưới đây cũng sẽ giúp chúng ta thấy rõ hơn sự bùng nổ của công nghệ đang là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp điều chỉnh phương thức hoạt động phù hợp theo hướng chuyển đổi số để tối ưu hóa nguồn lực, phục vụ khách hàng tốt hơn và bắt nhịp cùng xu thế phát triển chung hiện nay.
Là một doanh nghiệp chuyên kinh doanh xuất nhập khẩu, vận tải và sản xuất với khả năng hấp thụ vốn và tạo ra dòng tiền mặt một cách nhanh chóng, bức tranh kinh doanh của Công ty CP Vilaconic đầy tươi sáng, duy trì doanh thu ở mức ổn định cao trong năm 2023 vừa qua. Tuy nhiên, những người đứng đầu Vilaconic chưa muốn dừng lại ở đó khi bắt đầu chiến dịch kinh doanh mặt hàng nông sản nhập ngoại là dầu ăn hướng dương Nga để đánh vào nhu cầu tiêu dùng hiện nay.
>>Nghệ An: Những rào cản về thuế khiến nhà đầu tư “mắc cạn”
Ông Nguyễn Hữu Duyên – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Vilaconic cho biết: Lượng hàng nông sản thiết yếu đang chiếm tỷ trọng cao trong tổng chi tiêu của người tiêu dùng. Và khi mà mọi thứ căn bản nhất đã được đáp ứng, người tiêu dùng sẽ quan tâm đến sức khỏe nhiều hơn, từ đó hướng đến các sản phẩm nông sản thiết yếu cao cấp hơn và có thương hiệu ở cả trong nước lẫn quốc tế, ví dụ như: Gạo ST25, dầu ăn hướng dương nhập khẩu từ Nga,…
Bên cạnh đó, sự bùng nổ của thị trường thương mại điện tử, kinh doanh trên các nền tảng số, trang mạng xã hội là chìa khóa quan trọng để doanh nghiệp gia tăng khả năng cạnh tranh, thu hút khách hàng mục tiêu. Chính xu hướng này đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho công ty có thế mạnh về thương hiệu nông sản nhận diện được cơ hội để mở rộng quy mô, thị trường kinh doanh nhằm khai thác được thêm doanh thu, giá trị sinh lời từ dòng sản phẩm cao cấp.
“Mới đây, Công ty CP Vilaconic và Tập đoàn Armaz LLC đã chính thức ký kết một thỏa thuận hợp tác quan trọng nhằm mang dầu ăn hướng dương từ nước Nga vào thị trường Việt Nam. Đây là một bước quan trọng đánh dấu sự hợp tác chiến lược giữa 2 bên, mở ra cơ hội mới trong ngành công nghiệp dầu ăn Việt Nam” – ông Duyên vui mừng chia sẻ.
Có thể thấy, so với phần lớn các công ty khác trên địa bàn tỉnh, Công ty CP Vilaconic hội tụ đầy đủ những điều kiện thuận lợi như: Tiềm lực mạnh về tài chính, nguồn nhân lực chất lượng cao và một lực lượng lớn đối tác, khách hàng trung thành… Do đó, việc vận dụng, khai thác tối đa sức mạnh của công nghệ, kinh doanh trên nền tảng số để mở rộng quy mô, tăng doanh thu cũng là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận thực tế, xu hướng chuyển đổi số trong doanh nghiệp ở Nghệ An hiện nay mới chỉ dừng lại ở một mức độ nhất định, là một phần của việc áp dụng công nghệ, nền tảng số để kinh doanh chứ chưa phải là tất cả. Bởi, chuyển đổi số là một quá trình diễn ra thường xuyên, liên tục trên mọi mặt hoạt động của doanh nghiệp như: Chuyển đổi kinh doanh, tiếp thị, sản xuất, hành chính, công nghệ và hơn hết là chuyển đổi về mặt nhận thức, tư duy của mọi thành viên trong tổ chức, đơn vị với vấn đề này…
Có thể bạn quan tâm
Lối đi nào cho nông sản Nghệ An?
09:05, 06/04/2024
Nghệ An: Xử lý bất cập sau phản ánh của Diễn đàn Doanh nghiệp
00:30, 31/03/2024
Nghệ An: Xử lý nghiêm nạn khai thác khoáng sản trái phép
11:00, 30/03/2024
Nghệ An: Nhà thầu “phá cầu” nhưng không làm đường tạm?
00:06, 27/03/2024
Nghệ An kiến tạo đô thị “vệ tinh” bổ trợ cho khu kinh tế
14:38, 23/03/2024