Hạn chế rút BHXH một lần - Thêm quyền lợi để giữ chân người lao động
Xoay quanh vấn đề hạn chế rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, nhiều ý kiến cho rằng, giải pháp căn cơ, bền vững nhất là tăng cường quyền lợi cho người lao động khi hưởng chính sách hưu trí,…
>> Hạn chế rút BHXH một lần: Không nên quy định cứng nhắc
Để hạn chế tình trạng người lao động rút BHXH một lần, Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã đưa ra đề xuất giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm được hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động. So với việc rút một lần, việc rút ngắn thời gian đóng BHXH để người lao động tham gia BHXH muộn có thể tiếp cận lương hưu khi về già được cho là cần thiết.
Tuy nhiên, đi cùng với giảm thời gian đóng BHXH, nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước cần có các giải pháp hỗ trợ người lao động duy trì tạo việc làm có thu nhập ổn định tham gia BHXH cho đến khi về hưu. Bởi hiện nay những người ở độ tuổi 40-45, dù có đủ thời gian đóng BHXH 15 năm, nhưng để được hưởng lương hưu thì phải chờ thêm 15-20 năm nữa mới đến tuổi hưởng.
Trong khoảng thời gian chờ đến tuổi nghỉ hưu, nếu người lao động không có việc làm ổn định, khi gặp khó khăn nhiều người sẽ vẫn lựa chọn rút bảo hiểm một lần.
Bên cạnh vấn đề đã nêu, để hạn chế người ra động rút BHXH một lần, Dự thảo Luật (sửa đổi) cũng đưa ra 2 phương án: Phương án 1, chỉ nhóm tham gia trước khi Luật có hiệu lực (trước 01/7/2025) mới được rút. Nhóm đóng sau thời điểm này không được rút, trừ người đủ tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài định cư; mắc bệnh nguy hiểm đến tính mạng. Phương án 2, không phân biệt thời gian đóng, tất cả lao động đóng dưới 20 năm, sau một năm không tham gia hệ thống đều được rút nhưng không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ hưu trí, tử tuất. Số năm còn lại được bảo lưu hưởng chế độ. Tuy nhiên, cả 2 phương án này vẫn có đó những ý kiến trái chiều.
>> Sửa Luật Bảo hiểm xã hội: Quy định rút BHXH một lần vẫn chưa có… lời giải
Thực tế cho thấy, dù tiềm ẩn nhiều hệ lụy, thế nhưng, việc hưởng BHXH một lần sớm vẫn tiếp tục gia tăng thời gian qua, bởi ở độ tuổi 40-45 hầu hết người lao động quan tâm nhiều đến nhu cầu trước mắt (ngắn hạn) hơn là nhu cầu hưởng lương hưu khi về già (dài hạn), chưa kể, đa số người lao động làm việc trong các khu công nghiệp, có thu nhập thấp, khả năng tích lũy không nhiều, khi bị mất việc làm phải đối mặt với các nhu cầu tài chính trước mắt như cần tiền để chi tiêu sinh hoạt cho gia đình hoặc đầu tư cho con ăn học cho nên nhu cầu tài chính ngắn hạn của người lao động sau khi nghỉ việc rất lớn.
Xoay quanh vấn đề đã nêu, không ít ý kiến nhìn nhận, với tình hình nêu trên, thì việc người lao động lựa chọn rút BHXH 1 lần sẽ tiếp tục tăng cho dù Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có chọn phương án nào đi nữa.
Do đó, giải pháp căn cơ nhất, bền vững nhất là tăng cường quyền lợi cho người lao động khi hưởng chính sách hưu trí, cũng như các chế độ hưởng ốm đau, nghỉ dưỡng, thai sản, bệnh nan y... giảm % đồng chi trả; mặt khác cần quan tâm chính sách để người lao động được ở nhà ở xã hội, xây dựng Viện dưỡng lão... dành cho người lao động khi nghỉ hưu khó khăn, đơn thân... có nơi nương tựa.
Đặc biệt, cần nghiên cứu bổ sung thêm chính sách để hạn chế việc lao động nữ rút BHXH một lần, ví dụ chế độ hỗ trợ học tập cho con người lao động hàng tháng cho đến khi đủ 18 tuổi. Việc tăng quyền lợi BHXH cho người tham gia cũng là cách giữ họ ở lại hệ thống an sinh.
Liên quan đến vấn đề này, góp ý Dự thảo Luật (sửa đổi), bà Ngô Thị Liên - Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội kiến nghị, Công đoàn các cấp cần làm tốt công tác tuyên truyền vận động đoàn viên, người lao động cố gắng an tâm làm việc, ổn định lâu dài để đảm bảo thu nhập. Vì chính sách BHXH không chỉ dành riêng cho vấn đề rút BHXH một lần hoặc là chế độ hưu trí mà còn nhiều chính sách khác nữa, như: Bổ sung tầng trợ cấp hưu trí xã hội, hình thành hệ thống BHXH đa tầng; bổ sung đối tượng tham gia và hưởng chế độ BHXH; bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện;...
Đối với cơ quan BHXH, cần xem xét dung hòa lợi ích giữa chính sách và nguyện vọng của người lao động để hạn chế tình trạng rút BHXH một lần, cần có quy định tăng chế độ chính sách của BHXH nhằm giữ người lao động tham gia thay vì hạn chế quyền rút của người lao động.
“Chúng tôi mong muốn, những chính sách BHXH cần hết sức thận trọng có tính đến yếu tố dung hòa lợi ích giữa chính sách và nguyện vọng của người lao động để công nhân lao động yên tâm gắn bó, góp phần ổn định tại đơn vị, thúc đẩy sản xuất phát triển,…”, bà Liên kiến nghị.
Được biết, Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã được trình xin ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV và dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào cuối năm 2024, trong đó, có nhiều nội dung liên quan trực tiếp tới quyền và lợi ích của người lao động.
Có thể bạn quan tâm
Hạn chế rút BHXH một lần: Không nên quy định cứng nhắc
04:00, 08/04/2024
Sửa Luật Bảo hiểm xã hội: Quy định rút BHXH một lần vẫn chưa có… lời giải
04:00, 03/04/2024
Sửa Luật Bảo hiểm xã hội: Giải pháp nào hạn chế tình trạng rút BHXH một lần?
03:30, 22/11/2023
Hạn chế rút BHXH một lần - Quan trọng nhất vẫn là cải thiện đời sống, thu nhập
04:00, 30/09/2023
Hạn chế rút BHXH một lần - Nên mở rộng trợ cấp thất nghiệp
04:00, 22/09/2023