Cần cơ chế phù hợp cho phát triển… điện mặt trời mái nhà

Bài: GIA NGUYỄN - Ảnh: QUỐC TUẤN 03/05/2024 04:00

Trước những hệ lụy tiềm ẩn, Bộ Công Thương vẫn giữ quan điểm điện mặt trời dư thừa phát lên lưới với giá 0 đồng, thế nhưng, để hài hòa lợi ích, các nhà đầu tư vẫn trông chờ một cơ chế phù hợp…

>> Khuyến nghị an toàn phòng cháy chữa cháy cho hệ thống điện mặt trời mái nhà

Theo đó, nội dung Dự thảo Nghị định quy định cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời lắp đặt tại nhà dân, công sở, khu công nghiệp đã và đang được nhiều sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là đề xuất sản lượng điện dư thừa phát lên lưới với giá 0 đồng.

Cụ thể, trong Dự thảo, Bộ Công Thương đưa ra quy định với hai loại hình phát triển điện mặt trời mái nhà gồm có đấu nối và không đấu nối với hệ thống điện quốc gia. Chính sách giá 0 đồng chỉ áp dụng với sản lượng điện mặt trời mái nhà “tự sản tự tiêu” dư thừa phát lên lưới điện quốc gia.

Dự thảo Nghị định quy định cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời lắp đặt tại nhà dân, công sở, khu công nghiệp đã và đang được nhiều sự quan tâm của dư luận - Ảnh minh họa

Dự thảo Nghị định quy định cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời lắp đặt tại nhà dân, công sở, khu công nghiệp đã và đang được nhiều sự quan tâm của dư luận - Ảnh minh họa

Lý giải cho đề xuất này, Bộ Công Thương cho hay, sở dĩ điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu phát điện lên lưới quốc gia sẽ có giá 0 đồng là bởi Nhà nước muốn khuyến khích cá nhân, tổ chức phát triển điện mặt trời mái nhà để đáp ứng nhu cầu tự dùng, góp phần làm giảm áp lực cho hệ thống điện quốc gia.

Do đó, trong điều kiện hiện tại của hệ thống truyền tải và phân phối, cân bằng cơ cấu nguồn, giải pháp chống phát ngược và giải pháp mua với giá 0 đồng trong trường hợp phát lên lưới điện quốc gia là cần thiết và phù hợp, vừa khuyến khích loại hình điện mặt trời áp mái tự sản tự tiêu vừa ngăn chặn được hiện tượng trục lợi chính sách.

Cũng theo Bộ Công Thương, việc khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu nhằm mục đích tự sử dụng, tự cung tự cấp cho nhu cầu của chính mình, giảm bớt mua điện từ hệ thống điện quốc gia, giảm áp lực cho hệ thống điện.

>> Điện mặt trời mái nhà trong KCN: Nhu cầu và giải pháp cho doanh nghiệp

nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan soạn thảo có thể tính toán thêm đến các giải pháp khác để tận dụng hết nguồn điện mặt trời áp mái, tránh lãng phí mà vẫn hài hòa lợi ích - Ảnh minh họa

Nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan soạn thảo có thể tính toán thêm đến các giải pháp khác để tận dụng hết nguồn điện mặt trời áp mái, tránh lãng phí mà vẫn hài hòa lợi ích - Ảnh minh họa

Vì mục đích tự sản tự tiêu, nhằm ổn định chất lượng điện năng, ổn định cung cấp điện cho các tổ chức, cá nhân phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu Bộ Công Thương đã đề xuất với Chính phủ cho phép điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu được đấu nối với hệ thống điện quốc gia, miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực; công trình xây dựng có lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu không phải thực hiện điều chỉnh, bổ sung đất năng lượng và công năng theo quy định của pháp luật; thủ tục thực hiện đơn giản…

Trong khi nếu phát triển điện mặt trời mái nhà không phải “tự sản tự tiêu” mà kinh doanh, mua bán thì tổ chức, cá nhân phải đáp ứng các quy định Luật Quy hoạch, Luật Điện lực, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng… và một số quy định pháp luật chuyên ngành khác.

“Chính vì phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu được miễn giảm thực hiện một số quy định, tiêu chí khắt khe của pháp luật và có nhiều ưu đãi về chính sách… do đó, nếu bán điện thì sẽ xảy ra tình huống vỡ quy hoạch điện của quốc gia và khó kiểm soát hệ thống lưới điện, làm mất an toàn, trục lợi chính sách của Nhà nước”, Bộ Công Thương nhìn nhận.

Liên quan đến vấn đề đã nêu, nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan soạn thảo có thể tính toán thêm đến các giải pháp khác để tận dụng hết nguồn điện mặt trời áp mái, tránh lãng phí mà vẫn hài hòa lợi ích của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các nhà đầu tư (doanh nghiệp, hộ gia đình).

Theo ông Phan Công Tiến - chuyên gia về năng lượng, cần xem xét lại cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà như đề xuất tại Dự thảo nêu trên. Nếu mua giá 0 đồng, nhà đầu tư điện mặt trời sẽ bị mất một phần sản lượng khi nối lưới, bởi người dân khi lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà, đều mong muốn bán một phần dư thừa cho ngành điện để thu hồi vốn, tránh lãng phí nguồn điện.

“Do đó, cơ quan soạn thảo cân nhắc phương án để ngành điện thỏa thuận với các hộ dân có lắp đặt điện mặt trời mái nhà, mua lại lượng điện dư thừa với mức giá phù hợp. Điều này, sẽ góp phần tránh lãng phí, tối ưu hóa nguồn điện trước nhu cầu điện có thể tăng mạnh trong thời gian tới và khuyến khích đầu tư như mục tiêu của chính sách”, vị này bày tỏ.

Còn theo TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà nhưng không được bán cho cá nhân, tổ chức khác hoặc bán lên lưới với giá 0 đồng là đi ngược nguyên tắc thị trường. Với chính sách như đề xuất, rất khó thu hút người dân, doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời mái nhà.

Đối với hộ gia đình, một hệ thống năng lượng mặt trời mái nhà cũng có chi phí đầu tư từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng, tùy vào công suất. Tại khu vực như miền Bắc, nếu không được bán phần điện dư thừa thì người dân rất băn khoăn khi bỏ vốn đầu tư hệ thống điện.

“Chúng ta xây dựng cơ chế khuyến khích, nhưng cơ chế đưa ra đã đạt được mục tiêu đó hay chưa? Cần có cơ chế để EVN mua lại một phần điện dư thừa từ các hộ dân đã đầu tư điện mặt trời mái nhà. Trường hợp không bán cho EVN, có thể tính đến phương án người dân được khấu trừ sản lượng tiêu thụ trong kỳ thanh toán, hoặc tính bằng một tỷ lệ nhất định so với giá mua điện lưới”, TS. Nguyễn Quốc Việt bày tỏ.

Liên quan đến vấn đề này, một số ý kiến cũng cho hay, không phải doanh nghiệp, tổ chức nào cũng có đủ nguồn lực tài chính để tự đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà. Do đó, việc để cho các công ty chuyên nghiệp thuê lại áp mái xưởng để lắp đặt, vận hành hệ thống điện mặt trời áp mái và bán lại cho chính nhà xưởng bên dưới là phù hợp với nhu cầu thị trường, bản chất loại hình này không khác gì hình thức tự sản tự tiêu. Dự thảo Nghị định nên có hướng dẫn đối với các doanh nghiệp lắp đặt, vận hành hệ thống điện mặt trời áp mái và bán trực tiếp cho tổ chức ở phía dưới.

Được biết, theo quy hoạch điện VIII, đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu. Vì vậy, để đảm bảo hài hòa lợi ích các bên liên quan, tạo động lực khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà như Quy hoạch đề ra, rất cần một cơ chế phù hợp.

Có thể bạn quan tâm

  • Khuyến nghị an toàn phòng cháy chữa cháy cho hệ thống điện mặt trời mái nhà

    Khuyến nghị an toàn phòng cháy chữa cháy cho hệ thống điện mặt trời mái nhà

    05:00, 25/04/2024

  • Cần có chính sách phát triển điện mặt trời áp mái trong KCN

    Cần có chính sách phát triển điện mặt trời áp mái trong KCN

    02:00, 21/04/2024

  • Phát triển điện mặt trời mái nhà: Bài 2 - Đề xuất các giải pháp thực hiện

    Phát triển điện mặt trời mái nhà: Bài 2 - Đề xuất các giải pháp thực hiện

    04:30, 18/04/2024

  • Phát triển điện mặt trời mái nhà: Bài 1 - Lợi ích cho nền kinh tế

    Phát triển điện mặt trời mái nhà: Bài 1 - Lợi ích cho nền kinh tế

    05:00, 17/04/2024

  • Điện mặt trời mái nhà

    Điện mặt trời mái nhà "tự sản, tự tiêu" có thể đấu nối nhưng giá 0 đồng 

    00:30, 17/04/2024

Bài: GIA NGUYỄN - Ảnh: QUỐC TUẤN