Lại lo ngộ độc thực phẩm

KHÔI NGUYÊN 07/05/2024 03:00

Vụ việc hàng trăm người phải nhập viện, vì nghi ngộ độc sau khi ăn bánh mỳ thịt tại Đồng Nai vừa xảy ra tiếp tục là hồi chuông cảnh báo về công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay…

Những ngày gần đây, liên tiếp xảy ra nhiều vụ nghi ngộ độc thực phẩm tại tỉnh Đồng Nai và TP. HCM khiến nhiều người không khỏi lo lắng. Theo đó, tại địa bàn TP Thủ Đức (TP. HCM), xảy ra vụ 15 học sinh tại 4 trường tiểu học khác nhau nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm. Các chuyên gia ngành Y tế TPHCM nhận định khả năng cao là sau khi ăn cơm cuộn bán trước cổng trường. Còn tại tỉnh Đồng Nai, tới sáng 4/5, đã có tới 529 trường hợp nhập viện nghi ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì Băng (đường Trần Quang Diệu, khu phố 2, phường Xuân Bình, TP Long Khánh).

Các chuyên gia đánh giá, tình trạng ngộ độc thực phẩm và nhiễm độc thực phẩm đang ngày càng gia tăng về số lượng và mức độ nghiêm trọng tiếp tục cho thấy vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay đang thực sự báo động.

>>Nhức nhối “thực phẩm bẩn”

ihihih

Bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: Hà Anh Chiến

Nhiều ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân chính là do quá trình sản xuất, chế biến và bảo quản thực phẩm không bảo đảm. Nhiều nhà hàng, quán ăn, cơ sở sản xuất, kinh doanh không tuân thủ đúng qui định trong quá trình sản xuất và bảo quản thực phẩm. Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân khác như việc sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật không đúng cách, chất bảo quản cấm, nguồn nước không bảo đảm vệ sinh...

Đáng lo ngại hơn cả là việc một số cơ sở sản xuất, kinh doanh dù biết rõ sản phẩm không bảo đảm về chất lượng nhưng vì lợi nhuận đã bất chấp tất cả để tìm cách đưa đến tay người tiêu dùng "thực phẩm bẩn", gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm lớn nhỏ trên địa bàn, làm nguy hại tới sức khỏe thậm chí dẫn đến tử vong cho người tiêu dùng.

Có thể nói, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm đang đặt ra nhiều vấn đề trong công tác quản lý. Thời gian qua các sở ban ngành đã tiến hành không ít những cuộc kiểm tra từ đó phát hiện ra rất nhiều vụ việc liên quan tới các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, đã xử phạt rất nặng theo qui định của pháp luật, thậm chí là truy tố hình sự một số trường hợp để lại hậu quả nghiêm trọng.

Tuy nhiên, hiện nay việc thanh tra cũng tồn tại nhiều bất cập vì hiện là thanh tra theo kế hoạch hoặc đột xuất. Nhưng thanh tra theo kế hoạch có hạn chế là mỗi cơ sở chỉ thanh tra tối đa 1 lần trong năm, dẫn đến tư tưởng đã kiểm tra rồi thì cả năm “thả cửa”.

Ngoài ra các khu chợ dân sinh, chợ tự phát vẫn còn hoạt động mà chưa thể dẹp bỏ, nguồn thực phẩm tại những khu chợ này không được đảm bảo chất lượng cũng như nguồn gốc xuất xứ, dẫn đến việc vấn nạn ngộ độc thực phẩm chưa bao giờ được xử lý triệt để, dứt điểm trong suốt thời gian qua.

>>Thực phẩm bẩn: Cơn “ác mộng” chốn học đường

IHIHIIH

Nguồn thực phẩm tại những khu chợ tự phát không được đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, dẫn đến việc vấn nạn ngộ độc thực phẩm không được xử lý dứt điểm. Ảnh minh hoạ

Từ góc nhìn chuyên gia, TS.BS Trương Hồng Sơn, Phó Tổng thư ký Tổng Hội Y học Việt Nam, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho rằng, tình trạng thực phẩm bẩn đang tràn lan ngoài thị trường, không đảm bảo về chất lượng, không rõ nguồn gốc; ngày càng có nhiều nhà sản xuất, kinh doanh thực phẩm sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng, những hóa chất cấm trong chế biến nông thủy sản và sử dụng nhiều loại chất tẩy rửa thịt, cá ôi thiu; rồi quy trình chế biến không nghiêm ngặt hay do nhiễm độc từ môi trường không đảm bảo vệ sinh, sử dụng nước thải sinh hoạt trong chế biến…

Theo ông Sơn, tất cả các yêu tố đó cộng lại khiến nguy cơ ngộ độc thực phẩm vào mùa nắng nóng càng tăng cao. Do đó, bên cạnh việc người dân cần chủ động các biện pháp phòng tránh thực phẩm “bẩn”, BS Trương Hồng Sơn cho rằng, các nhà quản lý cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm. Cần có những quy định chặt chẽ, thanh tra, kiểm tra, quản lý quy trình chế biến bảo quản thực phẩm.

Đặc biệt theo vị chuyên gia, cần tăng cường các biện pháp, chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng. “Tuy nhiên, thực tế không có một lực lượng thanh tra ở bất kỳ quốc gia nào đủ sức bao sân tất cả công việc về quản lý, xử lý an toàn thực phẩm. Bởi vậy, để đạt được kết quả cao nhất, chắc chắn phải có sự ủng hộ của cộng đồng”, vị chuyên gia nói.

Có thể bạn quan tâm

  • TP.HCM: Lo ngại thực phẩm bẩn trong những ngày giáp Tết

    TP.HCM: Lo ngại thực phẩm bẩn trong những ngày giáp Tết

    00:06, 29/01/2024

  • Nhức nhối “thực phẩm bẩn”

    Nhức nhối “thực phẩm bẩn”

    03:20, 25/09/2023

  • Chống thực phẩm bẩn, vẫn còn… chồng chéo

    Chống thực phẩm bẩn, vẫn còn… chồng chéo

    04:00, 16/07/2021

  • Thực phẩm bẩn vẫn luẩn quẩn từ…

    Thực phẩm bẩn vẫn luẩn quẩn từ… "lỗ hổng" pháp lý

    04:40, 25/05/2021

KHÔI NGUYÊN