Mặc dù không phải câu chuyện mới, thế nhưng, "lỗ hổng" pháp lý đang khiến cuộc chiến với thực phẩm bẩn vẫn trong vòng luẩn quẩn...
Theo thống kê năm 2020, toàn ngành y tế kiểm tra 406.278 cơ sở, phát hiện 58.317 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, xử lý 10.077 cơ sở với tổng số tiền phạt là 48,6 tỷ đồng. Ngành nông nghiệp đã kiểm tra 40.036 cơ sở, xử phạt hành chính 2.737 cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản với số tiền phạt là 19,1 tỷ đồng.
Mặc dù những con số trên cho thấy các cơ quan quản lý, lực lượng chức năng đã nỗ lực vào cuộc tuyên chiến với thực phẩm bẩn, thế nhưng, trên thực tế vấn nạn thực phẩm bẩn chưa bao giờ hạ nhiệt, đáng nói, những vi phạm liên quan đến lĩnh vực này ngày một nguy hiểm hơn, khi chỉ trong một thời gian ngắn liên tục các vụ việc được cơ quan quản lý, lực lượng chức năng phát hiện, triệt phá...
Như ngày 07/4/2021, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội phối hợp với Phòng An ninh kinh tế - Công an thành phố Hà Nội vừa kiểm tra, bắt quả tang một cơ sở đang có hành vi bơm tạp chất vào tôm tại phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, thời điểm lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, tại cơ sở này đang có 2 người đang thực hiện hành vi bơm tạp chất vào tôm. Chất lỏng được tiêm vào sẽ làm cho con tôm ươn trở nên căng đẹp và tươi hơn, đồng thời cũng làm trọng lượng của con tôm tăng lên.
Vụ việc kể trên chưa lắng xuống, ngày 07/5, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường – Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng bắt quả tang Công ty TNHH kinh doanh chế biến hải sản Hoàng Vương có trụ sở tại xã Phước Hưng, huyện Long Điền đang ngâm 750 kg cá bã trầu trong hóa chất Hydrogen peroxide interox ST50 (ST50) - loại được dùng tẩy trắng trong công nghiệp dệt; tẩy uế, sát trùng...
Chưa dừng lại ở đây, chỉ trong 2 ngày 18/5 và 19/5, dư luận tiếp tục được một phen dậy sóng khi lực lượng chức năng tại Hà Nội từ những phản ánh của cơ quan báo chí đã triệt phá một cơ sở sử dụng ô xy già công nghiệp (một chất cấm dùng với thực phẩm) để tẩy trắng mực và TP. Hồ Chí Minh phát hiện, triệt phá một cơ sở sơ chế thịt ốc ở quận 8, và ghi nhận tại nơi đây có 1,8 tấn thịt ốc đã ngâm hóa chất, cùng với đó là 700kg hóa chất đựng trong các can nhựa không có nhãn mác và không có thời hạn sử dụng.
Thực trạng trên khiến dư luận vô cùng hoang mang, đặc biệt khi các vụ việc thực phẩm bẩn vẫn tràn lan và hiện hữu mọi lúc mọi nơi, với số lượng ngày một lớn, quy mô ngày một rộng, trong khi để quản lý lĩnh vực này có không ít sự tham gia của các lực lượng chức năng, cơ quan quản lý, vậy vì sao vẫn bài ca quen thuộc “thực phẩm bẩn chưa hề giảm”?
Theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến hiện trạng đã nêu xuất phát từ “lỗ hổng” trong hành lang pháp lý, bất chấp những quy định xử phạt hành chính, thậm chí khởi tố hình sự có thể đưa vào áp dụng với đối tượng vi phạm, tuy nhiên, để có thể đưa những quy định này vào áp dụng được vẫn còn một khoảng cách xa vời.
Thông tin với báo chí Luật sư Bùi Quốc Tuấn - Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh cho biết, Điều 317 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội vi phạm quy định an toàn thực phẩm quy định “sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm mà biết là cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm mà sản phẩm trị giá từ 10 triệu đồng trở lên…” là đã bị xử lý hình sự và khung hình phạt cao nhất của tội danh này là 20 năm tù, nếu hậu quả theo khoản 4 Điều 317.
Luật sư Tuấn cũng cho hay, hành vi nhập khẩu, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết là có sử dụng chất, hóa chất, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trị giá từ 10 triệu đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 5 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng vẫn tiếp tục vi phạm, thì cũng bị xử lý hình sự về tội danh trên.
Thế nhưng, việc khởi tố hình sự các đối tượng này đã và đang gặp nhiều vướng mắc bởi phải chứng minh được hậu quả nghiêm trọng, trong khi trên thực tế, nếu cho chất cấm vào thực phẩm mà khiến nạn nhân ăn vào chết hoặc ngộ độc ngay thì đã không có đối tượng nào dám làm.
Theo Luật sư Nguyễn Thế Truyền - Công ty luật hợp danh Thiên Thanh: "Trong hệ thống pháp luật đang có những lỗ hổng chết người. Theo luật quy định có thể xử lý hình sự với người bị tổn thương từ 31% - 60% nhưng chưa có trường hợp ngộ độc nào đến mức đó, điều đó có nghĩa tỷ lệ ấy đang có vấn đề, còn nếu xử phạt hành chính thì không khác nào dạy người ta cách chống đối".
Một thực tế luôn đe dọa đến sức khỏe người tiêu dùng và bất cứ lúc nào cũng có thể cướp đi tính mạng họ, vậy tại sao đến hẹn lại lên, mỗi đợt cao điểm về đảm bảo an toàn thực phẩm những vụ việc như đã nêu mới lộ diện? Trách nhiệm của các cơ quan quản lý, lực lượng chức năng ở đâu? Bao giờ mới có thể bịt được những lỗ hổng pháp lý để xử lý mạnh tay những vi phạm này?
Đây là những câu hỏi luôn được dư luận quan tâm và cần lời giải, mong rằng, trong thời gian tới, các cơ quan liên quan sẽ sớm cho dư luận một câu trả lời, để tính mạng người tiêu dùng không còn cận kề bên miệng “tử thần” nữa.
Có thể bạn quan tâm