Kinh tế Mỹ đối mặt nguy cơ đình lạm
Dữ liệu kinh tế vĩ mô mới nhất do Bộ Thương mại Mỹ công bố cho thấy rằng nền kinh tế nước này có thể đang tiến tới tình trạng đình lạm.
>> Vì sao người Mỹ bi quan về nền kinh tế?
Báo cáo tiết lộ rằng GDP quý 1/2024 của Mỹ chỉ tăng 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn nhiều so với dự đoán 2,5%. Mức tăng trưởng GDP của Mỹ chậm hơn dự kiến sau mức tăng 3,4% được ghi nhận vào quý 4/2023 và 4,9% trong quý 3/2023.
Trong khi đó, CPI tháng 3 của Mỹ tăng 0,4% so tháng trước đó, đứng ở mức 3,5%. Cả hai mức này đều cao hơn so dự báo của các chuyên gia lần lượt là 0,3% và 3,4%. Trong khi đó, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), được Fed sử dụng làm thước đo lạm phát chính, tăng với tốc độ 3,4% hàng năm trong tháng 3, đánh dấu mức tăng lớn nhất trong một năm.
Theo dự báo của nhiều chuyên gia, lạm phát Mỹ có thể sẽ còn có xu hướng tăng cao hơn dưới sức ép của việc đứt gãy chuỗi ứng toàn cầu, giá dầu thô tăng cao hơn…
Tăng trưởng kinh tế Mỹ chậm lại, trong khi lạm phát liên tục tăng cao hơn dự kiến, khiến nhiều chuyên gia dự báo kinh tế Mỹ có nguy cơ rơi vào tình trạng đình lạm.
Ông David Donabedian, Giám đốc đầu tư của CIBC Private Wealth US, nói với các phương tiện truyền thông rằng: “Đây là báo cáo tồi tệ nhất của nền kinh tế Mỹ, nổi bật là tốc độ tăng trưởng GDP chậm hơn dự kiến, lạm phát cũng được cho là tăng cao hơn. Tăng trưởng yếu và giá tiêu dùng tăng cao là những dấu hiệu rõ ràng của tình trạng đình lạm”.
>> "Hé lộ" lý do kinh tế Mỹ "hạ cánh mềm"
Mỹ đã từng rơi vào tình trạng đình lạm vào những năm 1970, khi lạm phát tăng lên hai con số. Các nhà hoạch định chính sách nước này đã phản ứng bằng cách tăng lãi suất cơ bản lên tới 20%, nhằm hạ nhiệt giá cả nhưng lại khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái nghiêm trọng.
Giám đốc điều hành JPMorgan Chase, Jamie Dimon lo ngại rằng lịch sử có thể lặp lại đối với nền kinh tế Mỹ. Ông nói tại một cuộc thảo luận do Câu lạc bộ Kinh tế New York tổ chức rằng nền kinh tế Mỹ trông giống những năm 1970 hơn những gì chúng ta từng thấy trước đây. Ông lặp lại thông điệp đó trong một cuộc phỏng vấn với Wall Street Journal trước khi báo cáo GDP quý 1/2024 của Mỹ được công bố.
“Tình hình hiện nay chắc chắn có những điểm tương đồng với những năm 1970, với căng thẳng địa chính trị gia tăng ở Trung Đông và giá dầu tăng cao, nhưng còn lâu mới đạt được tình trạng mà nước Mỹ phải đối mặt khi đó. Ngay cả ở thời kỳ đỉnh cao gần đây, lạm phát vẫn thấp hơn nhiều so với mức cao nhất trong thập kỷ đó là gần 12%. Với tốc độ hiện nay, giá cả thậm chí còn tăng chậm hơn so với những năm 1970”, ông Jamie Dimon nhấn mạnh.
Dù kinh tế Mỹ có rơi vào tình trạng đình lạm như những năm 1970 hay không, nhưng thực trạng hiện nay của kinh tế Mỹ đang đẩy FED vào thế khó. Nếu FED giữ lãi suất ở mức cao như hiện hành trong thời gian dài để kiếm chế lạm phát, thì có nguy cơ đẩy kinh tế Mỹ suy giảm mạnh hơn. Ngược lại, nếu FED sớm cắt giảm lãi suất, thì có thể đẩy lạm phát tăng vọt, kéo theo áp lực tăng lãi suất trong trung hạn.
Có thể bạn quan tâm
Chính sách kinh tế Mỹ sẽ ra sao nếu ông Biden tái đắc cử?
04:00, 12/02/2024
Kinh tế Mỹ: Một năm nhìn lại
04:00, 25/12/2023
Kinh tế Mỹ tươi sáng, ông Biden vẫn "lép vế" trước ông Trump
04:30, 08/11/2023
Lãi suất FED - “bức màn sắt” của kinh tế Mỹ
04:00, 01/08/2023
Hai kịch bản kinh tế Mỹ
15:32, 28/02/2023
Nỗi lo suy thoái kinh tế Mỹ
12:00, 07/08/2022