PCI 2023: Phát triển bền vững gắn với quản trị môi trường
Những địa phương có điểm số cao trong một số chỉ tiêu PGI có chất lượng môi trường tốt hơn hoặc khả năng chống chịu thiên tai, biến đổi khí hậu cao hơn.
>>>PCI 2023: Hiện thực cam kết tăng trưởng xanh của Việt Nam
Đây là một trong những nhận định được GS. Edmund Malesky - Giám đốc nghiên cứu Dự án Sáng kiến Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) đưa ra trong bài trình bày báo cáo Chỉ số Xanh cấp tỉnh và Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2023.
Theo GS. Edmund Malesky, Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. Những rủi ro về biến đổi khí hậu chuyển hoá thành thiên tai cùng với ô nhiễm môi trường đã tác động mạnh mẽ đến hoạt động phát triển kinh tế xã hội và cuộc sống của người dân.
Trước thực tế này, thời gian qua, Đảng và Nhà nước, có nhiều quy định pháp luật nhằm từng bước chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng bền vững. Bám sát các quy định pháp luật, ban soạn thảo đã xác định 4 lĩnh vực quan trọng nhất được thể hiện 4 chỉ số thành phố của PGI với 46 chỉ tiêu thành phần.
Năm thứ hai triển khai và công bố Chỉ số PGI, GS. Edmund Malesky cho rằng, PGI cung cấp thông tin đầu vào từ thực tiễn kinh doanh để hỗ trợ chính quyền các tỉnh, thành phố trong quản trị môi trường, cân bằng giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và bền vững môi trường.
Tương tự cách tiếp cận của PCI, Chỉ số PGI tập hợp cảm nhận của doanh nghiệp và truyền tải “tiếng nói” của cộng đồng doanh nghiệp về chất lượng quản trị môi trường tới chính quyền các cấp.
Từ kết quả khảo sát Chỉ số PGI năm 2023, GS. Edmund Malesky đề cập một số phát hiện đáng chú ý. Đó là mối liên quan giữa điểm số cao trong một số chỉ tiêu PGI với việc địa phương có chất lượng môi trường tốt hơn hoặc khả năng chống chịu thiên tai, biến đổi khí hậu cao hơn.
Với các chỉ số thành phần cụ thể, các địa phương phải đối mặt với nguy cơ về thiên tai lớn hơn cần tập trung vào chỉ số thành phần 1 - Giảm thiểu ô nhiễm và thiên tai. Các tỉnh, thành phố đạt điểm cao ở chỉ số này được doanh nghiệp đánh giá tích cực không chỉ ở công tác phòng chống mà còn có giải pháp ứng phó với thiên tai, giảm thiểu ô nhiễm giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, giảm thiệt hại.
>>>PGI: Thước đo chính sách phát triển xanh cấp tỉnh
Với chỉ số thành phần 2 - Đảm bảo tuân thủ, không chỉ đưa ra quy định thực thi mà đảm bảo doanh nghiệp được hướng dẫn cụ thể, đảm bảo công bằng thực thi. Đặc biệt, trong thanh kiểm tra chỉ ra giải pháp giúp doanh nghiệp khắc phục và thực thi đầy đủ trách nhiệm các quy định môi trường.
Chỉ số thành phần 3 - Thúc đẩy thực hành xanh đo lường nỗ lực của chính quyền trong hướng dẫn, thúc đẩy doanh nghiệp “xanh hóa” quy trình sản xuất, kinh doanh và trong đẩy mạnh các hoạt động mua sắm xanh của cơ quan nhà nước tại địa phương. Tại các tỉnh có điểm số cao, trung bình doanh nghiệp đã triển khai trên 5 hoạt động nâng cấp trong năm 2023 đã chi khoảng 2% chi phí vận hành cho các hoạt động này. Ở chỉ số này, các tỉnh thành có điểm số vượt trội thường có chất lượng môi trường tốt hơn, cụ thể là có nồng độ bụi mịn PM2.5 - một tác nhân gây ô nhiễm nghiêm trọng thấp hơn. Phân tích hồi quy cho thấy khi điểm PGI tăng 1 điểm trên thang 10 điểm thì nồng độ PM2.5 sẽ giảm 0,8 điểm phần trăm…
Cuối cùng, chỉ số thành phần 4 - Chính sách khuyến khích và dịch vụ đo lường chất lượng thực thi các chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp gia nhập và mở rộng hoạt động trong các ngành sản xuất, kinh doanh xanh. Các tỉnh được xếp hạng cao ở chỉ số thành phần này đã đầu tư triển khai ưu đãi thuế, các dịch vụ tư vấn và dịch vụ kỹ thuật nhằm khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp xanh, khuyến khích doanh nghiệp xanh mở rộng quy mô và các doanh nghiệp chưa quan tâm thực hiện chuyển đổi xanh. Mặc dù chỉ số thành phần 4 có mối tương quan thấp với chất lượng môi trường song các chuyên gia môi trường đều cho rằng việc bắt đầu từ những chính sách này là cách tiếp cận đúng đắn.
GS. Edmund Malesky nhấn mạnh: Xanh hoá nền kinh tế là nội dung mới; thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực thân thiện với môi trường tại mỗi tỉnh là một lộ trình mới bắt đầu. Các tỉnh thành vẫn còn nhiều việc phải làm và cần hỗ trợ để chuyển đổi sang nền kinh tế xanh.
Khuyến nghị chính sách thúc đẩy các địa phương chuyển đổi xanh, GS. Edmund Malesky nhấn mạnh: các địa phương đang nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm môi trường nhưng với tính dịch chuyển đặc thù nên tỉnh, thành này vẫn có thể chịu tác động từ ô nhiễm môi trường của các địa phương lân cận. Do đó, cần có sự lan toả và hợp tác giữa các địa phương trong chuyển đổi xanh.
Chính phủ và các tổ chức quốc tế hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho chính quyền cấp tỉnh trong quá trình chuyển đổi xanh để khắc phục những hạn chế về nguồn lực. Bên cạnh đó, cần có động lực, cơ chế khuyến khích dựa trên thị trường để doanh nghiệp thay đổi mô hình sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh hơn nữa công tác hướng dẫn thực hiện các văn bản pháp luật về tiêu chuẩn môi trường. Cuối cùng, thay đổi hành vi của người tiêu dùng với yêu cầu cao hơn về sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường, tạo động lực thay đổi hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
PCI 2023: Suy giảm niềm tin "chạm đáy"
10:50, 09/05/2024
PCI 2023: 8 xu hướng mới về chất lượng điều hành cấp tỉnh
10:15, 09/05/2024
PCI 2023: Quảng Ninh lần thứ 7 liên tiếp giữ “quán quân”
09:45, 09/05/2024
Sắp công bố Báo cáo PCI và PGI năm 2023
13:22, 06/05/2024
Không ngừng nỗ lực để cải thiện PCI
16:37, 20/04/2024
PGI: Thước đo chính sách phát triển xanh cấp tỉnh
05:06, 12/04/2023
PGI - Thước đo cho phát triển bền vững
16:21, 11/04/2023