Để có thể tạo ra một môi trường phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, cần phải có những tiêu chí cụ thể điều chỉnh hành vi, chính sách và Chỉ số xanh (PGI) là thước đo cần thiết…
Đây là chia của bà Aler Grubbs - Giám đốc Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam với Diễn đàn Doanh nghiệp, tại lễ công bố Chỉ số Xanh (PGI) và Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và để thúc đẩy định hướng phát triển xanh, đầu tư xanh.
- Gần 20 năm hợp tác với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong việc khảo sát và công bố Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), bà đánh giá sao về Chỉ số này?
Năm nay là tròn kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ, trong đó VCCI đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong hợp tác này.
Gần 20 năm hợp tác cùng VCCI trong việc khảo sát và công bố Báo cáo Chỉ số PCI, chúng tôi nhận thấy, đây là một chỉ số quan trọng và đặc biệt hiệu quả trong việc thúc đẩy cải cách tại Việt Nam những năm qua.
Thông qua PCI được công bố trong Báo cáo của VCCI, các tỉnh, thành phố có thể dựa vào đó để khai thác, hoàn thiện các thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút đầu tư của các doanh nghiệp trong nước cũng như các doanh nghiệp nước ngoài vào địa phương mình.
Hoa Kỳ hiện nay là đối tác thương mại số 1 của Việt Nam, các doanh nghiệp Hoa Kỳ cũng như các doanh nghiệp quốc tế thường sẽ nhìn vào PCI để tìm một môi trường đầu tư tốt, đưa ra quyết định đầu tư.
- Trong việc công bố PCI, đây cũng là lần đầu tiên công bố về Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI), bà nhận định ra sao về khả năng thu hút đầu tư một cách bền vững của Việt Nam nói chung và các địa phương nói riêng?
Như đã biết, biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội. Cùng với tốc độ phát triển kinh tế mạnh mẽ, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều hệ lụy và nguy cơ ngày càng gia tăng về khí hậu và môi trường.
Để đảm bảo an toàn, sức khỏe và phúc lợi của nhân dân trong dài hạn, việc xây dựng một lộ trình phát triển bền vững với mục tiêu kép vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế vừa bảo vệ môi trường là rất quan trọng. Để hiện thực hóa mục tiêu này, cần thiết phải có những dữ liệu đáng tin cậy để theo dõi, đo lường tiến trình thực hiện và từ đó xác định các giải pháp chính sách hiệu quả nhất.
Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới áp dụng Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI). Chỉ số này được xây dựng với phương pháp luận thống kê khoa học, chặt chẽ và am hiểu về bối cảnh quốc gia, hướng đến trở thành một công cụ chính sách hữu ích cho các cơ quan ban ngành và chính quyền các cấp, đồng thời là một nguồn thông tin tham khảo tin cậy cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
PGI đã đưa ra các thước đo để các địa phương dựa vào đó đưa ra các chính sách để giảm phát thải, cải thiện môi trường, đồng thời, từ các Chỉ số này, cơ quan công quyền địa phương có thể đưa ra các cải cách chính sách, để làm sao thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu và cải thiện các vấn đề về môi trường. Qua đó, không chỉ thúc đẩy, khuyến khích các doanh nghiệp chuyển hướng đầu tư vào các ngành công nghiệp phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, mà còn giúp Chính phủ Việt Nam sớm đạt được các mục tiêu đã cam kết về môi trường.
- Việc chuyển đổi từ nền tảng phát triển hiện nay sang phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, Việt Nam sẽ phải đối diện với những khó khăn, thách thức gì, thưa bà?
Ở bất kỳ quốc gia nào cũng sẽ gặp những khó khăn, thách thức nhất định khi chuyển đổi sang năng lượng sạch, cũng như năng lượng tái tạo và Việt Nam cũng vậy.
Hiện nay, huy động đầu tư cho các dự án xanh còn khá khó khăn bởi các rào cản lớn như: khung khổ pháp lý trong lĩnh vực mới mẻ này còn chưa hoàn thiện, điều kiện huy động tài chính quốc tế chưa thuận lợi, quyền sở hữu trí tuệ chưa được đảm bảo, thiếu hụt lao động có chuyên môn và thủ tục hành chính còn nhiều vướng mắc. Những rào cản này sẽ khiến các nhà đầu tư tiềm năng ngần ngại, “nâng lên đặt xuống” giữa lợi ích và rủi ro. Những rào cản này cũng làm hạ thấp kỳ vọng và giảm quy mô đầu tư vào Việt Nam.
Để khắc phục các rào cản này, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách đồng thời tiếp tục nâng cao chất lượng điều hành ở cả cấp trung ương và địa phương. Tương tự như PCI, PGI là tập hợp cảm nhận của doanh nghiệp và truyền tải “tiếng nói” của cả cộng đồng doanh nghiệp về chất lượng quản trị môi trường tới chính quyền các cấp, vì thế, đây sẽ là thước đo để tiếp tục thúc đẩy các địa phương nâng cao chất lượng quản trị môi trường, nỗ lực phòng ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.
- Xin cảm ơn bà!