Nên khuyến khích bán điện "tự sản, tự tiêu"
Để khuyến khích điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu phát triển, nhiều ý kiến cho rằng, nên nghiên cứu tính toán, đánh giá đầy đủ tác động để có cơ chế, chính sách hợp lý…
>> Cần cơ chế phù hợp cho phát triển… điện mặt trời mái nhà
Theo đó, thời gian qua, Bộ Công Thương và Chính phủ liên tục họp bàn, ban hành các văn bản liên quan đến cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện với khách hàng sử dụng điện lớn (cơ chế DPPA). Đây là vấn đề nhận được sự quan tâm đặc biệt của các tổ chức, doanh nghiệp.
Đáng nói, tại Dự thảo Nghị định quy định cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời lắp đặt tại nhà dân, công sở, khu công nghiệp đang lấy ý kiến, cơ quan soạn thảo đề xuất sản lượng điện dư thừa phát lên lưới với giá 0 đồng.
Mặc dù nhận được ý kiến trái chiều từ dư luận, thế nhưng, tại một cuộc họp mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương - Nguyễn Hồng Diên vẫn bảo lưu quan điểm “dứt khoát không cho mua bán” với lập luận, nếu cho phép điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu được mua bán thì sẽ gây tình trạng phát triển ồ ạt, khó kiểm soát công suất nguồn. Đặc biệt sẽ dẫn tới tình trạng mất cân đối nguồn điện, gây áp lực lên hệ thống truyền tải điện quốc gia, mất an toàn lưới điện và vô tình cổ súy cho hành vi “trục lợi chính sách”.
“Cơ chế khuyến khích là muốn cá nhân, tổ chức phát triển điện mặt trời mái nhà đáp ứng nhu cầu tự dùng, góp phần làm giảm áp lực cho hệ thống điện quốc gia chứ không phải khuyến khích làm để bán. Điều này hoàn toàn phù hợp với Quy hoạch điện VIII là ưu tiên phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, không đấu nối hoặc không bán điện vào lưới điện quốc gia”, Bộ trưởng Bộ Công Thương bày tỏ.
Xoay quanh vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, đưa vào cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu lại có quy định “mua với giá 0 đồng” là không nên, chưa phù hợp khi đặt trong bối cảnh của Dự thảo Nghị định về “cơ chế, chính sách khuyến khích”. Do đó, cơ quan soạn thảo cần thiết kế lại quy định nói trên với các giải pháp cụ thể hơn.
>> Khuyến nghị an toàn phòng cháy chữa cháy cho hệ thống điện mặt trời mái nhà
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, tiềm năng điện mặt trời mái nhà của Việt Nam rất lớn, trên 140.000 MW (theo Dự thảo về Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam do Cục Điện lực và Năng lương tái tạo phối hợp với DEA đang hoàn chỉnh). Nếu chỉ tính riêng các khu công nghiệp hiện có thì tiềm năng ước tính gần 20.000 MW, nếu mỗi khu công nghiệp cho đặt 50 MWp (theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam). Trong khi đó, phạm vi của Dự thảo Nghị định này tập trung vào cơ chế quản lý điều hành và khuyến khích cho 2.600 MW điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu.
“Tôi đồng tình với ban soạn thảo là giới hạn công suất trên đảm bảo theo quyết định 500/QĐ-TTg của Thủ tướng về quy hoạch điện VIII, tuy nhiên, cơ chế khuyến khích cần đảm bảo quản lý điều hành trong ngắn và trung hạn, nhưng cần có tầm nhìn bao quát, có thể phát huy tác dụng trong dài hạn và tránh các hiểu lầm về ý nghĩa khuyến khích”, vị chuyên gia này chia sẻ.
Đồng thời cho rằng, các nước khác vẫn cho phép bán vào lưới với các mức giá cao, giá thấp, thậm chí giá âm (muốn phát lên lưới nhà đầu tư phải trả tiền) tùy thời điểm, chứ không có giá 0 đồng.
Do đó, ông đề xuất, sau khi có kinh nghiệm thực tế, Dự thảo Nghị định nên nghiên cứu tính toán đầy đủ lợi ích chi phí về mặt kỹ thuật để mua với giá phù hợp, tránh lãng phí tiềm năng và cũng không gây hiểu nhầm về giá 0 đồng.
Đồng quan điểm, không ít ý kiến cũng cho rằng, việc cho phát điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu lên lưới, ghi nhận 0 đồng là không bảo đảm tính công bằng, không trả đồng nào trong khi nhận điện của nhà đầu tư là không sòng phẳng. Chính sách là khuyến khích tự sản tự tiêu, nhưng cơ chế mua bán điện trực tiếp qua đường dây tư nhân riêng để kết nối trực tiếp với nhau, nhằm ưu tiên triển khai dự án điện tự sản, tự tiêu vẫn cần thiết.
Liên quan đến vấn đề này, mới đây, Văn phòng Chính phủ cũng vừa ban hành văn bản số 205/TB-VPCP thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ về tình hình xây dựng, trình ban hành và nội dung chính của Nghị định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (cơ chế DPPA); cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu; cơ chế phát triển các dự án điện sử dụng khí thiên nhiên và khí LNG.
Trong đó, đối với Nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, Thường trực Chính phủ đề nghị làm rõ nội hàm "tự sản, tự tiêu"; quy định rõ trách nhiệm của các Bộ (Xây dựng, Công an, Công Thương…) trong việc quy định các thủ tục về phòng cháy chữa cháy, xây dựng, điều kiện kỹ thuật… để có thể thực hiện ngay khi Nghị định được ban hành, không phải chờ Thông tư hướng dẫn.
Đồng thời, yêu cầu nghiên cứu kỹ lưỡng và đưa chính sách phải khuyến khích đầu tư cho loại hình sản xuất nguồn điện này. Quy định việc tích điện cụ thể để nguồn tự sản, tự tiêu nhưng sử dụng không hết được bán thế nào? giá bán trên nguyên tắc nào? nên khuyến khích bán nhưng có điều kiện…
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp mong mỏi chính sách điện mặt trời mái nhà
04:00, 07/05/2024
Cần cơ chế phù hợp cho phát triển… điện mặt trời mái nhà
04:00, 03/05/2024
Khuyến nghị an toàn phòng cháy chữa cháy cho hệ thống điện mặt trời mái nhà
05:00, 25/04/2024
Cần có chính sách phát triển điện mặt trời áp mái trong KCN
02:00, 21/04/2024
Phát triển điện mặt trời mái nhà: Bài 2 - Đề xuất các giải pháp thực hiện
04:30, 18/04/2024