Làm rõ về điện mặt trời "tự sản tự tiêu"
Nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu và nghị định về phát triển các dự án điện sử dụng khí thiên nhiên và khí LNG sắp hoàn thiện.
>>>Doanh nghiệp mong mỏi chính sách điện mặt trời mái nhà
Những thông tin liên quan đến dự thảo hai Nghị định đã được các doanh nghiệp, chuyên gia mổ xẻ, và mới đây đã được Thường trực Chính phủ kết luận, theo Thông báo số 205/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ.
Doanh nghiệp nhìn nhận về điện mặt trời "tự sản, tự tiêu"
Đẩy mạnh hoạt động sản xuất tại nhà máy ở miền Bắc Việt Nam, thể hiện cam kết của mình đối với thị trường nơi đây, đại diện Trina Solar - nhà cung cấp giải pháp lưu trữ năng lượng và năng lượng mặt trời thông minh - cho hay, nhìn chung, quy định về điện mặt trời “tự sản tự tiêu” là khá phổ biến ở nước trên thị trường quốc tế.
Cụ thể, bà Elva Wang, Giám đốc Khu vực Đông Nam Á, Trina Solar Châu Á Thái Bình Dương, chia sẻ, trên thế giới nhiều nước cũng có các quy định về lắp đặt điện mặt trời mái nhà theo cơ chế “tự sản, tự tiêu”. Và theo và Elva, đây là điều cần thiết để đảm bảo sự ổn định trong vận hành của hệ thống mạng lưới điện quốc gia.
Tuy nhiên, doanh nghiệp, người dân vẫn có thể tích trữ điện để sử dụng nếu không sử dụng ngay hết và không bán thương mại. Giải pháp thông qua lắp đặt thêm hệ thống pin lưu trữ. Thậm chí, nếu sử dụng hệ thống pin lưu trữ phù hợp và trên nguồn sản xuất điện mặt trời mái nhà phù hợp, thì người dùng cuối có thể vừa tiết kiệm chi phí, sử dụng năng lượng tái tạo an toàn, có thể tính đến phương án thoát khỏi lưới điện quốc gia để tránh quá tải bởi nhu cầu sử dụng tải điện cho mạng lưới, góp phần giảm tải mạng lưới điện quốc gia.
Những chia sẻ của bà Elva Wang xuất phát từ hoạt động thực tế của Trina Solar tại Việt Nam, cũng như hơn 10 năm kinh nghiệm hoạt động trong ngành năng lượng mặt trời của vị Giám đốc này tại khu vực Đông Nam Á.
Chia sẻ về hoạt động doanh nghiệp, bà Elva Wang thông tin vào tháng 8 năm 2023, khi nhà máy trị giá 203 triệu USD tại thành phố Thái Nguyên bắt đầu sản xuất, Trina Solar đã vận hành với 700 công nhân và đã sản xuất các tấm silicon đơn tinh thể 210mm có chất lượng đầu ngành. Sau đó, lực lượng lao động đã tăng hơn gấp đôi lên 1.500 công nhân và nhà máy hiện cũng đang sản xuất cả các tế bào quang điện và mô-đun. Điều này cho thấy các giai đoạn sản xuất gia tăng giá trị tiên tiến hơn.
Hiện tại, nhà máy đang tăng tốc ổn định để đạt công suất sản xuất tối đa: 6,5GW tấm bán dẫn, 4GW tế bào quang điện và 5GW mô-đun. “Điều tạo nên sự khác biệt cho Trina Solar tại Việt Nam là chúng tôi không chỉ bán các sản phẩm năng lượng mặt trời ở Việt Nam mà còn sản xuất tại đây,” bà Elva Wang chia sẻ. Bà cũng cho biết “Nhà máy tại Việt Nam là nhà máy lớn nhất của chúng tôi bên ngoài Trung Quốc với quy trình sản xuất tiên tiến, có giá trị cao như chuyển đổi các tấm bán dẫn thành tế bào quang điện cũng như lắp ráp mô-đun. Các mô-đun Vertex hiệu suất cao của Trina Solar sản xuất tại Việt Nam đang được bán tại thị trường nội địa, khu vực Châu Á và trên toàn thế giới.”
>>>Phê duyệt Quy hoạch điện VIII: Giảm nguy cơ thiếu điện giai đoạn 2025 – 2030
Một số dự án năng lượng mặt trời quy mô lớn và dự án ở phân khúc thương mại và công nghiệp (C&I) lớn nhất của Việt Nam đang sử dụng các mô-đun của Trina Solar. Các dự án điện mặt trời quy mô lớn sử dụng mô-đun Vertex do Trina Solar cung cấp có thể kể đến như nhà máy điện mặt trời nổi Đầm Trà Ổ công suất 51MW ở tỉnh Bình Định, và nhà máy điện mặt trời trên mặt đất Vĩnh Long công suất 49MW gần mũi phía Nam của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Công ty này có định vị khác biệt trên thị trường năng lượng mặt trời toàn cầu khi là công ty duy nhất cung cấp các giải pháp năng lượng mặt trời tích hợp, bao gồm các mô-đun năng lượng mặt trời, hệ thống Tracker và giải pháp lưu trữ năng lượng. Được biết, trên thị trường hiện không có nhà sản xuất mô-đun năng lượng mặt trời nào khác sản xuất hệ thống Tracker và giải pháp lưu trữ năng lượng; và sự kết hợp giữa các mô-đun, hệ thống Tracker và giải pháp lưu trữ năng lượng giúp giảm chi phí năng lượng quy dẫn (LCOE) và chi phí cân bằng hệ thống (BOS), như Trina Solar đang triển khai. Đây cũng là yếu tố khiến vị đại diện, phụ trách Công ty chia sẻ về khả năng thoát lưới điện chung cho người dùng cuối, tận dụng được nguồn năng lượng tối đa từ điện mặt trời mái nhà khi lắp đặt + lưu trữ, và có thể tính đến chia sẻ ra bên ngoài như cho các hệ thống ô tô điện.v.v.
"Năng lượng mặt trời là lựa chọn phù hợp cho Việt Nam vì đây là công nghệ đã được kiểm chứng, có thể triển khai nhanh chóng và dễ dàng ngay cả ở những địa điểm khó. Với các sản phẩm năng lượng mặt trời hiệu suất cao và giải pháp tổng thể, Trina Solar sẵn sàng đóng vai trò then chốt trong hành trình của Việt Nam hướng tới một tương lai bền vững và tiết kiệm năng lượng" bà Elva Wang khẳng định.
Cần nghiên cứu quy định về bán điện mặt trời không sử dụng hết
Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, trong bối cảnh nhu cầu điện của cả nước tiếp tục tăng do tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, dự kiến từ 5-7% mỗi năm trong những năm tới.
Theo Quy hoạch điện VIII, Việt Nam đang hướng tới loại bỏ dần sản xuất điện than vào năm 2050 và tăng công suất lắp đặt điện mặt trời lên 34%, tăng từ 23% vào năm 2022. Quy hoạch điện cũng dự báo mức lưu trữ năng lượng sẽ tăng lên 300 MWh vào năm 2030 và 26 GWh vào năm 2050.
Hàng loạt dự án năng lượng tái tạo đã, đang được triển khai và dịch chuyển năng lượng theo đó, được xem là “chìa khóa” then chốt cho thực thi các mục tiêu như Quy hoạch Điện VIII và tiến tới thực hiện cam kết Net Zero vào 2025 của kinh tế Việt Nam.
Trong những cơ chế, chính sách mà các doanh nghiệp nhà đầu tư đặc biệt quan tâm, hiện vẫn là quy định cụ thể về cơ chế mua bán điện trực tiếp.
Mới đây, Văn phòng Chính phủ ban hành thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ về tình hình xây dựng, trình ban hành và nội dung chính của nghị định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (cơ chế DPPA); cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu; cơ chế phát triển các dự án điện sử dụng khí thiên nhiên và khí LNG.
Theo đó, Thường trực Chính phủ đánh giá việc xây dựng các văn bản trên có vai trò quan trọng, là cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các nguồn điện, nhất là các nguồn điện sạch và bền vững. Từ đó giúp huy động nguồn lực từ xã hội để phát triển nguồn điện, góp phần giảm áp lực phát triển nguồn điện lên Chính phủ và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Đồng thời, các cơ chế này góp phần làm cho thị trường điện lực trở nên công khai, minh bạch, cạnh tranh và lành mạnh hơn.
Thường trực Chính phủ đã có lưu ý cụ thể với từng nội dung chính sách đang được xây dựng, bao gồm:
Nghị định quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn, cần nghiên cứu cơ chế giá, phí truyền tải và các chi phí phát sinh khác, đánh giá tác động đến các chủ thể, nhất là EVN. Bộ Công Thương được yêu cầu hoàn thiện hồ sơ gửi Chính phủ trước ngày 15/5.
Với cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu và cơ chế phát triển các dự án điện sử dụng khí thiên nhiên và khí LNG, Thường trực Chính phủ đề nghị Bộ Công Thương bổ sung, làm rõ các nội dung chính sách, bảo đảm thực hiện đúng mục tiêu khuyến khích một cách thực chất, khả thi, tránh việc lợi dụng chính sách.
Đáng chú ý, đối với nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, Thường trực Chính phủ yêu cầu làm rõ nội hàm "tự sản, tự tiêu"; quy định rõ trách nhiệm của các bộ (Xây dựng, Công an, Công Thương…) trong việc quy định các thủ tục về phòng cháy chữa cháy, xây dựng, điều kiện kỹ thuật… để thực hiện được ngay.
Nghiên cứu kỹ và đưa chính sách phải khuyến khích đầu tư cho loại hình sản xuất nguồn điện này. Quy định việc tích điện cụ thể để nguồn tự sản, tự tiêu nhưng sử dụng không hết được bán thế nào? Giá bán trên nguyên tắc nào và nên khuyến khích bán nhưng có điều kiện…
Đối với nghị định quy định cơ chế phát triển các dự án điện sử dụng khí thiên nhiên và khí LNG, Thường trực Chính phủ đề nghị xác định rõ vai trò của Nhà nước, doanh nghiệp nhà nước trong đầu tư xây dựng và cung cấp hạ tầng dùng chung cho sản xuất, nhập khẩu, lưu trữ, phân phối khí và tác động của các chính sách, nhất là với giá và sản lượng…
Với sư đôn đốc của Thường trực Chính phủ, hai dự thảo nghị định này được yêu cầu hoàn thiện trình Chính phủ trong tháng 5. Đây chắc chắn sẽ là 2 trong những cơ chế chính sách về năng lượng, năng lượng tái tạo đang được mong đợt nhất, với kỳ vọng các quy định khi ban hành sẽ đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội và nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp mong mỏi chính sách điện mặt trời mái nhà
04:00, 07/05/2024
VinFast và ON Energy hợp tác thúc đẩy sử dụng pin lưu trữ cho điện mặt trời mái nhà
16:42, 06/05/2024
Ưu tiên, khuyến khích phát triển điện gió, điện mặt trời tự sản, tự tiêu
00:10, 05/05/2024
Cần cơ chế phù hợp cho phát triển… điện mặt trời mái nhà
04:00, 03/05/2024
Khuyến nghị an toàn phòng cháy chữa cháy cho hệ thống điện mặt trời mái nhà
05:00, 25/04/2024
Cần có chính sách phát triển điện mặt trời áp mái trong KCN
02:00, 21/04/2024