Cần chính sách để phát triển nguồn nhân lực số

YẾN NHUNG 11/05/2024 03:40

Để giải quyết vấn đề phát triển nguồn nhân lực số, đáp ứng xu thế hội nhập, hiện đại hóa hiện nay, theo chuyên gia, Nhà nước cần xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách cụ thể…

>> Phát triển nhân lực công nghiệp bán dẫn: Phải có cơ chế đột phá

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 411/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Quyết định này đã đặt ra các mục tiêu cụ thể cho phát triển kinh tế số, bao gồm mục tiêu tỷ trọng kinh tế số đạt 20% GDP vào năm 2025 và đạt 30% GDP vào năm 2030. Trong hành trình đó, nhân lực số đóng vai trò cốt lõi, quyết định sự thành công của chuyển đổi số.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 411/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 - Ảnh minh họa: ITN

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 411/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 - Ảnh minh họa: ITN

Tuy nhiên, Việt Nam cũng gặp phải những khó khăn và thách thức liên quan tới đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao.

Theo báo cáo của Ủy ban về chuyển đổi số, hiện nay, Việt Nam có khoảng hơn 240 trường đại học, trong đó gần 160 trường có chuyên ngành đào tạo kỹ thuật như công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông, an toàn thông tin. Hằng năm, số lượng sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành này vào khoảng hơn 53.000 (nếu tính cả đào tạo cao đẳng, trung cấp thì con số này vào khoảng hơn 65.000). Với năng lực đào tạo này, trong những năm gần đây, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực kỹ thuật cao để thực hiện chuyển đổi số, trong khi đó, nhu cầu tuyển dụng của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ngày càng cao để thực hiện chuyển đổi số.

Đáng nói, không chỉ thiếu hụt nguồn nhân lực công nghệ thông tin, mà rất nhiều cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và đông đảo người dân còn thiếu kỹ năng để tham gia chuyển đổi số. Việt Nam có điều kiện trong việc phát triển nguồn nhân lực số, song sự phát triển đó đang chưa tương xứng với tiềm năng. Tỷ lệ nhân lực qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ tăng nhưng so với tổng nhân lực đang làm việc trong ngành còn thấp, đặc biệt còn thiếu nhiều nhân lực trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây...

>> Thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn: Cần cơ chế, chính sách đột phá

Để phát triển nguồn nhân lực số trong bối cảnh hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, cần xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách cụ thể - Ảnh minh họa: ITN

Để phát triển nguồn nhân lực số trong bối cảnh hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, cần xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách cụ thể - Ảnh minh họa: ITN

Trước thực trạng nêu trên, để phát triển nguồn nhân lực số trong thời gian tới, TS. Đinh Thị Hương, Trưởng Bộ môn Kinh tế nguồn nhân lực, Khoa Quản trị nhân lực, Trường Đại học Thương mại đề xuất, Nhà nước cần chú trọng ban hành các chính sách và xây dựng các hệ thống chiến lược tạo điều kiện cho việc phát triển nguồn nhân lực số.

Đặc biệt cần triển khai khung năng lực số nhằm phát triển chất lượng của nguồn nhân lực số trên thị trường lao động.

"Bối cảnh đặt ra cho nguồn nhân lực số với thách thức lớn nhất là chất lượng, khung năng lực số để nguồn lực có khả năng thích ứng và làm chủ công nghệ trong tiến trình chuyển đổi số của nền kinh tế", bà Hương nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, Ths Ngô Thúy Lân, Trường Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, cần phát huy vai trò của Chính phủ trong phát triển nền kinh tế số. Theo đó, đẩy nhanh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai xây dựng và phát triển Chính phủ số.

Xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng, dịch vụ số gồm hạ tầng cứng, mạng lưới viễn thông làm nền tảng tạo ra hạ tầng mềm là dịch vụ số giúp tối ưu các hoạt động của nền kinh tế; đẩy mạnh hơn tốc độ xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia.

“Ngoài ra, để nâng cao nhận thức toàn xã hội về nền kinh tế số, hệ thống cơ quan báo chí, truyền thông cần thông tin thường xuyên, đầy đủ về nền kinh tế số tới doanh nghiệp, người dân và toàn xã hội, từ đó hình thành tâm thế chủ động thích ứng xu hướng phát triển số”, Ths Ngô Thúy Lân chia sẻ.

Bên cạnh sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý, nhiều ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp cũng cần mạnh dạn chuyển đổi số trong hoạt động để phù hợp với định hướng phát triển chung của nền kinh tế. Thiết lập bộ máy nhân sự thích ứng với công nghệ cao, đặc biệt là cấp quản lý. Đẩy mạnh việc sử dụng phần mềm quản lý nhân sự để điều hành và phân công công việc nhằm tránh chồng chéo và giúp cho nhà quản lý kiểm soát và phân công nhiệm vụ một cách đơn giản, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả. Phần mềm phát triển nguồn nhân lực số mang đến những giải pháp quản lý toàn diện cho doanh nghiệp, giúp quy trình quản lý nhân sự trở nên dễ dàng và hiệu quả cao, tiết giảm chi phí.

Đồng thời, xây dựng môi trường lao động chuyên nghiệp, điều kiện làm việc an toàn hiện đại, điều chỉnh các chính sách về thu nhập, phúc lợi một cách phù hợp, cải thiện chính sách nhân sự hợp lý để kích thích khả năng sáng tạo của người lao động trong quá trình lao động sản xuất và giữ chân người lao động.

Có thể bạn quan tâm

  • Central Retail chung tay phát triển nhân lực ngành bán lẻ

    Central Retail chung tay phát triển nhân lực ngành bán lẻ

    13:04, 03/05/2024

  • Phát triển nhân lực công nghiệp bán dẫn: Phải có cơ chế đột phá

    Phát triển nhân lực công nghiệp bán dẫn: Phải có cơ chế đột phá

    03:50, 24/04/2024

  • Tăng cơ hội phát huy lợi thế phát triển nhân lực bán dẫn

    Tăng cơ hội phát huy lợi thế phát triển nhân lực bán dẫn

    03:00, 24/04/2024

  • Cần

    Cần "gói" cơ chế đặc thù cho phát triển nhân lực ngành bán dẫn

    01:00, 23/04/2024

  • Báo chí là

    Báo chí là "cầu nối" phát triển nhân lực ngành logistics

    16:07, 18/06/2023

YẾN NHUNG