Để hiện thực hóa Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, nhiều ý kiến cho rằng, cần có cơ chế đột phá...
>> Thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn: Cần cơ chế, chính sách đột phá
Thống kê của World Semiconductor Trade Statistics cho thấy, năm 2022, doanh thu chip bán dẫn toàn cầu ước khoảng 556 tỷ USD. Dự báo đến năm 2029, ước tính tổng giá trị thị trường bán dẫn toàn cầu có thể đạt 1.400 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam được đánh giá có hệ sinh thái bán dẫn phát triển với tốc độ nhanh nhất thế giới, nhưng tỷ lệ đóng góp trong chuỗi bán dẫn toàn cầu đang dừng ở mức thấp.
Trong hơn 30 năm qua, chuỗi giá trị của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đã định hình, rất khó để các quốc gia đang phát triển có thể tham gia. Tuy vậy, với sự tái định vị chuỗi giá trị ngành bán dẫn sau COVID-19 và sự cạnh tranh công nghệ giữa các nền kinh tế lớn, Việt Nam được nhận định là có nhiều cơ hội.
Đặc biệt, theo ước tính của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến năm 2030 Việt Nam cần khoảng 15.000 kỹ sư thiết kế, 35.000 kỹ sư làm việc trong các nhà máy sản xuất chip bán dẫn; đồng thời sẽ tạo ra 154.000 việc làm gián tiếp, đóng góp 360.000 tỷ đồng vào GDP.
Nhằm đạt được mục tiêu này, Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” dự kiến đào tạo chuyên sâu cho 1.300 giảng viên, mở rộng mạng lưới đào tạo, hỗ trợ đào tạo ngành công nghiệp bán dẫn và các ngành liên quan lên khoảng 200 cơ sở, đầu tư 4 trung tâm bán dẫn dùng chung, 20 trung tâm đào tạo bán dẫn tiêu chuẩn.
Xoay quanh vấn đề đã nêu, nhiều ý kiến cho rằng, để hiện thực hóa và đẩy nhanh tiến độ Đề án, cần có cơ chế đột phá.
>> Kết nối và hợp tác phát triển công nghiệp bán dẫn
Góp ý về Đề án, GS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh cho rằng, muốn phát triển nhanh nhân lực cho ngành này thì phải có cơ chế đột phá về đào tạo giảng viên, dùng chung cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và các phòng thí nghiệm liên quan, thu hút các chuyên gia nước ngoài…
Còn theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Hoàng Minh Sơn, với điều kiện hiện nay, hai khâu trong ngành công nghiệp bán dẫn mà Việt Nam có lợi thế là thiết kế, đóng gói, kiểm thử chip đang rất cần dự báo chính xác về nhu cầu nhân lực để các trường xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo hữu hiệu.
“Cơ chế chính sách phải xây dựng rất nhanh, nguồn lực sẵn sàng để khi Đề án được phê duyệt thì triển khai được ngay”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề đã nêu, để tăng nhanh số lượng và chất lượng nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn, nhiều ý kiến cũng cho rằng, Nhà nước cần có chính sách, quy định cụ thể khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, phát triển cơ sở sản xuất vi mạch bán dẫn. Ngoài ra, cần có chính sách hỗ trợ trường đại học đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, đội ngũ chuyên gia phục vụ đào tạo, nghiên cứu. Đặc biệt, công tác đào tạo nhân lực phục vụ công nghiệp vi mạch bán dẫn cần chú trọng theo hướng “Rộng - Sâu - Cao”, trong đó tập trung vào yếu tố “Sâu và Cao”. Điều này có nghĩa, nhân lực được đào tạo phải đạt trình độ cao và chuyên môn sâu.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần nhanh chóng xem xét, bổ sung mã ngành đào tạo trực tiếp về vi mạch bán dẫn, hướng dẫn xây dựng ngành, chương trình đào tạo, kết nối chuyên gia, trường đại học quốc tế với các trường đại học, cơ sở đào tạo ở Việt Nam... để đào tạo nguồn nhân lực cho ngành vi mạch.
Được biết, về Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trần Hồng Hà đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu, nghiên cứu, “vừa làm, vừa hoàn thiện” Dự thảo Đề án, nhằm cụ thể hoá mục tiêu, giải pháp phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, các chương trình, sản phẩm trọng điểm về khoa học, công nghệ quốc gia… bên cạnh đó, Đề án cần làm rõ các nguồn lực triển khai cho từng mục tiêu, nhiệm vụ.
Về định hướng triển khai Đề án, Phó Thủ tướng gợi mở, cần có sự kết hợp giữa chương trình đào tạo chuyển đổi, cung cấp kiến thức cơ bản về ngành vi mạch, bán dẫn đến chương trình đào tạo chuyên sâu, nhân tài, trong đó phải chuẩn bị kỹ lưỡng về đội ngũ giảng viên, xây dựng chương trình, giáo trình, phương thức giảng dạy.
Xoay quanh vấn đề phát triển nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, GS. Lee Young Hee, Viện sỹ Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Hàn Quốc (KAST) khuyến nghị, Việt Nam cần thành lập một cơ quan như Phòng thí nghiệm nghiên cứu quốc gia tập trung vào ngành công nghiệp bán dẫn. Phòng thí nghiệm này sẽ đóng vai trò là trung tâm nghiên cứu, phát triển và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành.
“Tôi cho rằng, cần sự đầu tư mạnh mẽ từ phía Chính phủ để cải thiện hạ tầng và trang thiết bị hiện đại cho các trường đại học. Đây là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì và nỗ lực của tất cả các bên liên quan”, GS. Lee Young Hee chia sẻ.
Đồng quan điểm, một số ý kiến cũng cho rằng, để giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực công nghệ cao ngành bán dẫn, Nhà nước và doanh nghiệp cần hợp tác chặt chẽ với các trường đại học. Đầu tiên phải quan tâm và phát triển doanh nghiệp, trong đó, doanh nghiệp vừa là nhà đầu tư, vừa là nơi có nhiệm vụ tái đào tạo, đào tạo nội bộ, kết hợp đào tạo, đặt hàng trường đại học, cấp học bổng cho sinh viên. Đặc biệt, doanh nghiệp chính là nguồn hấp thụ nhân lực mà các trường đại học đào tạo ra, nếu như không có một số lượng doanh nghiệp đủ lớn, đủ mạnh thì các trường đại học nếu đào tạo ra số lượng lớn thì có thể dẫn đến tình trạng cung vượt cầu.
Có thể bạn quan tâm
Thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn: Cần cơ chế, chính sách đột phá
03:30, 20/04/2024
Kết nối và hợp tác phát triển công nghiệp bán dẫn
03:00, 19/03/2024
Doanh nghiệp nào sẽ được hưởng lợi từ ngành công nghiệp bán dẫn?
02:30, 14/03/2024
Công nghiệp bán dẫn Trung Quốc “mắc kẹt” ở đâu?
04:30, 30/01/2024
Việt Nam muốn "đi sau, về trước" trong phát triển công nghiệp bán dẫn
14:36, 16/12/2023