Xây dựng Luật Địa chất và khoáng sản: Nên bổ sung định nghĩa đóng cửa mỏ
Để tránh sự tùy tiện trong quá trình áp dụng, thi hành trong thực tiễn, góp ý Dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản, một số ý kiến cho rằng, nên bổ sung định nghĩa đóng cửa mỏ khoáng sản...
>> Cần thiết sửa Luật Khoáng sản
Theo đó, trước các bất cập, hạn chế của luật hiện hành sau nhiều năm áp dụng, Dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản được xây dựng gồm 117 Điều với 12 Chương, tăng 1 Chương và 31 Điều so với Luật Khoáng sản năm 2010.
Dự thảo Luật này bao gồm các quy định mới như: quy định về điều tra cơ bản địa chất; phân nhóm khoáng sản; tăng cường phân công, phân cấp cho chính quyền địa phương; bổ sung và làm rõ các hoạt động thu hồi khoáng sản, đăng ký khai thác khoáng sản nhóm IV không phải cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản; bổ sung các trường hợp đặc thù cho phép khai thác khoáng sản không phải có Quy hoạch khoáng sản (khai thác khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ; thu hồi khoáng sản; khai thác tận thu khoáng sản); công nhận kết quả thăm dò khoáng sản thay vì phê duyệt trữ lượng; sử dụng vốn ngân sách từ nguồn sự nghiệp kinh tế để tổ chức thực hiện thăm dò khoáng sản chiến lược, quan trọng;...
Đồng thời, cũng quy định về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được xác định trên cơ sở trữ lượng khoáng sản được quy định trong giấy phép khai thác khoáng sản hoặc khối lượng khoáng sản được phép khai thác, thu hồi; tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được thu theo năm và quyết toán theo sản lượng khai thác thực tế; tăng cường quản lý cát, sỏi lòng sông, lòng hồ, khu vực biển; cho phép tổ chức, cá nhân thế chấp, góp vốn quyền khai thác khoáng sản; ưu tiên tổ chức, cá nhân đang khai thác hợp pháp được thăm dò xuống sâu, mở rộng để đánh giá đầy đủ, khống chế hết thân khoáng sản đối với loại khoáng sản được cấp phép mà không phải đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Nhìn nhận về Dự thảo Luật đã nêu, nhiều ý kiến cho rằng, việc sửa đổi, thay thế Luật Khoáng sản hiện hành là phù hợp và cần thiết, tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực, Dự thảo cũng cần cân nhắc, xem xét lại một số nội dung nhằm đảm bảo tính khả thi trong thực tiễn.
Góp ý xây dựng Dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản, TS. Nguyễn Ngọc Bích – Trưởng Khoa Pháp luật hành chính, Trường Đại học Luật Hà Nội nhận xét, Luật Khoáng sản được ban hành từ năm 2010 đến nay đã qua 14 năm thực hiện, với sự phát triển của kinh tế - xã hội nên nhiều nội dung của luật không còn phù hợp. Những hạn chế của Luật cản trở hoạt động quản lý Nhà nước hiệu quả.
>> Gia Lai: Tạm dừng nạo vét khoáng sản lòng hồ thuỷ điện Ia Ly
Bên cạnh đó, Luật Khoáng sản 2010 mới chỉ quy định các vấn đề liên quan đến khoáng sản mà chưa có các quy định về địa chất. Đặc biệt, Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra các yêu cầu mới với công tác địa chất, khoáng sản cần được thể chế hóa thành luật.
Theo TS. Nguyễn Ngọc Bích, khoản 17 Điều 3 quy định hoạt động khoáng sản bao gồm hoạt động thăm dò khoáng sản, hoạt động khai thác khoáng sản, đóng cửa mỏ khoáng sản. Luật đã định nghĩa thăm dò, khai thác là gì nhưng không định nghĩa đóng cửa mỏ, vì vậy Dự thảo cần bổ sung để bảo đảm xác định rõ ràng, minh bạch những hoạt động mà tổ chức, cá nhân phải thực hiện khi đóng cửa mỏ.
Cũng theo vị chuyên gia này, khoản 6 Điều 10 có nhắc đến cụm từ “khoáng sản có giá trị, quý hiếm” nhưng tại Điều 3 không có giải thích khoáng sản có giá trị, quý hiếm là như thế nào nên cần bổ sung để tránh tùy tiện khi áp dụng...
Còn theo PGS.TS Lương Quang Khang - Trường Đại học Mỏ - Địa chất, với 12 Chương, 117 Điều, Dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản được xây dựng công phu, đã kế thừa các quy định của Luật Khoáng sản năm 2010, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, cơ bản đồng bộ với các pháp luật liên quan, có tính khả thi, thúc đẩy đầu tư, xã hội hóa đi đôi với tăng cường bảo vệ, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về tài nguyên địa chất, khoáng sản gắn với yêu cầu phân công, phân cấp rõ ràng, minh bạch; cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, hiệu quả.
Vị chuyên gia này cho rằng, tại Điều 7, phân nhóm khoáng sản. Đây là một trong những điểm mới của Dự thảo Luật lần này và là cơ sở khoa học xuyên suốt cho việc xây dựng nội dung các Chương, Điều, Khoản của Dự thảo Luật, tuy nhiên, đối với khoáng sản nhóm II (điểm b, khoản 1) bao gồm các loại khoáng sản làm vật liệu trong ngành công nghiệp xây dựng cần được cân nhắc, xem xét lại một cách chính xác để phù hợp với Quyết định số 1626/QĐ-TTg ngày 15/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050...
Được biết, trước đó, thẩm tra sơ bộ Dự án Luật này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát các quy định về phân loại khoáng sản; tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy định về bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác, trách nhiệm của địa phương, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân nơi có tài nguyên địa chất chưa khai thác.
Tiếp tục rà soát xử lý mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; cụ thể hóa tối đa trong luật những nội dung đã được kiểm nghiệm và áp dụng ổn định trong thực tiễn; giảm thiểu việc giao Chính phủ, các Bộ quy định; rà soát kỹ các quy định về áp dụng luật, điều khoản chuyển tiếp để bảo đảm khả thi, tuân thủ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Có thể bạn quan tâm
Kiểm soát khai thác khoáng sản ở Bắc Tây Nguyên như thế nào?
17:51, 03/05/2024
Nghệ An: Xử lý nghiêm nạn khai thác khoáng sản trái phép
11:00, 30/03/2024
Trung Đông "chơi lớn" trong khai thác khoáng sản quan trọng?
02:00, 24/03/2024
Nghệ An kiến tạo lại vùng "thủ phủ" khoáng sản
14:58, 15/03/2024
Nghệ An: Nỗi lo từ những dự án có tận thu khoáng sản
02:00, 09/03/2024