Nghệ An: Nỗi lo từ những dự án có tận thu khoáng sản

HỒNG QUANG 09/03/2024 02:00

Nguồn tài nguyên khoáng sản của Nghệ An sẽ đứng trước nguy cơ bị bào mòn triệt để nếu như không có sự giám sát, kiểm tra, quản lý chặt chẽ từ chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng.

Những năm trở lại đây, các dự án được tỉnh cho phép tận thu khoáng sản trên địa bàn đã và đang bộc lộ một số bất cập khiến dư luận hoài nghi có hay không vấn đề “núp bóng” dự án để trục lợi, gây thất thoát nguồn tài nguyên, thiệt hại về kinh tế cho ngân sách Nhà nước?!

 Nhiều hộ dân xã Hưng Thành, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An kêu cứu do lo sợ sạt lở đất xảy ra tại dự án xử lý sạt lở đồi Thô Lô – núi Thành.

Nhiều hộ dân xã Hưng Thành, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An kêu cứu do lo sợ sạt lở đất xảy ra tại dự án xử lý sạt lở đồi Thô Lô – núi Thành.

Ranh giới “đúng – sai”… khó phân định

Xoay quanh câu chuyện tận thu nguồn tài nguyên khoáng sản trong các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn Nghệ An được đề cập khá nhiều trên các phương tiện thông tin báo chí năm 2023 vừa qua bởi những tồn tại, bất cập và hệ lụy có thể nảy sinh, đơn cử như: Nguy cơ thất thoát nguồn tài nguyên, thất thu thuế, ảnh hưởng đến cảnh quan, ô nhiễm môi trường và đời sống dân sinh…

Bước sang năm 2024, một dự án đầu tư xây dựng ở phường Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai được chính quyền tỉnh cho phép tận thu khoáng sản cũng đã khiến dư luận dấy lên nhiều hoài nghi về vấn đề thất thu nguồn thuế của Nhà nước vì vẫn còn đó những “lỗ hổng” chưa được khỏa lấp trong công tác quản lý, giám sát của địa phương.

Cụ thể, theo dữ liệu mà PV Diễn đàn Doanh nghiệp thu thập được, vào thời điểm đầu năm 2020, nhằm phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, dự án Trung tâm thiết kế thời trang, phát triển phân phối sản phẩm và sản xuất hàng may mặc tại phường Quỳnh Xuân, TX Hoàng Mai (sau đây gọi tắt là dự án) được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 tại Quyết định số 147/QĐ-UBND ngày 15/1/2020.

Hơn 2 năm sau, UBND tỉnh Nghệ An cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 1150/GP-UBND ngày 28/4/2022 cho đơn vị chủ đầu tư, với trữ lượng khai thác 286.567,45m3, thời hạn khai thác đến hết tháng 12/2022. Tiếp đó, đến ngày 14/4/2023, UBND tỉnh Nghệ An cấp thêm Giấy phép khai thác khoáng sản số 1019/GP-UBND cho Công ty TNHH Đầu tư Vietsun Hoàng Mai với trữ lượng khai thác 118.353m3, thời hạn khai thác đến hết ngày 17/7/2023, mức sâu khai thác thấp nhất +29m, thuộc phạm vi của dự án.

Dựa trên cơ sở đó cùng lời khẳng định của ông Nguyễn Đình Hanh – Chủ tịch UBND phường Quỳnh Xuân, đến thời điểm hiện tại, dự án này đã hết thời hạn được phép khai thác khoáng sản.

Câu chuyện sẽ không có gì để nói nếu như mới đây, trong quá trình tác nghiệp PV lại ghi nhận những hình ảnh cho thấy một khối lượng lớn nguồn tài nguyên khoáng sản từ khu vực thuộc phạm vi dự án được vận chuyển ra ngoài để phục vụ việc san lấp mặt bằng cho dự án khác trên địa bàn thị xã.

Tồn tại “kẽ hở”

Quay trở lại vấn đề tận thu nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn, được biết, trong năm 2023, có nhiều dự án lộ rõ những kẽ hở nhất định, dễ bị doanh nghiệp lợi dụng để “hợp thức hóa” việc khai thác khoáng sản phục vụ cho mục đích khác; gây ảnh hưởng đến đời sống dân sinh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất cảnh quan, ô nhiễm môi trường.
Đơn cử như tại thời điểm tháng 7/2023, dư luận được một phen dậy sóng khi các hộ dân xóm Phú Thành, xã Hưng Thành, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An kêu cứu do lo sợ tình trạng sạt lở đất xảy ra tại dự án xử lý sạt lở đồi Thô Lô – núi Thành. Bởi thời điểm đó, dự án này chưa các hạng mục ưu tiên như đã cam kết, đơn cử như: Làm bờ rào, hệ thống rãnh, mương thoát nước, hố lắng thu gom bùn đất, nước… Bên cạnh đó, người dân xã này còn cho rằng, đơn vị chủ đầu tư chỉ tập trung khai thác đất để phục vụ việc thi công công trình khác.

Hay như tại dự án nạo vét tận thu bùn, đất bồi lắng Bàu Mới ở xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương được UBND tỉnh Nghệ An cho phép khai thác đất sét làm nguyên liệu sản xuất gạch, ngói; với trữ lượng được phép khai thác là 132.692m3, thời gian thực hiện lên đến 5 năm cũng đã khiến dư luận dấy lên nhiều nghi ngờ về việc “núp bóng” thi công dự án nạo vét để tận thu nguồn tài nguyên khoáng sản. Bởi đơn giản, doanh nghiệp trúng thầu dự án nêu trên chỉ phải bỏ số tiền hơn 570 triệu đồng (nộp 1 lần) đã nghiễm nhiên được phép khai thác 132.692m3 đất? Và điều đáng bàn hơn, chỉ với phạm vi diện tích cho phép khai thác là hơn 8ha cùng độ sâu từ 1 – 1,5m… nhưng lại được cấp quyền thực hiện đến tận 5 năm?

Cũng liên quan đến vấn đề này, ngày 7/4/2023, Công an tỉnh Nghệ An đã tiến hành kiểm tra hoạt động khai thác đất tại khu vực điểm mỏ núi Dứa thuộc xã Nghi Hưng, huyện Nghi Lộc được giao cho Công ty TNHH Đông Nam có hành vi khai thác, vận chuyển khoáng sản đất ngoài phạm vi ranh giới được cấp phép. Qua đấu tranh, cơ quan chức năng đã phát hiện doanh nghiệp trên đã khai thác vượt trữ lượng cho phép hơn 300.000m3 khoáng sản (đất) trong thời gian qua.

DĐDN sẽ tiếp tục thông tin.

Có thể bạn quan tâm

  • Phú Yên: Tăng cường kiểm tra, xử lý hoạt động khoáng sản trước, trong và sau Tết

    Phú Yên: Tăng cường kiểm tra, xử lý hoạt động khoáng sản trước, trong và sau Tết

    00:06, 07/02/2024

  • Phú Yên: Kiên quyết xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản

    Phú Yên: Kiên quyết xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản

    14:00, 23/11/2023

  • Tăng cường quản lý tài nguyên than, khoáng sản, đất đai, môi trường

    Tăng cường quản lý tài nguyên than, khoáng sản, đất đai, môi trường

    22:56, 15/11/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nghệ An: Nỗi lo từ những dự án có tận thu khoáng sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO