Giá vàng “điên cuồng” phá kỷ lục: Nên can thiệp thế nào?

NGUYỄN GIANG 11/05/2024 03:00

“Việc đấu thầu không có hiệu quả giảm giá vàng, thậm chí, còn kích hoạt tâm lý tăng giá, khoảng cách với vàng quốc tế tiếp tục giãn ra, điều đó có nghĩa không có bất cứ thay đổi nào về nguồn cung…”.

Đây là quan điểm thẳng thắn của chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa xung quanh câu chuyện giá vàng điên cuồng tăng giá, phá vỡ mọi kỷ lục trong thời gian gần đây. Theo ông Nghĩa, mục đích của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là giảm giá vàng. Nhưng để làm được điều này, mức giá đưa ra đấu thầu phải thấp, trong khi thực tế, giá tham chiếu đưa ra đấu thầu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lại quá cao.

Do vậy, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa cho rằng, đấu thầu vàng không phải biện pháp để tăng nguồn cung. Quan trọng nhất để tăng nguồn cung là cho phép các doanh nghiệp vàng được nhập khẩu và xuất khẩu vàng, Nhà nước kiểm soát bằng thuế.

"Bằng cách này, ngay lập tức trong vòng 1 tuần, giá vàng trong nước và thế giới liên thông ngay. Bởi vì các doanh nghiệp vàng bạc nhập khẩu vàng từ Singpore, Hồng Kông (Trung Quốc), Thái Lan,… sẽ về rất nhanh," ông Nghĩa khẳng định.

>>Đề xuất cấm mua bán vàng bằng tiền mặt có trái luật?

ihiihih

Chuyên gia cho rằng, giá vàng tăng điên cuồng bởi tâm lý đầu cơ của người dân. Ảnh: Tiền Phong

Theo đó, cơn sóng vàng miếng SJC tiếp diễn trong ngày 10/5 khi các doanh nghiệp vàng liên tục điều chỉnh giá từ sáng. Vào lúc 14h, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC 90,1 - 92,4 triệu đồng/lượng, tăng 3 triệu đồng/lượng so với đầu giờ sáng. Giá vàng miếng SJC hôm nay tăng cùng chiều với giá vàng thế giới khiến nhiều người dân đổ xô đến các cửa hàng vàng tiếp tục mua vào.

Không chỉ vàng miếng, vàng nhẫn các thương hiệu cũng điều chỉnh tăng. Vào đầu giờ giao dịch chiều ngày 10/5, Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá nhẫn tròn 75,43 - 76,93 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, tăng gần 2 triệu đồng/lượng so với đầu giờ sáng.

Đáng chú ý, thay vì chốt lời, nhu cầu mua vàng chưa dừng lại. Trên báo Tiền Phong còn đưa tin, khách xếp hàng có từ già đến trẻ. Thậm chí, có người mẹ bế theo bé con 3 tháng tuổi xếp hàng chờ mua vàng.

Bình luận xung quanh những thông tin này, ông Nguyễn Đức Hùng Linh - chuyên gia kinh tế - Nhà sáng lập Think Future Consultancy cho rằng, đây chính là nguyên nhân khiến giá vàng tiếp tục “nhảy múa” tăng cao. Theo ông Linh, giá vàng tăng điên cuồng bởi tâm lý đầu cơ của người dân. “Muốn hạ nhiệt giá vàng, Ngân hàng Nhà nước phải đấu thầu vàng mới mức giá phù hợp”, ông Linh nhận định.

Đồng quan điểm, ông Huỳnh Trung Khánh -  Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần xem xét sửa đổi điều kiện yêu cầu mua tối thiểu còn khoảng 400-500 lượng vàng, thay vì 700-1.400 lượng như hiện nay, để thu hút nhiều đơn vị tham gia bỏ thầu hơn. Bên cạnh đó, theo ông Khánh, giá cọc cũng cần thay đổi, bởi hiện tại, các doanh nghiệp đều cho rằng giá cọc Ngân hàng Nhà nước đưa ra còn cao.

>>Vì sao càng đấu thầu, giá vàng càng “phá đỉnh”?

hihihihihih

Ngày 10/5, khách xếp hàng có từ già đến trẻ. Thậm chí, có người mẹ bế theo bé con 3 tháng tuổi xếp hàng chờ mua vàng. Ảnh:Tiền Phong

Cũng chia sẻ về nội dung này trên báo Tuổi trẻ, ông Trần Ngọc Báu - tổng giám đốc đơn vị cung cấp dữ liệu tài chính WiGroup - nhận định, nhìn vào diễn biến giá vàng, có thể thấy chính sách đấu thầu của Ngân hàng Nhà nước chưa đạt được kỳ vọng.

Tại các phiên đấu thầu, mức giá khởi điểm sát mức thị trường, đưa đến lo ngại rủi ro bị lỗ ngay sau khi trúng thầu. Mức giá đấu thầu cao có thể kích thích hơn tâm lý trữ vàng từ người dân. Ông Báu cho rằng nếu tiếp tục duy trì đấu thầu thì cần đánh giá lại, xem xét cơ chế khác cho phù hợp. Mức giá có thể thấp hơn giá mua vào thị trường khoảng 5%.

Nếu can thiệp thị trường với vai trò cơ quan điều hành, nhưng đấu thầu như một đơn vị kinh doanh với cơ chế giá bất cập, sẽ khó hiệu quả. Theo thông lệ quốc tế, vàng được coi là một loại hàng hóa. Trong đó, vàng vật chất bao gồm vàng thỏi, vàng miếng, đồng tiền vàng, trang sức. Còn vàng phi vật chất bao gồm vàng tài khoản và các chứng chỉ về vàng được giao dịch rất thông dụng trên thị trường. 

Với Việt Nam, ông Báu cho rằng nên quay lại với câu hỏi vàng là hàng hay là tiền để có định hướng quản lý phù hợp. Nếu duy trì độc quyền vàng SJC, thì nên coi nó như loại tiền tệ "đặc biệt". Nếu vừa muốn quản lý vàng SJC như tiền tệ, nhưng lại coi nó là hàng hóa, đồng thời vừa muốn ghìm giá vàng, nhưng lại không thể mạnh tay can thiệp bằng ngoại tệ, sẽ khiến cơ quan điều hành rơi vào thế khó.

"Tỉ giá căng, dự trữ ngoại hối không nhiều. Muốn nhập vàng thì cần ngoại tệ, nhưng nếu dùng ngoại tệ lớn sẽ có ảnh hưởng đến tỉ giá", ông Báu nói và cho rằng làm tốt cả hai mục tiêu lúc này là nhiệm vụ dường như "bất khả thi", do vậy cần xác định đâu là những ưu tiên trong vĩ mô. Nếu không can thiệp giá vàng nữa, thị trường sẽ đối mặt vấn đề gì? Theo ông Báu, giá vàng có thể sẽ tiếp tục tăng. Nhưng thực chất việc tăng giá này là bong bóng, cần truyền thông hơn nữa để người dân hiểu rõ.

"Mua SJC trong nước 90 triệu đồng, nhưng mang ra thế giới chỉ bán được hơn 70 triệu đồng, đây là rủi ro người mua phải đối mặt. Tại sao lại phải mua giá vàng cao hơn giá trị thực?", ông Báu nhấn mạnh.

Điều thứ hai, theo vị chuyên gia, cần đẩy mạnh việc minh bạch hóa thị trường vàng vốn mù mờ hiện nay. Việc thống kê được giao dịch và mức cầu thực sự thị trường rất quan trọng trong việc đưa ra chính sách phù hợp, giảm sự thao túng bởi các "tay to" trên thị trường.

Cùng quan điểm về nhận định này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận định, từ trước đến nay Việt Nam mới áp thuế doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh vàng, chủ yếu dựa trên số liệu tự khai và khó kiểm soát. Từ kinh nghiệm kinh doanh xăng dầu, ông Thịnh kiến nghị nên bắt buộc mua bán vàng phải xuất hóa đơn. Đối với những người kinh doanh có doanh thu, có thu nhập phải đóng thuế, như vậy sẽ hạn chế được việc đầu cơ vàng.

Để thị trường vàng trở nên minh bạch hơn, nên áp dụng ngay việc xuất hóa đơn khi mua bán vàng. Điều này sẽ giúp cơ quan quản lý nắm bắt rõ hơn lượng cung cầu trên thị trường, nguồn gốc vàng và hạn chế tình trạng đầu cơ”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

  • Vì sao càng đấu thầu, giá vàng càng “phá đỉnh”?

    Vì sao càng đấu thầu, giá vàng càng “phá đỉnh”?

    03:40, 08/05/2024

  • Giá vàng “nóng bỏng tay” – lo ngại rủi ro từ vàng lậu

    Giá vàng “nóng bỏng tay” – lo ngại rủi ro từ vàng lậu

    11:00, 10/04/2024

  • “Kìm cương” giá vàng: Nên trao quyền nhập khẩu vàng cho doanh nghiệp

    “Kìm cương” giá vàng: Nên trao quyền nhập khẩu vàng cho doanh nghiệp

    03:30, 30/04/2024

NGUYỄN GIANG