Để giải quyết bài toán chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới, theo chuyên gia, nên cho phép một số công ty kinh doanh vàng bạc đủ điều kiện, tự xuất nhập khẩu và kinh doanh vàng miếng…
>> Kinh tế Mỹ nguy cơ đình lạm, giá vàng tuần tới sẽ ra sao?
Theo đó, sau 11 năm, lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng miếng trở lại nhằm tăng cung cho thị trường, kéo giảm chênh lệch giá trong nước và thế giới. Thế nhưng, trong 3 phiên đấu thầu vàng miếng, bắt đầu từ ngày 22/4, Ngân hàng Nhà nước đã phải hủy đến 2 phiên do không đủ số lượng đơn vị tham gia. Mới có một phiên đấu thành công vào ngày 23/4, nhưng chỉ 2/11 doanh nghiệp trúng thầu, với vỏn vẹn 3.400 lượng trên tổng số 16.800 lượng vàng miếng SJC tung ra.
Giải pháp này đem đến nhiều kỳ vọng, tuy nhiên, sau những phiên đấu thầu vàng miếng SJC của Ngân hàng Nhà nước vừa qua dường như đang gây hiệu ứng ngược khi giá vàng trong nước liên tục tăng “phi mã”.
Thực tế cho thấy, giá vàng trong nước liên tục phá đỉnh, trong phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng miếng SJC được nhiều cơ sở kinh doanh vàng niêm yết ở mức 83 – 85,2 triệu đồng/lượng, tăng tới 1,5 triệu đồng/lượng chỉ sau một ngày. Mức giá này của vàng miếng SJC cũng gần chạm mức giá cao nhất từ trước đến nay (85,5 triệu đồng/lượng). Tốc độ tăng giá nhanh khiến giá vàng miếng SJC đắt hơn quốc tế lên hơn 13 triệu đồng/lượng thay vì chỉ 11 - 12 triệu đồng/lượng trước đó.
Trước thực tế đã nêu, không ít ý kiến nhìn nhận, nỗ lực đấu thầu vàng miếng SJC để thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới của Ngân hàng Nhà nước bước đầu chưa có tác động như kỳ vọng. Và để “kìm cương” giá vàng cần tiếp tục đưa ra các giải pháp khác.
Theo các chuyên gia, mặc dù phù hợp với tình hình hiện tại nhưng đấu thầu vàng chỉ là phương pháp hạ nhiệt tạm thời và muốn minh bạch thị trường vẫn cần phải có những biện pháp dài hơn hơn.
>> Giá vàng tuần tới: Cẩn trọng cú đảo chiều ngắn hạn
Đưa ra quan điểm về vấn đề đã nêu, chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, “một trong những điều cần làm bây giờ là sửa Nghị định 24/2012/NĐ-CP bởi môi trường kinh doanh vàng hiện tại đã có nhiều thay đổi đáng kể và Nghị định này không còn phù hợp nữa”.
Theo ông Hiếu, quan hệ cung – cầu vẫn chưa đạt được sự cân bằng và dù có cho các doanh nghiệp tham gia sản xuất vàng miếng đi nữa thì van vẫn bị đóng khi Ngân hàng Nhà nước vẫn độc quyền nhập khẩu nguyên liệu.
Còn theo TS. Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, giải pháp căn cơ nhất, dài hạn nhất và phù hợp thông lệ quốc tế là phải cho xuất nhập khẩu vàng tự do, sản xuất kinh doanh vàng tự do. Các cơ quan quản lý nên cho phép một số công ty kinh doanh vàng bạc đủ điều kiện, tự xuất nhập khẩu và kinh doanh vàng miếng và vàng trang sức.
“Nhà nước nên trả lại vàng SJC cho chính thương hiệu sản xuất ra nó, để họ kinh doanh bình thường như các thương hiệu vàng khác trong nước. Chỉ có như vậy thì chúng ta mới có một thị trường vàng hoàn toàn ổn định”, vị chuyên gia này bày tỏ.
Đồng quan điểm đã nêu, trước đó, ông Huỳnh Trung Khánh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, muốn cho phép các doanh nghiệp như: PNJ, DOJI được sản xuất vàng miếng thì cũng phải cho SJC nhập vàng nguyên liệu về để sản xuất thêm.
Bên cạnh đó, bỏ độc quyền vàng SJC, nếu có sự thay đổi về chính sách nhập khẩu vàng nguyên liệu, các doanh nghiệp sẽ sản xuất ra nhiều hơn, nhà đầu tư cũng có thể sẽ bán ra vàng miếng nhiều hơn.
Đồng thời cũng cho biết them, trước mắt chúng tôi kiến nghị việc cho phép 3 doanh nghiệp là PNJ, SJC, DOJI được nhập 1,5 tấn vàng/năm, tương ứng mỗi doanh nghiệp nhập 500 kg vàng/năm. Doanh nghiệp cũng chỉ được phép xin nhập trong phạm vi có kiểm soát, sẽ chia làm nhiều lần nhập, tùy theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước.
Theo vị này, thực chất con số 1,5 tấn không lớn, bởi nhu cầu vàng nữ trang trong nước lên tới 20 tấn.
“Chẳng hạn, một năm doanh nghiệp được nhập bao nhiêu miếng vàng, không để tự do muốn nhập bao nhiêu thì nhập. Khi kiểm soát như vậy, các vấn đề về tỷ giá, ngoại hối cũng kiểm soát được”, ông Khánh nhấn mạnh.
Được biết, trước sức "nóng" của giá vàng trong nước, ngày 20/03/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 23/CĐ-TTg yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng.
Thủ tướng cũng chỉ đạo tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới và trong nước, khẩn trương thực hiện ngay các giải pháp theo quy định để bình ổn. Thực hiện ngay việc thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng. Đặc biệt, khẩn trương thực hiện ngay các biện pháp để xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật liên quan đến thị trường vàng.
Có thể bạn quan tâm
Tổ chức đấu thầu vàng miếng có giúp bình ổn thị trường vàng?
05:30, 18/04/2024
Ngân hàng Nhà nước tăng cường biện pháp quản lý thị trường vàng
13:08, 16/04/2024
Cần thời gian để ổn định thị trường vàng
05:25, 05/04/2024
Quản lý thị trường vàng: Cần xóa tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”
10:10, 19/03/2024
Cần sửa gấp Nghị định 24 để ổn định thị trường vàng
21:30, 06/03/2024