Mỗi lần đấu thầu là mỗi lần giá vàng trong nước lại tăng thêm bất chấp giá thế giới đi xuống. Nhiều ý kiến hoài nghi, như vậy, đấu thầu vàng thực sự có khả thi? Có nên tiếp tục đấu thầu vàng?
>>Giá vàng “nóng bỏng tay” – lo ngại rủi ro từ vàng lậu
Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4 cho thấy, chỉ số giá vàng trong nước tăng 6,95% so với tháng trước và tăng trên 17% so với tháng 12/2023. Giá vàng đã tăng 28,62% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 4 tháng đầu năm, giá vàng trong nước tăng 20,75%.
Trong bối cảnh giá vàng trong nước liên tục tăng “phi mã”, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã nhấn mạnh cần có giải pháp khắc phục hiệu quả cả về ngắn hạn và dài hạn; bảo đảm quản lý vàng an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, phù hợp với nhu cầu thực tế của người dân, liên thông với các thị trường liên quan, tránh tình trạng lợi dụng tình hình để buôn lậu, đầu cơ, thao túng thị trường, kinh doanh vàng trái quy định của pháp luật để trục lợi.
Theo đó, hoạt động đấu thầu vàng là giải pháp được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra với kỳ vọng tăng cung ra thị trường, qua đó giảm chênh lệch giá vàng miếng với thế giới được mong chờ và kỳ vọng nhất trong thời gian qua.
Tuy nhiên, trái với kỳ vọng, giá vàng miếng liên tục neo ở mức giá cao, thậm chí không ngừng phá đỉnh khi NHNN đã 4 lần tổ chức đấu thầu vàng miếng nhưng có tới 3 lần thất bại do không đủ số lượng doanh nghiệp bỏ phiếu. Lần duy nhất tổ chức thành công là hôm 23/4, song chỉ bán được 20% số lượng vàng chào thầu cho 2 đơn vị là ACB và SJC, phiên đấu thầu bị "ế" 13.400 lượng vàng.
Bình luận về nội dung này, một chuyên gia từ Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, việc đấu thầu vàng sai lầm ngay từ đầu khi áp đặt mức giá cọc và tham chiếu cao nên mục tiêu kéo giá xuống hoàn toàn thất bại.
"Giá thế giới tính cả thuế phí khoảng 74 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá cọc ở Việt Nam lên tới gần 83 triệu đồng/lượng. Bản thân Ngân hàng Nhà nước đã định giá vàng cao như vậy làm sao mà kéo được giá xuống sau đấu thầu?", vị chuyên gia này nói.
>>“Kìm cương” giá vàng: Nên trao quyền nhập khẩu vàng cho doanh nghiệp
Trước sự tăng giá điên cuồng của vàng miếng SJC sau khi Ngân hàng Nhà nước can thiệp, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho biết: "Chúng ta phải đặt câu hỏi ai đang quyết định giá vàng miếng SJC trên thị trường? Hiện nay, đơn vị tham gia đấu giá thời điểm này dù giá cao nhưng vẫn có khả năng có lãi nhưng nhiều doanh nghiệp không tham gia đấu khiến Ngân hàng Nhà nước hủy đấu thầu 3 lần. Cơ quan quản lý nên tìm hiểu".
Ông Ánh nghi ngờ liệu mục tiêu có phải kéo giá vàng trong nước xuống không? "Cơ quan quản lý không thể nói khơi khơi. Kéo chênh lệch giá vàng trong nước với giá vàng thế giới đến mức nào phải rõ. Kéo về sát thế giới khoảng 70-71 triệu đồng/lượng hay mục tiêu kéo cao hơn thế giới 5 triệu đồng/lượng?", chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, ông Ánh cho rằng, thời gian này khi giá vàng miếng SJC tăng cao, xu hướng người dân chuyển qua mua vàng nhẫn. Điều này dẫn tới thị trường khan vàng nhẫn đến mức người dân nộp tiền vào đợi vài ngày mới nhận được vàng, thậm chí cửa hàng còn thông báo khi nào có vàng sẽ thông báo cho khách.
"Rõ ràng kịch bản giá vàng miếng SJC tăng giá liên tục rất có lợi cho người kinh doanh vàng nhẫn", ông Ánh nói.
Ở một góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, Ngân hàng Nhà nước không chỉ có hai lựa chọn là tiếp tục, hoặc ngừng đấu thầu, mà còn có lựa chọn thứ ba, đó là tổ chức đấu thầu vàng với những yêu cầu, điều kiện, giá... phù hợp với bối cảnh thị trường và mục tiêu của Nhà nước. Và để làm được điều này, cần có một cuộc họp liên ngành giữa các chuyên gia, các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các ngân hàng để tìm kiếm mục tiêu chung trong vấn đề tổ chức đấu thầu, quản lý thị trường vàng.
“Tuy nhiên, trên hết, chúng ta vẫn phải khẳng định lại một lần nữa, đấu thầu vàng chỉ là giải pháp tình thế, còn trong thời gian tới, điều quan trọng vẫn là sửa đổi Nghị định 24 với quy định độc quyền sản xuất vàng miếng SJC, trả vàng về cho thị trường vận hành và Ngân hàng Nhà nước không nên trực tiếp gánh trách nghiệm cân bằng cung - cầu thông qua xuất - nhập khẩu và điều tiết thị trường vàng. Và chỉ khi nguồn cung đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường thì mới có thể đạt mục tiêu của Chính phủ là kéo giảm khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới hiện nay”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm