Tỷ lệ giải ngân đầu tư công 4 tháng đầu năm cao nhất 8 năm

ĐÌNH ĐẠI 12/05/2024 04:00

Việc đẩy mạnh giải ngân vào các dự án cao tốc giúp nâng cấp hạ tầng, rút ngắn thời gian di chuyển, mở ra nhiều kỳ vọng phát triển và tăng lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong việc thu hút vốn đầu tư.

>>>Cần quy định linh hoạt trong điều chỉnh dự án đầu tư công

Việc đẩy mạnh giải ngân vào các dự án cao tốc giúp nâng cấp hạ tầng, rút ngắn thời gian di chuyển, mở ra nhiều kỳ vọng phát triển cho các địa phương và tăng lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong việc thu hút vốn đầu tư - Ảnh minh họa.

Việc đẩy mạnh giải ngân vào các dự án cao tốc giúp nâng cấp hạ tầng, rút ngắn thời gian di chuyển, mở ra nhiều kỳ vọng phát triển cho các địa phương và tăng lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong việc thu hút vốn đầu tư - Ảnh minh họa.

Tỷ lệ giải ngân đầu tư công cao

Dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, vốn đầu tư từ Ngân sách Nhà nước (NSNN) trong tháng 4/2024 đạt 43.955 tỷ đồng, tăng 9,76% so với cùng kỳ và 16,04% so với tháng trước.

Lũy kế 4 tháng đầu năm, tổng giá trị giải ngân đầu tư công đạt 142.843 tỷ đồng, tăng 8,3% so với cùng kỳ, hoàn thành 21,09% kế hoạch cả năm (Theo Nghị quyết 104/2023/QH15, tổng giá trị chi đầu tư phát triển trong năm 2024 ở mức 677,35 nghìn tỷ).

“Đây là tỷ lệ giải ngân tương đối cao nếu so với các năm gần đây (trung bình giai đoạn 2015-2023 đạt 20,19%). Tỷ lệ giải ngân cao cho thấy các dự án giải ngân đầu tư công vẫn đang được thúc đẩy mạnh mẽ”, BVSC đánh giá.

Nguốn: BVSC.

Nguốn: BVSC.

Theo Bộ Tài chính, tổng vốn đầu tư công đã được phân bổ là trên 685 nghìn tỷ, cao hơn kế hoạch đầu năm. Ngoài việc phân bổ chi tiết vốn cho các dự án, Chính phủ cũng đề ra các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Gần đây, 2 dự án thuộc công trình cao tốc Bắc - Nam đã được đưa vào khai thác, nhanh hơn so với dự kiến.

BVSC cho rằng, việc đẩy mạnh giải ngân vào các dự án cao tốc giúp nâng cấp hạ tầng, rút ngắn thời gian di chuyển, mở ra nhiều kỳ vọng phát triển cho các địa phương và tăng lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong việc thu hút vốn đầu tư.

Cũng theo BVSC, tổng vốn FDI đăng ký trong tháng 4 đạt 3,1 tỷ USD, giảm 9,67% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nếu chỉ tính riêng đăng ký cấp mới, vốn FDI đạt 2,34 tỷ USD, tăng tới 115,8%  so với cùng kỳ. Vốn FDI thực hiện cũng ghi nhận mức tăng 8,13% so với cùng kỳ, đạt 1,65 tỷ USD. Vốn FDI thực hiện trong 4 tháng đầu năm nay là mức cao nhất trong hơn 10 năm trở lại đây

Nguồn: BVSC.

Nguồn: BVSC.

Về lĩnh vực, BVSC cho biết, nhóm công nghiệp chế biến chế tạo là nhóm thu hút tổng vốn FDI lớn nhất, với 2,23 tỷ USD trong tháng 4 và 6,15 tỷ USD sau 4 tháng đầu năm, chiếm 66,35% tổng vốn FDI đăng ký và tăng 19,82% so với cùng kỳ. Ngành công nghiệp chế biến chế tạo vẫn được xác định là ngành chủ lực trong thu hút FDI và thúc đẩy xuất khẩu trong dài hạn.

Về đối tác, Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác đăng ký đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với 730 triệu đô trong tháng 4. Lũy kế 4 tháng đầu năm, Singapore vẫn là đối tác lớn nhất, chiếm 31,55%.

Về địa phương, Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương nhận được lượng vốn FDI đăng ký lớn nhất, với 1,52 triệu USD trong 4 tháng đầu năm, tăng hơn 11 lần so với cùng kỳ, và chiếm 16,43% tổng giá trị FDI đăng ký cả nước

“Chúng tôi tiếp tục đánh giá cao khả năng thu hút vốn FDI của Việt Nam trong năm 2024. Đây cũng sẽ tiếp tục là động lực quan trọng đối với xuất khẩu trong dài hạn”, BVSC đánh giá.

Lạm phát sẽ hạ nhiệt trong những tháng cuối năm

Báo cáo của BVSC cũng cho thấy, chỉ số CPI tăng 4,4% so với cùng kỳ trong tháng 4, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 1/2023 cho tới nay. So với tháng trước, CPI tăng nhẹ 0,07%. Tính chung 4 tháng đầu năm, chỉ số CPI trung bình tăng 3,93% so với cùng kỳ, vẫn đang nằm dưới mục tiêu Chính phủ đặt ra (4 - 4,5%).

Nguồn: BVSC.

Nguồn: BVSC.

Theo Công ty Chứng khoán này, lương thực tiếp tục là nhóm có mức tăng mạnh nhất so với cùng kỳ, đạt 15,45% so với cùng kỳ do giá gạo trong nước tăng mạnh theo giá gạo xuất khẩu trong bối cảnh nguồn cung gạo toàn cầu giảm.

Xét về mức đóng góp, nhóm Nhà ở và vật liệu xây dựng tiếp tục tạo áp lực tăng lớn nhất lên chỉ số CPI, ở mức 1,12 điểm phần trăm vào mức tăng chung của chỉ số CPI. Theo sau là nhóm lương thực và thực phẩm. Ngược lại, nhóm bưu chính viễn thông tiếp tục giúp giảm áp lực tăng lên chỉ số CPI, khi giảm 1,5% so với cùng kỳ, giúp chỉ số CPI giảm 0,05 điểm phần trăm

BVSC cũng cho rằng, diễn biến tăng của giá các loại lương thực, thực phẩm và xăng dầu sẽ còn tạo áp lực lên chỉ số CPI trong các tháng tiếp theo của quý II/2024, khi mặt bằng so sánh của các loại hàng hóa này là tương đối thấp trong cùng kỳ. Do đó, áp lực lạm phát sẽ vẫn cao trong các tháng tới, dự báo chỉ số CPI sẽ tiếp tục tăng trong khoảng 4 - 4,5% trong 2 tháng tới đây.

“Dù vậy, chúng tôi cho rằng áp lực lạm phát sẽ hạ nhiệt trở lại trong các tháng cuối năm, khi so sánh với mặt bằng cao từ cuối năm ngoái, với các áp lực giảm xuống từ nhóm lương thực, giá thuê nhà, học phí, dịch vụ y tế. Diễn biến hạ nhiệt này kỳ vọng sẽ giúp đưa chỉ số CPI cả năm về khoảng 3,5 - 4%, vẫn nằm trong mục tiêu Chính phủ đặt ra”, BVSC nhận định.

Có thể bạn quan tâm

  • Đầu tư công tăng tốc, liệu có lo “thổi giá” bất động sản?

    Đầu tư công tăng tốc, liệu có lo “thổi giá” bất động sản?

    11:00, 08/05/2024

  • Đầu tư công Quảng Trị: Nhiều nơi “bất động”

    Đầu tư công Quảng Trị: Nhiều nơi “bất động”

    15:13, 07/05/2024

  • Bà Rịa -Vũng Tàu: Thu hồi 28 hecta tại bãi tắm để thực hiện dự án đầu tư công

    Bà Rịa -Vũng Tàu: Thu hồi 28 hecta tại bãi tắm để thực hiện dự án đầu tư công

    22:28, 05/05/2024

  • Cần quy định linh hoạt trong điều chỉnh dự án đầu tư công

    Cần quy định linh hoạt trong điều chỉnh dự án đầu tư công

    13:05, 05/05/2024

  • TP.HCM: Giải ngân vốn đầu tư công trong tháng 4 chỉ đạt 7,5%

    TP.HCM: Giải ngân vốn đầu tư công trong tháng 4 chỉ đạt 7,5%

    00:05, 04/05/2024

ĐÌNH ĐẠI