Lo ngại "phân mảnh" kinh tế toàn cầu gia tăng
Các chuyên gia lo ngại tình trạng mất cân bằng toàn cầu hóa cũng như sự phân mảnh trong thương mại và đầu tư khi các quốc gia liên kết thành các khối gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế thế giới.
>> FED khó giảm lãi suất, kinh tế thế giới "hứng đòn"
Trong bài phát biểu tại Viện Nghiên cứu Chính sách Kinh tế Stanford, Phó giám đốc điều hành thứ nhất Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Gita Gopinath nhận định, các mối quan hệ kinh tế toàn cầu đang thay đổi theo những cách chưa từng thấy kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.
Tuy nhiên, những thay đổi này sẽ không dẫn đến một cuộc chiến tranh mà là một "kỷ băng hà mới", nơi các khối liên kết riêng rẽ cùng tồn tại trong một môi trường căng thẳng và tăng trưởng chậm. IMF nhận thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu có khả năng chậm lại đáng kể trong vòng 3 đến 5 năm tới so với thập kỷ trước.
Kịch bản này trái ngược với sự lạc quan ngắn hạn trong Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới gần đây nhất của IMF về khả năng phục hồi của nền kinh tế toàn cầu kể từ đại dịch COVID-19. Suy thoái trong dài hạn sẽ có những nguyên nhân vượt ra ngoài căng thẳng địa chính trị và địa kinh tế. Các yếu tố được xác định bao gồm bất lợi về nhân khẩu học và năng suất suy giảm, cùng sự phân mảnh của nền kinh tế toàn cầu cũng như trong thương mại và đầu tư vẫn còn rất lớn.
Mặc dù theo bà Gopinath, các mối đe dọa về sự phân mảnh kinh tế vẫn chưa ảnh hưởng đáng kể đến tăng trưởng nhưng đó là tín hiệu rủi ro tiềm ẩn. Giám đốc điều hành IMF cũng lưu ý rằng sau nhiều năm xảy ra những cú sốc, bao gồm đại dịch, chiến tranh Nga-Ukraine, các quốc gia đang đánh giá lại các đối tác thương mại của mình dựa trên những lo ngại về kinh tế và an ninh quốc gia.
Đồng quan điểm, ông Anthony Rowley, nhà báo kỳ cựu chuyên về các vấn đề kinh tế và tài chính châu Á cho rằng, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang được chuyển hướng theo các khối địa chính trị và một số quốc gia đang đánh giá lại sự phụ thuộc nặng nề vào đồng USD trong các giao dịch quốc tế và dự trữ. Đối với Trung Quốc và các quốc gia thân thiện với Trung Quốc, nghiên cứu của IMF cho thấy tỷ trọng thanh toán giao dịch thương mại bằng đồng USD đã giảm kể từ đầu năm 2022 trong khi tỷ trọng của đồng nhân dân tệ đã tăng hơn gấp đôi lên 8%.
Trên thực tế, tỷ trọng của đồng nhân dân tệ trong các giao dịch xuyên biên giới của các tổ chức phi ngân hàng của Trung Quốc với các đối tác nước ngoài đã tăng khoảng 50% kể từ cuối năm ngoái, trong khi tỷ trọng của đồng USD đã giảm từ khoảng 80% năm 2010 xuống còn 50%.
Ông Anthony Rowley cho biết, nếu những xu hướng này tiếp tục, thế giới có thể sẽ ngày một rời xa hệ thống giao dịch dựa trên quy tắc toàn cầu truyền thống.
>> "Đo đếm" các tác động đến kinh tế thế giới
Theo IMF, các hạn chế thương mại mới đã tăng hơn gấp ba lần trong 5 năm qua trong khi các biện pháp trừng phạt tài chính đã được mở rộng mạnh mẽ. Chỉ số rủi ro địa chính trị đã tăng vọt và mối lo ngại của khu vực tư nhân về sự phân tán cũng tăng lên.
Các chuyên gia đều đồng thuận rằng, vẫn chưa có dấu hiệu rõ ràng nào về quá trình phi toàn cầu hóa, ít nhất là ở cấp độ tổng thể. Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, tỷ lệ thương mại hàng hóa trên tổng GDP của thế giới đã ổn định ở mức từ 41 đến 48% nhưng trên thực tế, sự phân mảnh vẫn đang âm thầm diễn ra.
Đáng chú ý, tỷ trọng nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ đã giảm 8% trong giai đoạn 2017-2023, trong khi tỷ trọng xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc giảm khoảng 4%. Và thương mại trực tiếp giữa Nga và phương Tây đã đóng băng do căng thẳng giữa quốc gia này với Ukraine.
Mặc dù vậy, sự xuất hiện của các quốc gia trung gian giữa các khối, hay còn được gọi là các quốc gia “kết nối”, đã góp phần định tuyến một số dòng thương mại và đầu tư, bù đắp sự xói mòn của các liên kết trực tiếp giữa Mỹ và Trung Quốc. Theo IMF, trong số các quốc gia “kết nối”, vai trò trung gian của Mexico và Việt Nam đã giúp giảm bớt tác động toàn cầu của việc tách rời.
Tuy nhiên, trong trung và dài hạn, các chuyên gia cho rằng, sự phân mảnh kinh tế lần này sẽ gây tổn thất nặng nề hơn đến nền kinh tế toàn cầu. "Các nhà lãnh đạo cần lắng nghe nhiều hơn. Nhu cầu hiện nay là tập trung vào việc hạn chế hậu quả tiêu cực của các hành động chính trị đơn phương thông qua tính minh bạch cao hơn, chia sẻ dữ liệu và đối thoại chính sách", Giám đốc điều hành IMF nhấn mạnh.
Trước đó, WTO cảnh báo, việc phân chia thương mại thế giới thành các khối riêng biệt sẽ khiến thế giới thiệt hại ước tính khoảng 5% thu nhập thực tế, trong đó một số nền kinh tế đang phát triển phải đối mặt với những tổn thất nghiêm trọng.
Có thể bạn quan tâm
FED khó giảm lãi suất, kinh tế thế giới "hứng đòn"
03:30, 19/04/2024
Iran khiến Trung Đông "dậy sóng", kinh tế thế giới có nguy cơ chao đảo
04:00, 15/04/2024
"Đo đếm" các tác động đến kinh tế thế giới
03:00, 12/04/2024
Viễn cảnh trật tự kinh tế thế giới
02:00, 15/02/2024
Biển Đỏ “dậy sóng”: Nguy cơ “phân mảnh” kinh tế thế giới
14:40, 23/01/2024