Thấy gì từ PCI tỉnh Thái Bình năm 2023?

VŨ PHƯỜNG - KIM DUNG 12/05/2024 09:54

Cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Thái Bình đã có nhiều đánh giá khả quan về môi trường kinh doanh của tỉnh năm 2023 khi chính quyền năng động hơn, tiếp cận đất đai dễ dàng hơn, chi phí thời gian ít hơn…

>>> PCI 2023: Nỗ lực nhiều hơn để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam mới đây đã công bố Báo cáo bộ Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023. Đây là ấn phẩm thường niên được VCCI thực hiện nhằm góp phần tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, hướng tới một nền kinh tế phát triển bền vững tại Việt Nam.

Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – Phạm Tấn Công phát biểu tại lễ công bố Chỉ số PCI năm 2023

Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – Phạm Tấn Công phát biểu tại lễ công bố Chỉ số PCI năm 2023

Theo đánh giá của Chủ tịch VCCI – Phạm Tấn Công, năm 2023 là lần đầu tiên PCI có điểm trung vị đạt 6,66 điểm, cao nhất từ trước đến nay. Điều đó cho thấy chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh đã có sự cải thiện đáng kể theo thời gian và PCI thực sự là một “cuộc đua” về cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy thu hút đầu tư tại các địa phương.

Nhìn nhận về PCI tỉnh Thái Bình năm 2023 cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp đã có nhiều đánh giá khách quan và nhìn nhận rất lạc quan về môi trường đầu tư, kinh doanh của địa phương này.

“Tính năng động của chính quyền” tiếp tục tăng…

Theo đánh giá chung của VCCI, điểm số trung bình chỉ số Tính năng động tiên phong của chính quyền địa phương năm 2023 có dấu hiệu giảm sút. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết UBND tỉnh linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân chỉ đạt 82,1%. Thậm chí, chỉ có 57,6% doanh nghiệp quan sát thấy chính quyền tỉnh có thái độ tích cực đối với khu vực tư nhân. Bên cạnh đó, có 20% doanh nghiệp cho biết phản ứng có tỉnh khi có điểm chưa rõ trong chính sách/văn bản Trung ương là “trì hoãn thực hiện và xin ý kiến chỉ đạo” hoặc “không làm gì”.

Vẫn có tới 44,7% danh nghiệp quan sát thấy hiện tượng “chính quyền huyện/thị xã không thực hiện đúng chủ trương, chính sách của lãnh đạo tỉnh. Đáng lưu ý, chỉ 40,8% doanh nghiệp thấy “chủ trương, chính sách của tỉnh đối với việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp là ổn định và nhất quán”.

Đó là nhận định chung của doanh nghiệp cả nước đối với môi trường kinh doanh trong năm qua. Tuy nhiên, nhìn vào chỉ số “Tính năng động của chính quyền” tỉnh Thái Bình năm 2023 cho thấy, tỉnh Thái Bình đạt 7,38 điểm, tăng 0,18 điểm so với 2022, xếp thứ 6 toàn quốc. Nhìn rộng ra, 10 năm trở lại đây, chỉ số này của tỉnh Thái Bình đã có sự vượt trội khá nhiều. Thậm chí, năm 2015, Thái Bình chỉ đạt 4,36 điểm. Kể từ 2020 trở lại đây, tỉnh Thái Bình đã tăng tới 0,95 điểm. Điều này cho thấy cộng đồng doanh nghiệp tư nhân vẫn đặt niềm tin cao vào việc triển khai các cam kết cải thiện môi trường kinh doanh của lãnh đạo tỉnh Thái Bình; từ đó có những chủ trương, quyết sách đúng đắn nhằm đồng hành, hỗ trợ hơn với doanh nghiệp trong thời gian tới.

Kết quả các chỉ số thành phần của PCI tỉnh Thái Bình năm 2023

Kết quả các chỉ số thành phần của PCI tỉnh Thái Bình năm 2023

Doanh nghiệp “Tiếp cận đất đai” thuận lợi hơn

Mặc dù theo khảo sát của VCCI, năm 2023, những trở ngại trong tiếp cận đất đai của doanh nghiệp có dấu hiệu gia tăng. Chỉ có 40,7% doanh nghiệp cho biết không gặp trở ngại về tiếp cận đất đai hoặc mở rộng mặt bằng kinh doanh và 58,9% doanh nghiệp không gặp khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai, trong khi tỷ lệ này năm 2022 là 80,1%. Cùng với đó, tỷ lệ doanh nghiệp phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh do gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính đất đai lên tới gần 73%.

Nhìn vào Chỉ số Tiếp cận đất đai của tỉnh Thái Bình năm 2023 cho thấy, các doanh nghiệp đánh giá việc tiếp cận mặt bằng kinh doanh trên địa bàn đã thuận lợi hơn rất nhiều. Năm 2022, chỉ số Tiếp cận đất đai của tỉnh đạt 6,94 điểm, đến năm 2023 đã tăng lên 7,19 điểm, trong khi điểm số trung vị của chỉ số này của cả nước chỉ là 6,75 điểm. Với điểm số này, chỉ số Tiếp cận đất đai của Thái Bình xếp thứ 9 toàn quốc.

>>> Chủ tịch VCCI: PCI, PGI 2023 phản ánh những nỗ lực tích cực của chính quyền

>>> PCI 2023: Ba điểm sáng cải thiện môi trường kinh doanh

Thủ tục gia nhập thị trường thuận lợi

Theo kết quả khảo sát PCI năm 2023, cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Thái Bình đánh giá việc doanh nghiệp gia nhập thị trường đã thuận lợi hơn khá nhiều. Chỉ số “Gia nhập thị trường” đo lường mức độ thuận lợi của việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan tới đăng ký doanh nghiệp và các thủ tục cấp phép kinh doanh có điều kiện.

Với tổng điểm 7,54, tỉnh Thái Bình xếp thứ 17 cả nước về mức độ gia nhập thị trường thuận lợi. Điều đó khẳng định rằng, các doanh nghiệp tiếp tục ghi nhận những chuyển biến tích cực trong việc giải quyết thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp. Các thủ tục đã minh bạch hơn, doanh nghiệp được hướng dẫn rõ ràng, đầy đủ; cán bộ, công chức của tỉnh có trình độ chuyên môn cao, am hiểu pháp luật, nhiệt tình, thân thiện.

Các doanh nghiệp cũng cho biết, doanh nghiệp được hướng dẫn thủ tục cấp phép kinh doanh có điều kiện là rõ ràng, đầy đủ; thời gian thực hiện các thủ tục không kéo dài hơn so với quy định; chi phí cấp phép kinh doanh có điều kiện không vượt quá mức phí, lệ phí được quy định trong văn bản pháp luật.

Dù vậy, theo kết quả khảo sát, doanh nghiệp mong muốn việc cấp phép kinh doanh có điều kiện cần có thêm các nỗ lực cải thiện mạnh mẽ hơn trong thời gian tới; đặc biệt cần thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp thứ 7 của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính ngày 02/02/2024, đó là tiếp tục cắt giảm các điều kiện kinh doanh không cần thiết và không khả thi, không rõ ràng, khó xác định, không phù hợp thực tiễn; bãi bỏ các loại chứng chỉ không cần thiết, thu gọn các chứng chỉ trùng lặp về nội dung…

Điểm trung vị của Chỉ số gia nhập thị trường của cả nước năm 2023 đạt 7,31 điểm.

Thời gian qua, tỉnh Thái Bình đã có nhiều nỗ lực trong công tác cải cách hành chính, giảm bớt thủ tục hành chính, mang lại sự hài lòng đối với người dân, doanh nghiệp

Thời gian qua, tỉnh Thái Bình đã có nhiều nỗ lực trong công tác cải cách hành chính, giảm bớt thủ tục hành chính, mang lại sự hài lòng đối với người dân, doanh nghiệp

Thủ tục hành chính đạt nhiều kết quả tích cực

Kết quả khảo sát doanh nghiệp năm 2023 đã phản ánh những kết quả tích cực của công tác cải cách hành chính. Cụ thể, điểm số chỉ số “Chi phí thời gian” của tỉnh Thái Bình đạt 7,95 điểm, tăng rất mạnh 1,19 điểm so với năm 2022. Với điểm số này, Thái Bình là một trong 23 tỉnh/thành thực hiện tốt về công tác cải cách thủ tục hành chính để giảm bớt thời gian thực hiện cho doanh nghiệp.

Trước hết, có thể thấy doanh nghiệp ghi nhận chất lượng giải quyết thủ tục hành chính nói chung ở mức độ cao. Cán bộ nhà nước giải quyết công việc hiệu quả, thân thiện, doanh nghiệp không phải đi lại nhiều lần để hoàn tất hồ sơ. Các thủ tục giấy tờ được đơn giản hóa, phí và lệ phí được niêm yết công khai,…

Đó là thành quả của một quá trình nỗ lực chuyển đổi số của các cấp chính quyền địa phương trên môi trường mạng. Ghi nhận từ khảo sát năm 2023 của cả nước cho thấy, gần 77% doanh nghiệp cho biết thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến giúp tiết giảm thời gian và chi phí so với phương thức hồ sơ giấy trước đây; 77,8% doanh nghiệp không gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến. Gánh nặng thanh, kiểm tra về cơ bản cũng đã giảm bớt đối với doanh nghiệp.

Cạnh tranh bình đẳng trong kinh doanh

Chỉ số “Cạnh tranh bình đẳng” có mục tiêu thúc đẩy chính quyền địa phương quan tâm và tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng hơn cho doanh nghiệp, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Chỉ số “Cạnh tranh bình đẳng” của tỉnh Thái Bình đạt 5,71 điểm, tăng 0,84 điểm so với năm 2022, xếp thứ 34 toàn quốc. Điều này cho thấy mức độ bình đẳng trong môi trường kinh doanh của tỉnh ở mức khá; ít có tình trạng doanh nghiệp lớn được ưu tiên giải quyết các khó khăn hơn doanh nghiệp nhỏ; không có tâm lý ưu tiên thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp lớn hơn là phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước; các doanh nghiệp đều có quyền tiếp cận thông tin là như nhau,…

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận, với việc thành lập và đi vào hoạt động Trung tâm Hỗ trợ, xúc tiến đầu tư và phát triển tỉnh Thái Bình đồng thời ra mắt Trang thông tin “Thái Bình đồng hành cùng doanh nghiệp” trên ứng dụng zalo, cùng với những nỗ lực trong cải cách hành chính, thu hút đầu tư trong thời gian qua, tỉnh Thái Bình vẫn luôn quyết tâm cải thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh, kiến tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi để ngày càng thu hút nhiều hơn các doanh nghiệp đến đầu tư tại tỉnh.

Có thể bạn quan tâm

  • Ninh Thuận tăng 19 bậc trên Bảng xếp hạng PCI 2023

    Ninh Thuận tăng 19 bậc trên Bảng xếp hạng PCI 2023

    17:59, 10/05/2024

  • Cà Mau tăng 36 bậc trên bảng xếp hạng PCI 2023

    Cà Mau tăng 36 bậc trên bảng xếp hạng PCI 2023

    09:55, 10/05/2024

  • Tây Ninh nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố dẫn đầu chỉ số PCI 2023

    Tây Ninh nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố dẫn đầu chỉ số PCI 2023

    09:20, 10/05/2024

  • ĐIỂM BÁO NGÀY 10/5: Công bố báo cáo PCI – PGI 2023

    ĐIỂM BÁO NGÀY 10/5: Công bố báo cáo PCI – PGI 2023

    04:24, 10/05/2024

  • PCI 2023: Nỗ lực nhiều hơn để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi

    PCI 2023: Nỗ lực nhiều hơn để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi

    02:17, 10/05/2024

  • Đồng Tháp: 16 năm liên tiếp trong TOP 5 PCI toàn quốc

    Đồng Tháp: 16 năm liên tiếp trong TOP 5 PCI toàn quốc

    21:56, 09/05/2024

VŨ PHƯỜNG - KIM DUNG