Với 69,66 điểm, Đồng Tháp xếp vị trí thứ 5 cả nước về Chỉ số PCI năm 2023. Đây cũng là cột mốc ghi dấu 16 năm liên tiếp Đồng Tháp vinh dự được xếp trong nhóm 5 tỉnh, thành phố đứng đầu PCI toàn quốc.
Sáng ngày 9/5, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023.
>> Đồng Tháp đồng hành cùng doanh nghiệp
Đây là năm thứ 19 liên tiếp VCCI công bố bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng về chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố tại Việt Nam, qua đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.
Kết quả PCI 2023, tỉnh Quảng Ninh xếp vị trí quán quân với 71,25 điểm; vị trí thứ 2 thuộc về tỉnh Long An với 70,94 điểm; xếp thứ 3 là TP Hải Phòng với 70,34 điểm; tỉnh Bắc Giang xếp thứ 4 với 69,75 điểm.
Với 69,66 điểm, Đồng Tháp xếp vị trí thứ 5 cả nước về Chỉ số PCI năm 2023. Đây cũng là cột mốc ghi dấu 16 năm liên tiếp Đồng Tháp vinh dự được xếp trong nhóm 5 tỉnh, thành phố đứng đầu PCI toàn quốc.
Theo báo cáo PCI 2023, tỉnh Đồng Tháp có nhiều chỉ số thành phần tăng so với năm 2022. Trong đó, chỉ số gia nhập thị trường đạt 7,50 điểm (tăng 0,32 điểm); chỉ số tính minh bạch đạt 7,28 điểm (tăng 0,18 điểm); chỉ số chi phí thời gian đạt 8,39 điểm (tăng 0,28 điểm); chỉ số cạnh tranh bình đẳng đạt 6,72 điểm (tăng 0,39 điểm); chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp đạt 6,21 điểm (tăng 0,71 điểm); chỉ số thiết chế pháp luật, an ninh trật tự đạt 8,31 điểm (tăng 0,35 điểm).
Về Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2023, Quảng Ninh có tổng điểm của cả 4 chỉ số thành phần là cao nhất, dẫn đầu bảng xếp hạng với 26 điểm. Các vị trí tiếp theo là Đà Nẵng, Đồng Nai, Hưng Yên, TP Hồ Chí Minh. Theo đó, với 22,74 điểm, Đồng Tháp xếp vị trí thứ 18 cả nước về Chỉ số PGI năm 2023. Trong đó, các chỉ số tăng điểm là: giảm thiểu ô nhiễm môi trường và thiên tai tăng từ 3,55 lên 7,71 điểm; đảm bảo tuân thủ 4,96 lên 5,80 điểm; vai trò lãnh đạo của chính quyền tỉnh trong thúc đẩy thực hành xanh từ 3,88 lên 4,13 điểm; chính sách khuyến khích hỗ trợ dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường từ 1,98 lên 5,10 điểm.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hiệu quả là một trong những giải pháp quan trọng để thu hút nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Vì vậy, các cấp chính quyền của tỉnh luôn xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng và thường xuyên. Để thể hiện sự quyết tâm, vừa qua, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đưa chỉ tiêu về cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) vào Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.
Tỉnh cũng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo điều hành, nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Trong đó, tỉnh tập trung tháo gỡ các vướng mắc trong thực hiện dự án đầu tư; kiến nghị tháo gỡ, loại bỏ những rào cản trong đầu tư kinh doanh; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước để nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính; rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính so với quy định chung theo Luật chuyên ngành liên quan đến các lĩnh vực trọng yếu của doanh nghiệp như: Đất đai, xây dựng, thuế, tiếp cận vốn...
Để hỗ trợ doanh nghiệp, trong năm qua, UBND tỉnh triển khai 02 mô hình mới: “Không gian hành chính phục vụ” và “Lãnh đạo tỉnh gặp gỡ người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính”. Riêng mô hình “Lãnh đạo tỉnh gặp gỡ người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính”, từ khi triển khai đến nay đã tháo gỡ được rất nhiều khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính; đồng thời chỉ đạo chấn chỉnh ngay những hạn chế, thiếu sót của cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ.
Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục thực hiện đối thoại với doanh nghiệp theo hình thức mở như: mô hình “Cà phê Doanh nhân - Doanh nghiệp” được triển khai ở cấp tỉnh và cấp huyện; họp mặt doanh nghiệp, doanh nhân. Ngoài ra, UBND tỉnh còn tổ chức nhiều buổi trao đổi cùng doanh nhân tại các khu công nghiệp để lắng nghe, chia sẻ khó khăn...
Thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp kiên định quan điểm “không đánh đổi môi trường vì lợi ích kinh tế”, “kinh tế tuần hoàn - tăng trưởng xanh” cũng là một phần của slogan năm 2024 tỉnh đang theo đuổi. Do đó, công tác bảo vệ môi trường trong thu hút đầu tư luôn được tỉnh quan tâm, đặc biệt là ưu tiên thu hút dự án đầu tư có công nghệ xanh, công nghệ thân thiện môi trường, tiêu tốn ít nhiên liệu, hạn chế tác động đến môi trường. Cùng với đó, tỉnh thực thi các quy định và có các biện pháp hợp lý để đảm bảo việc tuân thủ các quy định pháp luật về môi trường mà không tạo áp lực cho doanh nghiệp; Đồng thời, chú trọng mua sắm xanh, sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường; và cuối cùng, khuyến khích “xanh hóa” mô hình sản xuất kinh doanh thông qua các mô hình kinh tế tuần hoàn, hạn chế phát thải...
“Thành công của doanh nghiệp chính là thành công của địa phương, tỉnh Đồng Tháp cam kết sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh trên quê hương Đất Sen hồng” – ông Phạm Thiện Nghĩa nhấn mạnh.
Ngay sau Lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa đã có Thư cảm ơn gửi Cộng đồng doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức Đất Sen hồng.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa đã nhấn mạnh: Trong nỗ lực “vượt sóng”, quý doanh nhân, doanh nghiệp vẫn dành nhiều tình cảm và sự quan tâm đặc biệt cho Đồng Tháp. Bằng thư này, tôi gửi đến quý doanh nhân lời cảm ơn chân thành nhất. Chính sự đánh giá khách quan, đầy trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp về môi trường đầu tư kinh doanh đã làm nên thương hiệu “Đồng Tháp PCI” khi là tỉnh duy nhất với chuỗi 16 năm liên tục trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước. Đó không những là chỉ dẫn quan trọng đối với nhà đầu tư mà còn là sự khích lệ to lớn cho cả bộ máy chính quyền tỉnh Đồng Tháp để có những cải cách phù hợp.
Trong năm 2023, Đồng Tháp đã thực hiện 02 mô hình mới là “Không gian hành chính phục vụ” và “Lãnh đạo tỉnh gặp gỡ người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính”. Qua đó, đã trực tiếp giải quyết, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Càng thấu cảm nỗi vất vả, nhọc nhằn của quý doanh nhân trong “cơn gió ngược”, càng trân quý những nỗ lực vượt bậc để duy trì sản xuất, kinh doanh, đóng góp cho sự phát triển của địa phương, chúng tôi càng quyết tâm hành động theo đúng tinh thần đồng hành và chia sẻ. Đặc biệt ở lần công bố này, chỉ số xanh (PGI) của Đồng Tháp tăng đến 24 bậc, cho thấy khả năng ứng phó giảm nhẹ và khắc phục hậu quả thiên tai cho người dân, doanh nghiệp tốt hơn.
Trên bình diện chung cả nước, công tác hỗ trợ doanh nghiệp có chuyển biến tích cực, chi phí không chính thức giảm, thủ tục gia nhập thị trường, cải cách hành chính có nhiều thuận lợi hơn. Tuy nhiên, trở ngại trong tiếp cận đất đai có dấu hiệu gia tăng, các doanh nghiệp mong muốn môi trường kinh doanh bình đẳng hơn và cần xốc lại tính năng động, tiên phong của chính quyền địa phương. Chính vì vậy, tôi kêu gọi các ngành, các cấp, tất cả cán bộ, công chức, viên chức phải tiếp tục thay đổi tư duy quản lý, tác phong làm việc, tiếp tục lan tỏa tinh thần "Đồng hành” để chuyển hoá khó khăn thành cơ hội, đáp ứng kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp, vì sự phát triển thịnh vượng của quê hương Đất Sen hồng.
Có thể bạn quan tâm