Trên tinh thần phục vụ, Cà Mau lấy sự hài lòng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp làm động lực phấn đấu phát triển.
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa tổ chức lễ công bố PCI 2023 và Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2023. Cà Mau tăng trưởng 36 bậc, vươn lên đứng ở vị trí thứ 22. Năm 2022, PCI Cà Mau đứng ở vị trí 58.
>> Cà Mau khơi thông các nguồn lực đầu tư, tạo đột phá phát triển
Tốp 30 về PCI là các địa phương được đánh giá có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất. Trong nhóm thuộc tốp 30 trên bảng xếp hạng, tại ĐBSCL có Long An đứng vị trí thứ 2, Đồng Tháp đứng vị trí thứ 5, Bến Tre đứng vị trí thứ 7, Hậu Giang ở vị trí thứ 9, TP Cần Thơ ở vị trí thứ 14. Trà Vinh xếp sau Cà Mau khi đứng ở vị trí thứ 24 và Tiền Giang ở vị trí thứ 29.
Bức tốc, vươn lên ở vị trí 22 trên bảng xếp hạng, đây là kết quả xứng đáng từ sự nỗ lực, quyết tâm bền bỉ của chính quyền các cấp tỉnh Cà Mau trong thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, phục vụ Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trên quan điểm “lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ”.
Ông Nguyễn Đức Thánh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Cà Mau cho biết, thời gian qua, Cà Mau đã tập trung chuyển tư duy nhận thức mệnh lệnh hành chính sang tư duy đồng hành cùng doanh nghiệp, tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ, đối thoại tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Đồng thời, thực hiện quyết liệt công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, tạo môi trường thân thiện, đồng hành cùng doanh nghiệp. Đặc biệt, tỉnh phát huy có hiệu quả tổ công tác đặc biệt giải quyết khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Theo ông Huỳnh Quốc Việt - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, từ kết quả Chỉ số PCI cấp tỉnh năm 2022, UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương thẳng thắn nhìn nhận những mặt còn tồn tại, hạn chế quyết liệt tập trung các giải pháp để cải thiện Chỉ số PCI cấp tỉnh năm 2023 và những năm tiếp theo.
Tỉnh tập trung các giải pháp cải thiện tính năng động của chính quyền, khắc phục chi phí không chính thức, làm tốt công tác quy hoạch... Đồng thời, nêu cao trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc cải thiện các chỉ số thành phần PCI đạt thấp; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ đồng hành cùng doanh nghiệp.
Cà Mau cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm và xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức vi phạm. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, để doanh nghiệp hiểu, đồng hành cùng chính quyền trong việc cải thiện Chỉ số PCI cấp tỉnh đảm bảo hiệu quả.
Năm 2023, kinh tế Cà Mau tiếp tục tăng trưởng nhanh, đứng thứ 3 khu vực ĐBSCL và thứ 16 cả nước. Chỉ số thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường mạng của tỉnh Cà Mau năm 2023 được đánh giá đứng đầu cả nước.
Trên cơ sở kết quả trên, năm 2024, Cà Mau tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác xây dựng và thực thi pháp luật; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát. Tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chấn chỉnh, khắc phục triệt để việc né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong thực thi công vụ; đồng thời phải bảo vệ cán bộ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Trên tinh thần phục vụ, Cà Mau lấy sự hài lòng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp làm động lực phấn đấu phát triển, luôn xem thành công của doanh nghiệp là thành công của tỉnh và khó khăn thì cùng nhau tháo gỡ, chia sẻ hài hoà.
“Cùng với tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số để rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục; hàng tuần lãnh đạo UBND tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức gặp doanh nghiệp để kịp thời lắng nghe, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; Sẽ xử lý nghiêm việc né tránh trách nhiệm, nhũng nhiễu doanh nghiệp nếu phát hiện”, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm