PCI Thái Nguyên 2023: Doanh nghiệp đánh giá thế nào?

KIM DUNG - VŨ PHƯỜNG 13/05/2024 15:11

Cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên đánh giá cao sự năng động của các cấp chính quyền, những nỗ lực cải cách hành chính để giảm chi phí thời gian, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp.

>>> PCI 2023: 8 xu hướng mới về chất lượng điều hành cấp tỉnh

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam mới đây đã công bố Báo cáo bộ Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023. Đây là ấn phẩm thường niên được VCCI thực hiện nhằm góp phần tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, hướng tới một nền kinh tế phát triển bền vững gắn với chuyển đổi kinh tế “xanh” (thông qua chỉ số xanh cấp tỉnh – PGI) tại Việt Nam.

Tỉnh Thái Nguyên vẫn tiếp đà tăng điểm trong 3 năm trở lại đây, xếp hạng 23/63, duy trì trong Top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước năm 2023.

Top 30 tỉnh/thành có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất cả nước, trong đó Thái Nguyên tiếp tục “thăng hạng” lên vị trí số 23/63 (Nguồn ảnh: VCCI)

Top 30 tỉnh/thành có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất cả nước, trong đó Thái Nguyên tiếp tục “thăng hạng” lên vị trí số 23/63 (Nguồn ảnh: VCCI)

Chính quyền năng động hơn…

“Tính năng động và tiên phong của chính quyền” là một chỉ số thành phần PCI nhằm đo lường, đánh giá chuẩn xác nhất sự linh hoạt, sáng tạo của chính quyền trong quá trình thực thi chính sách, pháp luật và giải quyết kịp thời, hiệu quả khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và người dân.

Theo VCCI, khi quyết định đầu tư vào đâu, các doanh nghiệp thường quan tâm tới 3 yếu tố chính, là: kỹ năng điều hành; hạ tầng và nguồn nhân lực; sự năng động của lãnh đạo địa phương. Vì vậy, việc chỉ số “Tính năng động và tiên phong của chính quyền” tăng hay giảm thể hiện mức độ tin tưởng của doanh nghiệp khi cân nhắc tiếp tục đầu tư mới hay đầu tư mở rộng trên địa bàn mỗi tỉnh.

Trong bối cảnh Tính năng động tiên phong của bộ máy chính quyền địa phương có dấu hiệu giảm sút so với các năm trước khi chỉ có 57,6% doanh nghiệp quan sát thấy chính quyền tỉnh có thái độ tích cực đối với khu vực tư nhân. Bên cạnh đó, có 20% doanh nghiệp cho biết phản ứng có tỉnh khi có điểm chưa rõ trong chính sách/văn bản Trung ương là “trì hoãn thực hiện và xin ý kiến chỉ đạo” hoặc “không làm gì". Vẫn có tới 44,7% danh nghiệp quan sát thấy hiện tượng “chính quyền huyện/thị xã không thực hiện đúng chủ trương, chính sách của lãnh đạo tỉnh. Đáng lưu ý, chỉ 40,8% doanh nghiệp thấy “chủ trương, chính sách của tỉnh đối với việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp là ổn định và nhất quán”.

Trong đợt khảo sát PCI lần này, tỉnh Thái Nguyên đạt 7,11 điểm, tăng 0,44 điểm so với năm 2022, cho thấy cộng đồng doanh nghiệp tư nhân vẫn đặt niềm tin cao vào việc triển khai các cam kết cải thiện môi trường kinh doanh của lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên; từ đó có những chủ trương, quyết sách đúng đắn nhằm đồng hành, hỗ trợ hơn với doanh nghiệp trong thời gian tới.

Đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp cho thấy sự năng động của lãnh đạo tỉnh và là giải pháp hữu hiệu giúp lãnh đạo tỉnh nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trên địa bàn

Đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp cho thấy sự năng động của lãnh đạo tỉnh và là giải pháp hữu hiệu giúp lãnh đạo tỉnh nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trên địa bàn

“Chi phí thời gian” thực hiện các TTHC giảm tối đa

Chỉ số thành phần “Chi phí thời gian” là một trong những yếu tố quan trọng, được quan tâm hàng đầu khi đánh giá Chỉ số PCI. Bởi không nhà đầu tư, doanh nghiệp nào muốn mất quá nhiều thời gian, sự rườm rà cho việc giải quyết các thủ tục hành chính hay công tác thanh, kiểm tra hoặc dành thời gian tìm hiểu và thực hiện những quy định pháp luật.

Trong bảng xếp hạng PCI, chỉ số này của Thái Nguyên đạt 8,35 điểm, tăng mạnh 1,82 điểm so với năm 2022. Đáng chú ý, từ năm 2020 đến nay, chỉ số “Chi phí thời gian của Thái Nguyên luôn đạt số điểm cao (năm 2020 đạt 7,70 điểm, năm 2021 đạt 7,03 điểm).

Kết quả khảo sát này cũng phản ánh những kết quả tích cực trong công tác cải cách hành chính của tỉnh Thái Nguyên thời gian qua. Trước hết, có thể thấy doanh nghiệp ghi nhận chất lượng giải quyết thủ tục hành chính ở mức độ cao. Cán bộ nhà nước giải quyết công việc hiệu quả, thân thiện, doanh nghiệp không phải đi lại nhiều lần để hoàn tất hồ sơ. Các thủ tục giấy tờ được đơn giản hóa, phí và lệ phí được niêm yết công khai,…

Đó là thành quả của một quá trình nỗ lực chuyển đổi số của các cấp chính quyền địa phương trên môi trường mạng. Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký VCCI, Giám đốc Dự án PCI cho biết, có tới 86,8% doanh nghiệp đánh giá thời gian thực hiện thủ tục hành chính được rút ngắn hơn so với quy định; 82,4% đánh giá thủ tục giấy tờ đã được đơn giản hóa; 82,5% doanh nghiệp không cần phải đi lại nhiều lần để thực hiện thủ tục. Đặc biệt, 77% doanh nghiệp cho biết việc thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến giúp tiết giảm nhiều thời gian và chi phí hơn cho doanh nghiệp so với các phương thức truyền thống.

>>> PCI - Biểu tượng của những chuyển biến lớn

>>> PCI 2023: Hiện thực cam kết tăng trưởng xanh của Việt Nam

“Chi phí không chính thức” có chiều hướng giảm

“Chi phí không chính thức” là chỉ số đo lường các chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra để chi trả các khoản không liên quan đến sản xuất, đầu tư. Đây là chỉ số khá “nhạy cảm” trong 10 chỉ số thành phần cấu thành PCI. Sự có mặt của chỉ số này là rào cản lớn trong hoạt động cải cách hành chính, là yếu tố quan trọng để nhà đầu tư, doanh nghiệp cân nhắc lựa chọn đầu tư.

Tuy nhiên, kết quả khảo sát doanh nghiệp cho thấy, các hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục có bước tiến, với điểm số Chi phí không chính thức giữ vững xu hướng cải thiện. Năm 2023, chỉ số thành phần này của Thái Nguyên đạt 7,70 điểm, tăng 0,79 điểm so với 2022. Với điểm số này, Thái Nguyên cao hơn điểm trung vị của cả nước (7,08 điểm) và cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Điều đó thể hiện tỷ lệ doanh nghiệp phải chi trả chi phí không chính thức trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư rất thấp; công tác cải cách hành chính của tỉnh đạt được những hiệu quả thiết thực khi giảm sự tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ, công chức nhà nước với doanh nghiệp thông qua Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh, Bộ phận Một cửa tại các địa phương.

Tính đến hết năm 2023, với tổng số vốn đăng ký đạt 10,72 tỷ USD, tỉnh Thái Nguyên vẫn duy trì là một trong những địa phương thu hút đầu tư FDI lớn và hiệu quả nhất các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc, là điểm sáng thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp (Nguồn ảnh: VCCI)

Tính đến hết năm 2023, với tổng số vốn đăng ký đạt 10,72 tỷ USD, tỉnh Thái Nguyên vẫn duy trì là một trong những địa phương thu hút đầu tư FDI lớn và hiệu quả nhất các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc, là điểm sáng thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp (Nguồn ảnh: VCCI)

Gia nhập thị trường ở mức ổn định

“Gia nhập thị trường” là chỉ số được xây dựng nhằm đánh giá sự khác biệt về chi phí gia nhập thị trường của các doanh nghiệp giữa các tỉnh với nhau. Một số chỉ tiêu để đánh gia chỉ số này như: Thời gian đăng ký doanh nghiệp; Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết phải sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp từ 2 lần trở lên; Thủ tục tại bộ phận Một cửa được niêm yết công khai; Hướng dẫn thủ tục rõ ràng, đầy đủ tại bộ phận Một cửa; Hướng dẫn thủ tục cấp phép kinh doanh có điều kiện là rõ ràng, đầy đủ; Thời gian thực hiện thủ tục cấp phép kinh doanh có điều kiện không kéo dài hơn so với văn bản quy định,…

Kết quả khảo sát năm 2023 của Thái Nguyên đạt 7,45 điểm, duy trì cùng mới so với năm 2022 và tăng hơn khá nhiều so với năm 2021 (6,83 điểm). Chỉ số này thể hiện các doanh nghiệp gia nhập thị trường đã thuận lợi hơn. Các doanh nghiệp tiếp tục ghi nhận những chuyển biến tích cực trong việc giải quyết thủ tục hành chính trong đăng ký doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Các doanh nghiệp cũng cho biết, doanh nghiệp được hướng dẫn thủ tục cấp phép kinh doanh có điều kiện là rõ ràng, đầy đủ; thời gian thực hiện các thủ tục không kéo dài hơn so với quy định; chi phí cấp phép kinh doanh có điều kiện không vượt quá mức phí, lệ phí được quy định trong văn bản pháp luật.

Dù vậy, theo kết quả khảo sát, doanh nghiệp mong muốn việc cấp phép kinh doanh có điều kiện cần có thêm các nỗ lực cải thiện mạnh mẽ hơn trong thời gian tới; đặc biệt cần thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp thứ 7 của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính ngày 02/02/2024, đó là tiếp tục cắt giảm các điều kiện kinh doanh không cần thiết và không khả thi, không rõ ràng, khó xác định, không phù hợp thực tiễn; bãi bỏ các loại chứng chỉ không cần thiết, thu gọn các chứng chỉ trùng lặp về nội dung…

Điểm trung vị của Chỉ số gia nhập thị trường của cả nước năm 2023 đạt 7,31 điểm.

Trong số 10 chỉ số thành phần, năm 2023, Thái Nguyên có 4 chỉ số tăng điểm, 1 chỉ số bằng điểm và 5 chỉ số giảm điểm so với năm 2022. Cụ thể, 4 chỉ số tăng điểm, gồm: Chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước; Chi phí không chính thức; Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh; Đào tạo lao động.

Chỉ số giữ điểm là Gia nhập thị trường.

5 chỉ số giảm điểm, gồm: Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất; Tính minh bạch và tiếp cận thông tin; Cạnh tranh bình đẳng; Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự.

Có thể bạn quan tâm

  • Điện Biên tăng vọt trên bảng xếp hạng PCI

    Điện Biên tăng vọt trên bảng xếp hạng PCI

    07:11, 13/05/2024

  • Thấy gì từ PCI tỉnh Thái Bình năm 2023?

    Thấy gì từ PCI tỉnh Thái Bình năm 2023?

    09:54, 12/05/2024

  • Ninh Thuận tăng 19 bậc trên Bảng xếp hạng PCI 2023

    Ninh Thuận tăng 19 bậc trên Bảng xếp hạng PCI 2023

    17:59, 10/05/2024

  • Cà Mau tăng 36 bậc trên bảng xếp hạng PCI 2023

    Cà Mau tăng 36 bậc trên bảng xếp hạng PCI 2023

    09:55, 10/05/2024

  • PCI Đà Nẵng vẫn “tụt dốc”

    PCI Đà Nẵng vẫn “tụt dốc”

    09:08, 10/05/2024

  • Tây Ninh nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố dẫn đầu chỉ số PCI 2023

    Tây Ninh nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố dẫn đầu chỉ số PCI 2023

    09:20, 10/05/2024

KIM DUNG - VŨ PHƯỜNG