Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu: Cân nhắc quy định về sử dụng công cụ phái sinh
Để phòng ngừa rủi ro về giá, góp ý xây dựng Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu, nhiều ý kiến đề nghị, cho phép thương nhân kinh doanh xăng dầu được sử dụng công cụ phái sinh…
>> Xây dựng Nghị định mới về xăng dầu: Cần duy trì động lực thị trường
Theo đó, xoay quanh nội dung Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu, bên cạnh các vấn đề liên quan đến: bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu; chi phí định mức dành cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trong cơ cấu tính giá;... nhiều ý kiến cũng dành sự quan tâm, góp ý về việc cho phép thương nhân kinh doanh xăng dầu được sử dụng công cụ phái sinh.
Cụ thể, nhiều ý kiến cho rằng, để ứng phó, phòng ngừa rủi ro biến động về giá trong hoạt động kinh doanh nói chung và trong kinh doanh xăng dầu nói riêng, hầu hết doanh nghiệp các nước phát triển thường sử dụng công cụ bảo hiểm giá (Hedging) - Giao dịch hàng hóa phái sinh. Các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, nếu không có biện pháp phòng ngừa rủi ro biến động giá trong hoạt động kinh doanh sẽ không có hiệu quả.
Chia sẻ về vấn đề đã nêu, bà Nguyễn Hà My - Trưởng Bộ phận Pháp chế, Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, trên thế giới, việc sử dụng công cụ phái sinh như: Hợp đồng kỳ hạn, Hợp đồng quyền chọn để phòng ngừa và hạn chế tối đa các rủi ro từ biến động giá hàng hóa trong hoạt động kinh doanh đã diễn ra từ rất lâu và sôi động tại hầu hết các quốc gia phát triển.
Tại Việt Nam, Luật Thương mại năm 2005 đã quy định rất rõ về việc giao dịch các Hợp đồng này trên Sở Giao dịch hàng hóa ở Việt Nam. Nhìn lại quá trình xây dựng các Nghị định về kinh doanh xăng dầu thì quyền sử dụng công cụ phái sinh để phòng vệ rủi ro về giá trong hoạt động này cũng không phải là một quy định mới mà đã được quy định tại khoản 6, Điều 9 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo đó, thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu “Được áp dụng các công cụ, nghiệp vụ phái sinh phù hợp với thông lệ quốc tế để giao dịch, mua bán xăng dầu”. Điều này một mặt khẳng định quyền kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời duy trì sự quản lý, điều tiết thị trường của nhà nước đối với mặt hàng kinh doanh có điều kiện này.
Tuy nhiên, quy định nêu trên đã bị bãi bỏ theo khoản 2 Điều 2 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 về kinh doanh xăng dầu.
“Xét từ góc độ thực tiễn thị trường, chủ trương trao quyền cho thương nhân kinh doanh xăng dầu được sử dụng các công cụ, nghiệp vụ phái sinh để giao dịch, mua bán xăng dầu hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế và nên (thậm chí là “cần”) được đưa vào quy định Dự thảo Nghị định”, bà My bày tỏ.
Đồng thời cho rằng, các quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang được quy định theo hướng “chọn-cho”, nghĩa là những cái được phép làm thì ghi trong Dự thảo Nghị định. Do vậy, việc quy định rõ trong Dự thảo Nghị định sẽ giúp cho các quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp được tường minh, để doanh nghiệp có thể yên tâm áp dụng trong thực tế kinh doanh xăng dầu, tránh tình trạng lúng túng trong áp dụng pháp luật cho cả doanh nghiệp và các cơ quan quản lý Nhà nước (đặc biệt là trong tình huống thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng dầu).
Theo bà Nguyễn Hà My, việc cho phép thương nhân kinh doanh xăng dầu được sử dụng công cụ phái sinh để phòng vệ rủi ro về giá - không chỉ giúp hỗ trợ việc kinh doanh, mang lại hiệu quả và lợi ích kinh tế cao nhất cho các thương nhân kinh doanh xăng dầu, mà còn phù hợp với quan điểm xây dựng của Dự thảo lần này, hướng tới mục tiêu “thực hiện cơ chế thị trường đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu, Nhà nước điều tiết hợp lý thông qua các công cụ thị trường”.
Đồng quan điểm đã nêu, tại tham luận góp ý Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu, chuyên gia kinh tế - PGS.TS Ngô Trí Long cũng cho rằng, trong bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới đang trải qua giai đoạn biến động mạnh, công cụ bảo hiểm giá thông qua Sở Giao dịch hàng hóa được xem là "chìa khóa" giảm thiểu rủi ro đối với ngành xăng dầu. Vì vậy, việc xây dựng khung pháp lý hoàn chỉnh về Giao dịch hàng hóa phái sinh trên thị trường tập trung trong Nghị định mới là yêu cầu cấp thiết
Theo ông Long, Bảo hiểm giá - giao dịch hàng hóa phái sinh, dựa trên nguyên tắc thỏa thuận ấn định cố định giá giao dịch cho một lô hàng tại một thời điểm trong một thời hạn nhất định, chuyển giao hàng trong tương lai. Nghiệp vụ này đặc trưng bởi việc trả thanh toán theo giá cố định và thu về giá thả nổi trên cơ sở hàng tháng trong một thời gian xác định. Ưu điểm của phương thức bảo hiểm giá này là bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp khi giá tăng. Không ảnh hưởng đến hợp đồng hàng thực đã ký với nhà cung cấp, đơn giản và dễ điều hành.
“Nếu doanh nghiệp xăng dầu sử dụng công cụ này sẽ đem lại hiệu quả trong hoạt động kinh doanh, tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp xăng dầu Việt nam chưa quan tâm đến công cụ bảo hiểm giá xăng dầu, do đây là nghiệp vụ có tính kỹ thuật, đòi hỏi năng lực, trình độ chuyên môn phân tích dự báo. Hơn nữa để sử dụng công cụ này cần có tính pháp lý cụ thể, rõ ràng để các doanh nghiệp xăng dầu thực hiện…”, ông Long chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Xây dựng Nghị định mới về xăng dầu: Cần duy trì động lực thị trường
13:38, 14/05/2024
Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu: Cân nhắc quy định về dự trữ lưu thông
03:30, 14/05/2024
Giữ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu "con dao hai lưỡi"
11:33, 09/05/2024
Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu - Cần bãi bỏ Quỹ bình ổn giá
03:30, 08/05/2024
Quỹ bình ổn giá xăng dầu, vì đâu chưa bỏ?
03:50, 08/04/2024