Số hóa du lịch

MINH CHÂU 16/05/2024 02:00

Việc ứng dụng những công nghệ mới cho ngành du lịch đã góp phần làm thay đổi diện mạo của ngành, các hoạt động du lịch ngày càng được công nghệ hóa, trở nên hiện đại và thông minh hơn.

>>Chuyển đổi số du lịch đón đầu nhu cầu

Chuyển đổi số là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước thông qua việc ban hành các văn bản, nghị quyết, trong đó nhấn mạnh ưu tiên phát triển du lịch số, du lịch thông minh là những lĩnh vực có mức độ sẵn sàng cao.

 Trải nghiệm công nghệ thực tế ảo trong du lịch của StarGlobal 3D.p/Ảnh: StarGlobal 3D

Trải nghiệm công nghệ thực tế ảo trong du lịch của StarGlobal 3D. Ảnh: StarGlobal 3D

Thay đổi xu hướng du lịch

Theo ông Lê Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Đào tạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, hiện nay du lịch thông minh bước đầu đã và đang có những dấu hiệu tích cực giúp ngành du lịch hướng đến phát triển bền vững. Theo đó, ngành du lịch, các địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn từng bước ứng dụng công nghệ thông tin để tạo ra các sản phẩm mới, đa dạng, giúp nâng cao trải nghiệm của du khách. Đối với du khách, du lịch thông minh đã giúp du khách tìm thông tin, lên ý tưởng cho chuyến du lịch cho tới việc đặt và thanh toán chi phí các dịch vụ trên môi trường số.

Sự phát triển công nghệ mới trong những năm qua đã thay đổi cách tìm kiếm, chia sẻ thông tin và tạo ra nhiều thay đổi trong hành vi của khách du lịch sự bùng nổ của các ứng dụng di động và mạng xã hội cũng tác động tích cực đến phương thức tiếp cận, chia sẻ thông tin du lịch của du khách; đến việc lựa chọn điểm đến, nơi lưu trú, địa điểm ăn uống của khách du lịch. Do vậy, du lịch thông minh trở thành một xu hướng tất yếu nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp và các điểm đến.

Một trong những giải pháp có đóng góp quan trọng vào hệ thống bản đồ số du lịch thông minh phải kể đến là Bản đồ số của Star Global 3D. Ông Trần Duy Hào - Nhà sáng lập và điều hành StarGlobal 3D chia sẻ, công nghệ được tích hợp trong hệ thống bản đồ của Star Global 3D cho phép người dùng đi sâu vào các cấu trúc, các vật thể, thay vì chỉ nhìn thấy bên ngoài. Bên cạnh đó, bản đồ số này còn tích hợp nhiều thông tin cho phép người dùng tra cứu thông tin đa nền tảng. Đặc biệt, giải pháp bản đồ mới còn có thể kết hợp giữa hình ảnh 360 panorama và đám mây điểm có tọa độ, cho phép đo chính xác kích thước của từng vật thể trong không gian 3D. Hệ thống còn có thể tích hợp cơ sở dữ liệu thông tin đa phương tiện ở nhiều dạng khác nhau như văn bản, hình ảnh, âm thanh, video, bản vẽ, mô hình 3D vào trong không gian đã được số hóa.

Trên thực tế, với nhiều tính năng ưu việt, bản đồ số hóa của đơn vị này đã được nhiều địa phương sử dụng như một giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số ngành du lịch.

Hay tại, Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã ra mắt sản phẩm công nghệ mới bằng hệ thống vé điện tử, thẻ du lịch thông minh. Đây là nỗ lực của Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số để tạo ra các sản phẩm mới hấp dẫn, nâng cao trải nghiệm của khách du lịch.

Thúc đẩy du lịch thông minh

Ông Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hoá khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám cho biết Văn Miếu là di tích đầu tiên triển khai hệ thống vé điện tử, mang đến sự thay đổi rất mạnh mẽ trong công tác phục vụ khách tham quan cũng như tạo sự minh bạch, công khai trong công tác quản lý, đặc biệt là làm cho du khách cảm thấy thuận lợi hơn khi vào thăm di tích. Cũng theo ông Kiêu, hiện Ban quản lý Văn Miếu - Quốc Tử Giám đang triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu số hóa 3D cho toàn bộ di tích. Theo đó, những hạng mục quan trọng của di tích, những hiện vật và đặc biệt là 82 bia tiến sĩ và cả những giá trị phi vật thể, những tài liệu nghiên cứu liên quan, những tác phẩm về Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng sẽ được số hóa.

“Điều này hết sức quan trọng vì đã đáp ứng cho nhu cầu của việc bảo tồn và phát huy giá trị của di tích trong thời điểm hiện nay cũng như lâu dài sau này” – ông Lê Xuân Kiêu nhấn mạnh.

Được biết, đơn vị này đang phát triển những sản phẩm trên nền tảng ứng dụng công nghệ, trong đó có hệ thống thuyết minh tự động 12 ngôn ngữ đáp ứng rất tốt nhu cầu khách tham quan. Ngoài những ngôn ngữ phổ biến như là tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung còn có những ngôn ngữ như tiếng Thái, tiếng Nhật, tiếng Italia, tiếng Đức… Thời gian tới sẽ có kính thực tế ảo, những trạm ki ốt thông tin, những ứng dụng trên điện thoại để khách có thể tự truy cập thông tin về di tích mà không cần phải có hướng dẫn viên.

Mặc dù ngành du lịch đang rất nỗ lực trong việc triển khai các giải pháp phát triển du lịch thông minh, tuy nhiên vẫn còn tồn tại, hạn chế như mức độ sẵn sàng về công nghệ để phát triển du lịch thông minh ở một số địa phương chưa cao; trình độ khoa học và công nghệ, sự tiếp cận của doanh nghiệp với du lịch thông minh còn thấp, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc chi trả cho đầu tư ứng dụng công nghệ không cao…

Để phát triển du lịch thông minh theo hướng bền vững trong thời gian tới, theo ông Lê Anh Tuấn, cần chú trọng đến nguồn lực nội tại, cơ sở hạ tầng chung, cơ chế chính sách, nguồn nhân lực... đặc biệt là hiệu quả quản lý Nhà nước về hoạt động du lịch. Ngoài ra, ngành du lịch có thể ứng dụng công nghệ số vào phát triển du lịch như: khách sạn robot, công nghệ nhận diện gương mặt - tối đa hóa trải nghiệm của du khách; những hệ thống mở cửa thông minh qua cửa tự động, check-in trong vòng 3 giây hoặc mở cửa phòng, mua hàng và thanh toán bằng… nụ cười. Khi những ứng dụng công nghệ này được ứng dụng hiệu quả sẽ giúp ngành du lịch tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao nâng lực cạnh tranh, công tác quản lý...

Có thể bạn quan tâm

  • Xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh

    Xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh

    02:00, 18/04/2024

  • Quảng Ninh: Đưa công nghệ số để phát triển du lịch thông minh

    Quảng Ninh: Đưa công nghệ số để phát triển du lịch thông minh

    00:06, 08/04/2024

  • Ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển du lịch thông minh

    Ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển du lịch thông minh

    12:17, 02/12/2023

MINH CHÂU