Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu: Cần hướng đến mục tiêu ổn định thị trường

GIA NGUYỄN 16/05/2024 04:00

Góp ý xây dựng Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng, chuyên gia cho rằng, ngoài mục tiêu “hài hòa lợi ích”, cần phải hướng đến mục tiêu cao hơn là ổn định thị trường…

>> Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu: Cân nhắc quy định về sử dụng công cụ phái sinh

Theo đó, Bộ Công Thương đang chủ trì soạn thảo Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu để thay thế Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu và các Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP (Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 80/2023/NĐ-CP).

Nội dung Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu được cho tập trung vào các quy định liên quan đến: nguyên tắc điều hành, thời gian điều chỉnh giá xăng dầu; giá bán xăng dầu tối đa; quỹ bình ổn giá xăng dầu; hệ thống kinh doanh xăng dầu; tỷ lệ sở hữu vật chất kinh doanh; điều kiện đối với thương nhân đầu mối kinh doanh (kinh nghiệm, năng lực thực hiện tổng nguồn xăng dầu, kho chứa);…

Nội dung được sửa đổi, bổ sung lần này được cho tập trung vào các quy định liên quan đến: nguyên tắc điều hành, thời gian điều chỉnh giá xăng dầu; giá bán xăng dầu tối đa; quỹ bình ổn giá xăng dầu;... - Ảnh minh họa: ITN

Nội dung Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu được cho tập trung vào các quy định liên quan đến: nguyên tắc điều hành, thời gian điều chỉnh giá xăng dầu; giá bán xăng dầu tối đa; quỹ bình ổn giá xăng dầu;... - Ảnh minh họa: ITN

Để đảm bảo hài hòa lợi ích cho người tiêu dùng, doanh nghiệp sử dụng xăng dầu và doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu; gắn trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho nhu cầu tiêu thụ nội địa; giảm sự can thiệp của Nhà nước vào hoạt động kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp và xây dựng môi trường cạnh tranh;… góp ý Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu, nhiều ý kiến đề xuất, Dự thảo chính sách cần phải hướng đến mục tiêu cao hơn là ổn định thị trường…

Nhìn nhận về Dự thảo Nghị định, chuyên gia kinh tế - TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, câu chuyện về quản lý kinh doanh xăng dầu không phải là mới, mà là “câu chuyện đã nói suốt hơn 20 năm qua”. Sửa Nghị định không chỉ là đạt mục tiêu “hài hòa lợi ích” các bên mà còn phải hướng đến mục tiêu cao hơn là ổn định thị trường xăng dầu, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

“Tôi mong rằng việc sửa Nghị định lần này sẽ sát với thị trường hơn, "chiếc áo mới" sẽ phù hợp hơn”, TS Vũ Đình Ánh bày tỏ.

>> Xây dựng Nghị định mới về xăng dầu: Cần duy trì động lực thị trường

Góp ý Dự thảo, chuyên gia, ngoài mục tiêu “hài hòa lợi ích”, cần phải hướng đến mục tiêu cao hơn là ổn định thị trường - Ảnh minh họa: ITN

Góp ý Dự thảo, chuyên gia cho rằng, ngoài mục tiêu “hài hòa lợi ích”, cần phải hướng đến mục tiêu cao hơn là ổn định thị trường - Ảnh minh họa: ITN

Xoay quanh nội dung Dự thảo, góp ý xây dựng, hoàn thiện, ông Trịnh Quang Khanh - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) cho rằng, Dự thảo có nhiều điều khoản chung chung. Nhiều quy định về kinh doanh cần được xem xét, sửa đổi, bổ sung, thay thế để đáp ứng thực tiễn hiện nay cũng như xu thế phát triển trong thời gian tới.

“Đơn cử, quy định, cơ sở kinh doanh xăng dầu, nhân viên kinh doanh xăng dầu phải bảo đảm quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy và bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động. Những quy định này không rõ ràng, doanh nghiệp có thể bị phạt bất cứ lúc nào khi có đoàn kiểm tra. Ban soạn thảo nên cân nhắc gỡ bỏ để giảm gánh nặng, khó thực thi đối với doanh nghiệp”, ông Trịnh Quang Khanh bày tỏ.

Cùng với vấn đề đã nêu, Dự thảo Nghị định cũng quy định thương nhân phân phối xăng dầu chỉ được mua xăng dầu từ thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, không được mua bán xăng dầu lẫn nhau. Theo chuyên gia, điều này sẽ hạn chế tính kinh tế thị trường đối với doanh nghiệp.

Theo ông Hoàng Trung Dũng - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ (APP), Dự thảo Nghị định cho đầu mối được mua từ nhiều nguồn nhưng lại chỉ cho thương nhân phân phối được mua từ các đầu mối. Giống như cuộc đua chuột, chỉ có chạy theo một đường thẳng.

“Vậy chúng tôi cạnh tranh kiểu gì, khi chỉ được mua từ đầu mối và mua kiểu gì khi năm 2022 - 2023, các đầu mối không nhập khẩu, chúng tôi gọi điện khắp nơi mà không có nguồn, dẫn đến đứt gãy nguồn cung? Tại sao không cho thương nhân phân phối mua lẫn nhau cũng như mua trực tiếp từ các nhà máy lọc dầu?” - ông Dũng đặt vấn đề.

Từ đó đề nghị, cần nghiên cứu thành lập sàn giao dịch xăng dầu một cách công khai minh bạch như sàn cà phê… giúp thương nhân phân phối căn cứ vào giá chốt hàng.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Thập – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang cũng cho rằng, các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối (cả nhập khẩu và sản xuất) là đơn vị tạo nguồn tồn dự trữ quốc gia để cung ứng cho khâu bán thương mại, bán tiêu dùng. Các đầu mối này không bán cho đại lý vì đã thông qua thương nhân phân phối. Nhưng lúc khan hiếm hàng hóa thì đầu mối chỉ tập trung cho hệ thống của mình mà ít chia sẻ nguồn cung cho thương nhân phân phối và đối tượng khác.

Trong khi đó, thương nhân phân phối là đơn vị ký hợp đồng bao tiêu cho doanh nghiệp đầu mối để phân phối ra thị trường chính là kênh phân phối có đủ nguồn lực tài chính, kinh nghiệm quản lý xăng dầu và thị trường khách hàng… nên đáp ứng kịp thời nguồn cung cho thị trường rộng khắp từ vùng sâu, vùng xa, nơi khó khăn đi lại, giao thông vận tải được mua hàng của các đầu mối và được mua hàng của thương nhân phân phối với nhau.

Từ phân tích này, ông Thập kiến nghị, giữ nguyên quy định thương nhân phân phối xăng dầu theo khoản 12 Điều 1 Nghị định 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021: “được mua xăng dầu từ nhiều thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu khác theo hợp đồng mua bán xăng dầu”.

Đồng thời đề xuất, cần có chính sách ưu đãi của Nhà nước về tín dụng cho doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối để dự trữ hàng hóa theo quy định để đáp ứng nhu cầu thị trường, chống đứt gãy nguồn cung.

Có thể bạn quan tâm

  • Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu: Cân nhắc quy định về sử dụng công cụ phái sinh

    Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu: Cân nhắc quy định về sử dụng công cụ phái sinh

    04:00, 15/05/2024

  • Xây dựng Nghị định mới về xăng dầu: Cần duy trì động lực thị trường

    Xây dựng Nghị định mới về xăng dầu: Cần duy trì động lực thị trường

    13:38, 14/05/2024

  • Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu: Cân nhắc quy định về dự trữ lưu thông

    Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu: Cân nhắc quy định về dự trữ lưu thông

    03:30, 14/05/2024

  • Giữ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu

    Giữ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu "con dao hai lưỡi"

    11:33, 09/05/2024

  • Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu - Cần bãi bỏ Quỹ bình ổn giá

    Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu - Cần bãi bỏ Quỹ bình ổn giá

    03:30, 08/05/2024

GIA NGUYỄN