Quyền năng của "tính nữ"
Thời kỳ 5.0 được coi là một giai đoạn nối tiếp của 4.0, khi mà thế giới công nghệ ngày càng mang tính “người”, đề cao các giá trị nhân văn – thẩm mỹ.
>>Sức mạnh và sự sáng tạo của doanh nhân nữ
Do vậy, đây là thời kỳ mà “tính nữ” được cho là quay trở lại, với một phiên bản Công – Dung – Ngôn – Hạnh hiện đại hơn.
Công – Dung – Ngôn – Hạnh, còn gọi là Tứ Đức, là 4 chuẩn mực đạo đức cơ bản của người phụ nữ trong thời phong kiến. Ở thời hiện đại, có nhiều luồng ý kiến cho rằng những giá trị “tam tòng”, “tứ đức” chính là “vòng kim cô” cản trở sự phát triển của phụ nữ. Nhưng ngay bản thân phái đẹp, nhiều người vẫn cho rằng Tứ Đức chính là khuôn mẫu – là định hướng để người phụ nữ có thể hoàn thiện, trở thành phiên bản tốt đẹp hơn của chính mình. Điều quan trọng là cách hiểu về Tứ Đức đã có những sự mềm mại, linh hoạt hơn để phù hợp với thời đại 5.0.
Bàn về chữ Hạnh
Dù xưa hay nay, chữ “Hạnh” vẫn là một đức tính rất đặc trưng của phụ nữ và có thể coi là phẩm chất mang “tính nữ” nhất trong Tứ Đức. Trong xã hội phong kiến, phụ nữ không có trách nhiệm nhiều với công việc xã hội, kinh tế hay chính trị mà vai trò chủ yếu là ở trong gia đình: làm mẹ, làm vợ hiền, dâu thảo. Sự hi sinh vì gia đình, chồng con luôn là yếu tố được chú trọng.
Cho tới tận thời hiện đại, khi người phụ nữ đã tham gia nhiều hơn vào các công việc xã hội, thậm chí có những người có quyền cao – chức trọng thì trong gia đình, họ vẫn phải tuân thủ một hình mẫu khắt khe như trước. Hiểu chữ “Hạnh” với ý nghĩa là sự gương mẫu, hi sinh, quên mình là điều khiến cho đã từng có lúc, trong xã hội hiện đại, chữ “Hạnh” bị “anti”. Người phụ nữ không còn muốn bị bó buộc, phải hi sinh, đánh mất bản thân mình vì những ràng buộc vô lý.
Tuy nhiên, trở về gốc ý nghĩa của chữ Hạnh theo nghĩa Hán – Việt, chúng ta sẽ thấy khía cạnh tốt lành và lý do tại sao đây lại là một phẩm chất đặc trưng cho “tính nữ”. Hạnh tức là may mắn, phúc lộc, phước lành – trong chữ Hạnh Phúc. Khi nói về khía cạnh đạo đức, đại diện cho tính nết con người thì đây là từ dùng để chỉ sự nết na, thanh lịch, tâm tính hiền hoà, nhân hậu… Hạnh – mang đến sự hài hoà, bình yên, mạnh mẽ như nước và cũng mềm mại như nước – đó cũng là điều mà những người phụ nữ đích thực đều muốn hướng tới, là sức mạnh mà mọi phụ nữ đều muốn sở hữu.
Có lẽ đó cũng chính là lý do mà, sau giai đoạn Covid-19, khi xã hội có thời gian chậm lại, nhìn nhận lại về các giá trị nhân văn, chữ “Hạnh” lại được đề cao với phụ nữ. Trước tiên là ở khía cạnh Hạnh Phúc – yêu thương, chăm sóc bản thân, sống an hoà với chính mình. Người phụ nữ sở hữu chữ “Hạnh” 5.0 hiểu rằng, bản thân mình an ổn, hạnh phúc, thì mới có thể chăm sóc cho gia đình, mới có thể cống hiến cho xã hội. Và lúc đó, họ sẵn sàng trao đi một cách hào phóng và an vui, chứ không phải là hi sinh.
Dung – Ngôn ở những góc nhìn mới
Cũng tương tự với “Hạnh”, các khái niệm về Công – Dung – Ngôn của thời đại 5.0 cũng có nhiều thay đổi. Khi bản thân người phụ nữ đã có những góc nhìn mới về giá trị của bản thân mình, thì suy nghĩ về “Dung” – nhan sắc cũng trở nên phong phú hơn. Với người phụ nữ xưa, những tính từ như thuần khiết, dịu dàng, thuỳ mị, thanh lịch là từ thường được dùng cho “dung mạo” của phụ nữ, bao gồm cả dáng vẻ lẫn thần thái. Phái đẹp vốn được mặc định là “liễu yếu đào tơ” nhưng lại phải gồng gánh một nội lực mạnh mẽ để cam chịu, để hi sinh.
Thời nay, với chữ “Dung” hiện đại, sức khoẻ là yếu tố được đặt lên hàng đầu. Người phụ nữ hiện đại rất quan tâm đến sức khoẻ dẻo dai, từ một hình thể khoẻ khoắn cho đến một phong thái tự tin. Phái đẹp không ngại phô diễn hình thể, tất nhiên là một cách tinh tế. Chữ “Dung” từ khoé mắt nụ cười đã chuyển đổi trạng thái từ nhẫn nại, cam chịu sang tự chủ, thấu mình hiểu người. Chữ “Dung” từ dáng vẻ cũng đã chuyển đổi nhỏ nhắn, nhu mì, thường có xu hướng hơi cúi đầu, sang thẳng dáng đứng, thẳng mắt nhìn, quyết đoán mà vẫn thanh lịch, biết mình biết ta. Chữ “Dung” - vẻ đẹp mới, ở khía cạnh nào, dù mềm mại, xinh xắn, hay trí thức, thanh lịch, hay bốc lửa, mạnh mẽ, cũng đều bao hàm sự thấu hiểu và tự tin.
Cũng như vậy với chữ Ngôn – vốn được hiểu là lời ăn tiếng nói nhỏ nhẹ, nhã nhặn, kín đáo,… kết hợp với cử chỉ phù hợp, thể hiện sự thanh lịch, đoan trang, thông minh, khôn khéo. Chữ “Ngôn” chuẩn mực đâu đó có sự khép mình. Chữ “Ngôn” trong giai đoạn mới cũng đã có sự thay đổi, theo chiều hướng cởi mở hơn, tự tin hơn, mạnh mẽ hơn. Đó là những tiếng nói có trọng lượng, tác động tới sự phát triển của xã hội. Những tiếng nói tự chủ, quyết đoán trong môi trường công sở từ những lãnh đạo nữ tài ba. Những tiếng nói bình đẳng nhưng không kém phần yêu thương, dịu dàng của người mẹ, người vợ trong gia đình.
Chữ “Ngôn” cũng không chỉ bó gọn trong giao tiếp trực tiếp ở phạm vi hẹp, trong gia đình – dòng tộc, làng xóm… mà đã trở thành giao tiếp xã hội, đặc biệt là trên môi trường online cởi mở. Những tiếng nói chủ động, có trách nhiệm trên các môi trường truyền thông, khẳng định vị thế của người nữ trong thời đại 5.0.
Chữ “Công” x3 của thời đại mới
Nguyên gốc chữ “Công” của Tứ Đức được hiểu là nữ công gia chánh, tức là một người phụ nữ biết nội trợ, biết may vá thêu thùa và chăm sóc, nuôi dạy con cái. Trong thời kỳ chiến tranh, chữ “Công” gắn liền với phong trào Phụ nữ 3 đảm đang: trong gia đình, trong sản xuất tập thể và cả trong chiến đấu nếu cần thiết. Trong thời kỳ bình, những thập niên 70-80-90 của thế kỷ trước, chữ “Công” gắn với người phụ nữ điển hình được mô tả trong khái niệm phụ nữ “Giỏi việc nước – Đảm việc nhà”.
Vậy còn chữ “Công” cập nhật nhất được phái đẹp hiểu như thế nào? Cùng với những chuyển biến của xã hội, sự nhìn nhận lại về giá trị bản thân của mỗi con người, cũng như sự hỗ trợ đắc lực của các công nghệ hiện đại đáp ứng sự phát triển của công việc – sự nghiệp. Chữ “Công” với phụ nữ thế hệ mới đầu tiên được hiểu là “Giỏi việc mình”.
Môi trường kinh tế - xã hội, và đặc biệt là công nghệ hiện tại đang mở ra cho người phụ nữ rất nhiều cơ hội phát triển bản thân – sự nghiệp, mà không phải đánh đổi sức khoẻ hay gia đình. Phụ nữ có nhiều lựa chọn, công việc – sự nghiệp cố định tại các tổ chức; hay các công việc tự do phát triển dựa trên năng lực – tài năng tự thân, đều mang đến những cơ hội thành công như nhau.
Chữ “Công” trong môi trường gia đình cũng không còn gói gọn ở nữ công gia chánh, cơm nước giặt giũ… Khi các thiết bị gia dụng cũng như các dịch vụ hỗ trợ ngày càng phát triển, chữ “Công” trong gia đình của người phụ nữ cũng đã được “nâng tầm” với khả năng cân đối dinh dưỡng, chi tiêu thông minh, quản trị tài chính gia đình, tham gia hoạch định và hỗ trợ sự phát triển của các thành viên khác.
Và cuối cùng, là chữ “Công” trong sự đóng góp cho xã hội. Có thể thấy rằng phụ nữ ngày càng có vai trò quan trọng trong các tổ chức, trong các phong trào, trong sự phát triển chung của kinh tế - xã hội. Tỷ lệ lãnh đạo nữ trong các tổ chức – doanh nghiệp, thậm chí là ở tầm cỡ quốc gia, cũng ngày một tăng cao.
Tuy nhiên, dù ở bất kỳ công việc – vai trò nào, chỉ cần quay về với chữ “Hạnh” trong một cách hiểu mới, người phụ nữ thời đại 5.0 cũng đều có cơ hội “sống” một cách vẹn tròn với tất cả phẩm hạnh, giá trị và tài năng.
Có thể bạn quan tâm