Đại học đổi mới sáng tạo: Động lực thúc đẩy tăng trưởng của mỗi quốc gia

NHƯ NGỌC 20/05/2024 09:31

Xu thế toàn cầu hóa và làn sóng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các trường đại học đã và đang trở thành nguồn sáng tạo và trung tâm của hoạt động đổi mới.

>>>Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp học sinh sinh viên

Vai trò của khoa học công nghệ và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ngày càng trở nên quan trọng trong thúc đẩy tăng năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Trên thế giới các trường đại học đóng vai trò chủ chốt, tiên phong đi đầu trong hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, là nơi sáng tạo tri thức từ đó ứng dụng trong mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội thông qua các cơ chế khác nhau như: Đào tạo, bồi dưỡng cung cấp nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng thích hợp đáp ứng nhu cầu xã hội; Nghiên cứu, sáng tạo làm thúc đẩy sự phát triển của tri thức khoa học - kỹ thuật và sự tiến bộ xã hội; Chuyển giao tri thức, ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học, ĐMST vào thực tiễn.

Chính vì vậy, sự phát triển khoa học công nghệ trong các trường đại học là động lực thúc đẩy tăng trưởng, dẫn dắt sự phát triển của mỗi quốc gia.

Việt Nam đang trải qua một giai đoạn phát triển đầy thách thức và cơ hội. Với việc chuyển đổi từ mô hình kinh tế truyền thống sang nền kinh tế tri thức và sáng tạo, vai trò của giáo dục đại học, đặc biệt là đại học đổi mới sáng tạo, trở nên ngày càng quan trọng. Trên con đường này, không chỉ là việc trang bị kiến thức chuyên môn mà còn là việc thúc đẩy tinh thần đổi mới, sáng tạo, và khả năng ứng dụng kiến thức vào thực tiễn.

Môi trường đại học chắc chắn phải là một nguồn đổi mới có hệ thống và có một số điều kiện tiên quyết để hình thành ý tưởng mới, tạo ra sản phẩm mới và chuyển giao kiến thức từ khoa học hàn lâm sang lĩnh vực thực tế của nền kinh tế. Trường đại học đóng vai trò là nhà cung cấp kiến thức và kỹ năng mới để phát triển khả năng sáng tạo và sẵn sàng đổi mới của sinh viên, nhà khoa học. Các trường đại học trở thành trung tâm của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo thông qua hợp tác tích cực giữa giáo dục, khoa học và kinh doanh thương mại.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 109/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 quy định về hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học. Nghị định này đã tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc và giải quyết các vấn đề về tổ chức và quản lý hoạt động KHCN và ĐMST, nhóm nghiên cứu và nhóm nghiên cứu mạnh, phát triển tiềm lực KHCN trong cơ sở giáo dục đại học.

Đặc biệt là, Nghị định quy định, cơ sở giáo dục đại học được thành lập doanh nghiệp theo pháp luật về doanh nghiệp, phù hợp với định hướng phát triển của cơ sở giáo dục đại học. Đây là tiền đề để thúc đẩy việc gắn kết đào tạo, nghiên cứu khoa học với khởi nghiệp, sở hữu trí tuệ, chuyển giao, thương mại hoá trong trường đại học.

Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá cơ sở giáo dục đại học khởi nghiệp, ĐMST bao gồm: cơ chế, chính sách, công tác quản lý, phát triển đội ngũ chuyên trách, thúc đẩy khởi nghiệp, ĐMST gắn với hoạt động KHCN, đào tạo, ươm tạo, kết nối các nguồn lực trong và ngoài trường bao gồm cả nguồn lực quốc tế, tạo ra môi trường thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, ĐMST trong giảng viên, sinh viên.

Bộ tiêu chí được kỳ vọng là cơ chế quan trọng để đánh giá, ghi nhận nỗ lực và kết quả của các cơ sở giáo dục đại học trong hoạt động KHCN, ĐMST và hỗ trợ khởi nghiệp; giúp các đơn vị tự đánh giá các hoạt động của mình từ đó định hướng và tổ chức triển khai tốt hoạt động thúc đẩy KHCN, ĐMST, khởi nghiệp góp phần nâng cao uy tín, vị thế nhà trường.

Bộ tiêu chí cũng sẽ giúp cơ quan quản lý nhà nước đánh giá kết quả và tác động của các cơ chế, chính sách đối với các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, ĐMST, từ đó, tiếp tục nghiên cứu, tham mưu sửa đổi, bổ sung và ban hành các chính sách bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hơn.

Đồng thời, sẽ hỗ trợ các bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước và các địa phương đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ sở giáo dục đại học trong việc triển khai các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, ĐMST, phát triển các đề tài/dự án nghiên cứu.

Bộ tiêu chí còn hướng tới hỗ trợ các nhà quản lý giáo dục, giáo viên các trường phổ thông, học sinh và các bậc phụ huynh tham khảo trong công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp.

Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, hoạt động KHCN & ĐMST trong các cơ sở giáo dục đại học đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp tích cực vào thành công chung của ngành Giáo dục; giúp nâng cao chất lượng, vị thế và uy tín của giáo dục Việt Nam không chỉ ở tầm khu vực mà cả bình diện quốc tế.

Tuy nhiên, để hình thành và phát triển các đại học định hướng nghiên cứu và ĐMST, để giáo dục đào tạo và KHCN là quốc sách hàng đầu, dẫn dắt sự phát triển quốc gia như kỳ vọng của Đảng và Nhân dân thì vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập cần tiếp tục được sửa đổi, hoàn thiện thêm.

Có thể bạn quan tâm

  • Trao cơ hội cho doanh nghiệp khởi nghiệp kết nối đầu tư

    Trao cơ hội cho doanh nghiệp khởi nghiệp kết nối đầu tư

    10:53, 18/05/2024

  • Vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo

    Vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo

    06:27, 17/05/2024

  • Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp học sinh sinh viên

    Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp học sinh sinh viên

    15:36, 16/05/2024

NHƯ NGỌC