Các doanh nghiệp khởi nghiệp hiện vẫn còn nhiều hạn chế về công nghệ, nhân lực cho việc sản xuất, chế biến và tìm đầu ra cho thị trường.
Theo Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KH&CN, Việt Nam hiện có khoảng 3.800 startup, trong đó có 11 startup được định giá trên 100 triệu USD và 3 startup được định giá trên 1 tỉ USD. Hiện, có 208 quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động và đầu tư cho các startup tại Việt Nam. Các con số này vẫn không ngừng tăng lên hàng năm. Điều đó cũng đã khẳng định được sức bật mạnh mẽ sẵn sàng khởi nghiệp ở lực lượng trẻ.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp, dự án cá nhân khởi nghiệp còn gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình tiếp cận quỹ tín dụng, tìm kiếm đầu ra, đưa sản phẩm gần hơn với khách hàng. Bên cạnh đó, những hạn chế về công nghệ cũng là nguyên nhân dẫn đến chi phí sản xuất cao, hao phí thời gian để tìm công thức phù hợp nhất với thị trường.
Chia sẻ với DĐDN, ông Nguyễn Đức Tình - Hợp tác xã nấm Thanh Yên, xã Trung Dũng, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên cho biết: “Trong quá trình tạo ra các sản phẩm từ các thành phần có nguồn gốc tự nhiên, chúng tôi gặp nhiều khó khăn cả về công nghệ và tài chính. Về bản chất, chúng tôi không phải là dân chuyên về công nghệ thực phẩm nên phát sinh nhiều khó khăn trong quá trình kết hợp các vị với nhau để tạo ra sản phẩm cuối cùng làm hài lòng khẩu vị của hầu hết người tiêu dùng. Chúng tôi phải thử đi thử lại nhiều lần để đưa ra thị trường sản phẩm chất lượng cao nhất. Song, để làm được điều đó, chúng tôi cũng mất nhiều thời gian, chi phí thực hiện”.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp, dự án khởi nghiệp chật vật trong việc tiếp cận các doanh nghiệp lớn, các công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Điều này cũng phần nào khiến các doanh nghiệp vất vả trong quá trình mở rộng thị trường, kết nối đầu tư, tìm kiếm đối tác công nghệ hợp tác phát triển, góp phần tạo ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng đang ngày càng khó tính.
Cũng theo ông Tình, hàng năm, các mặt hàng của doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường nước ngoài như Nga và Trung Quốc với số lượng lớn, trung bình từ 4-6 xe contener/năm. Đây cũng là hai thị trường “dễ tính, dễ tiếp cận” với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Còn đối với thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản, đây thực sự là hai thị trường khó tiếp cận và gặp nhiều khó khăn trong quá trình đưa sản phẩm của doanh nghiệp đến gần với người tiêu dùng.
Ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) chia sẻ: “Các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Hàn Quốc, Singapore làm rất tốt, nhưng ở Việt Nam là thách thức vô cùng lớn. Các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ có rất nhiều sản phẩm hay nhưng lại không tìm được đầu ra vì chi phí tiếp cận thị trường, phát triển thị trường, gây dựng thương hiệu có chi phí rất cao, ngoài tầm với doanh nghiệp khởi nghiệp”.
Theo các chuyên gia nhận định, các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam có đủ năng lực nhưng lại đang thiếu những cơ hội tiếp cận và giới thiệu các sản phẩm đến gần với các đối tác, khách hàng. Chính vì vậy, cần phải nhanh chóng có các biện pháp giải quyết, hỗ trợ tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm của doanh nghiệp khởi nghiệp, đưa sản phẩm đến rộng rãi hơn với thị trường trong và ngoài nước.
Lãnh đạo các sở, ban ngành quyết tâm giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp “đứng trên vai người khổng lồ”, khai thác thị trường có sẵn từ các doanh nghiệp lớn hơn. Nguồn lực, hệ sinh thái của họ là đầu ra vô cùng quan trọng. Các doanh nghiệp lớn sẽ là những người đặt hàng sử dụng đầu tiên, những nhà đầu tư quan trọng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Việc mở đường với các doanh nghiệp lớn, lại giỏi về công nghệ ở trong và ngoài nước sẽ mở ra thêm vô vàn cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Đây cũng là đòi hỏi thiết thực đặt ra đối với các cấp trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển lớn mạnh. Thông qua các chương trình hội nghị kết nối đầu tư, các doanh nghiệp cũng có thêm những cơ hội để học hỏi, trao đổi thêm về đổi mới sáng tạo công nghệ với các doanh nghiệp khởi nghiệp khác, góp phần tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng thêm nguồn thu ngân sách.
Ông Quất cho biết thêm: “Trong năm 2024, chúng tôi ra tiếp một nhiệm vụ là phát triển thị trường cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thông qua sự kết nối giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ với các doanh nghiệp lớn hơn, cùng với sự hỗ trợ của các ban ngành cơ quan nhà nước”.
Còn theo bà Phạm Thị Sen Quỳnh - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Hải Phòng: “UBND TP Hải Phòng và Sở Khoa học và Công nghệ thành phố đã triển khai các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, xây dựng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố giai đoạn 2017-2020 và giai đoạn 2021-2025 được triển khai thực hiện để tạo nên hệ sinh thái khởi nghiệp của thành phố tương đối năng động và đạt được những thành tựu nhất định. Đặc biệt, TP Hải Phòng đang đẩy mạnh công tác tìm kiếm, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài thành phố, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư trực tiếp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Qua đó, đã dần hình thành và phát triển mạng lưới nhà đầu tư cho các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố, tìm kiếm kết nối khách hàng để mua hoặc đặt hàng các sản phẩm các dịch vụ, các giải pháp công nghệ của các công ty khởi nghiệp”.
Có thể bạn quan tâm