TP.HCM: Ách tắc tiền sử dụng đất đẩy nhiều dự án nhà ở vào thế khó
Theo thống kê mới nhất, đến thời điểm hiện tại tồn đọng do chưa xác định được giá đất trên địa bàn TP.HCM đã lên tới gần 200 hồ sơ, có dự án 29 lần ra thông báo vẫn chưa tìm được đơn vị thẩm định.
>>Bất cập trong thẩm định giá
Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM vừa phát đi thông báo công khai, mời chào cạnh tranh đơn vị tư vấn thẩm định giá cho nhiều địa chỉ nhà, đất. Trong đó, đáng chú ý nhiều dự án đã có thư mời hàng chục lần vẫn không tìm được đơn vị thẩm định.
Chờ... cả thập kỷ
Đơn cử, dự án khu đất có diện tích 59.530m2 tại số 2 đường Phan Văn Hớn (huyện Hóc Môn) được quy hoạch đầu tư xây dựng nhà ở, do Công ty CP Đầu tư và Xây dựng An Thịnh làm chủ đầu tư vừa được phát đi thư mời thẩm định lần thứ 27. Được biết, dự án này được phê duyệt từ năm 2010, tuy nhiên đến việc chưa xác định được giá đất cụ thể để chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Trường hợp tương tự cũng xảy ra với khu đất ở xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn của Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Thành Chính được phê duyệt từ năm 2011 nhưng đến nay vẫn chưa xác định được giá đất để Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Thành Chính thực hiện nghĩa vụ tài chính. Theo đó mới đây Sở Tài nguyên & Môi trường TP.HCM tiếp tục thông báo mời chào thẩm định giá.
Thực tế, theo thống kê của Sở này, trên địa bàn TP hiện tồn gần 200 hồ sơ, bao gồm cả những hồ sơ xác định giá để thực hiện nghĩa vụ tài chính lần đầu và những hồ sơ phải xác định giá để xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung do được cơ quan nhà nước cho thay đổi chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc làm phát sinh nghĩa vụ tài chính.
Một thống kê trước đó của Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM cũng chỉ ra hơn 81.000 căn hộ tại 335 dự án trên địa bàn cũng đang chưa được cấp sổ hồng, trong đó có các nguyên nhân đang chờ xác minh nghĩa vụ tài chính; thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung.
Sở này cũng thừa nhận, việc ách tắc thẩm định giá đất đã dẫn tới hàng trăm dự án bất động sản trên địa bàn thành phố đang trong tình trạng “đóng băng” hoặc tạm dừng thủ tục pháp lý.
Quá trình xác định giá đất bị kéo dài nhiều năm làm tăng chi phí đầu tư, kéo theo giá bất động sản tăng, vượt quá khả năng của người dân có nhu cầu về nhà ở, làm cho tình hình nhà ở đô thị vốn còn hạn chế càng trở nên căng thẳng hơn.
>>Cân nhắc việc đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động thẩm định giá
Cần sớm ban hành Nghị định về giá đất
Liên quan đến thực trạng trên, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng đang tồn tại hàng loạt bất cập xảy ra với các phương án định giá đất đang áp dụng hiện nay.
Thứ nhất, ở bước định giá đất, Sở Tài nguyên Môi trường đấu thầu thuê đơn vị tư vấn định giá đất phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường. Nhưng hiện nay, nhiều đơn vị tư vấn từ chối không tham gia định giá đất, do sợ "rủi ro".
Thứ hai, bước thẩm định giá đất, Sở Tài nguyên Môi trường trình Hội đồng thẩm định giá đất cấp tỉnh, thành phố (do Chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phố làm Chủ tịch Hội đồng, Giám đốc Sở Tài chính làm Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng) thẩm định giá đất, để UBND cấp tỉnh ban hành quyết định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của dự án.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch HoREA, quy trình trên có thể gây ra "rủi ro pháp lý" cho cán bộ, công chức, viên chức nhà nước và người liên quan, đồng thời mất nhiều thời gian mà vẫn không đạt được kết quả tin cậy trong tính "tiền sử dụng đất, tiền thuê đất".
Do đó, HoREA cho rằng cần nhanh chóng điều chỉnh lại quy định về giá đất để sát hơn với thực tiễn, ban hành Nghị định quy định về giá đất theo Luật Đất đai 2024, trong đó quy định rõ về quy trình thẩm định giá đất để các địa phương dễ dàng trong áp dụng, tính đúng, tính đủ giá đất.
Có thể bạn quan tâm
Nên quy định rõ trách nhiệm đối với tổ thẩm định giá, chuyên gia thẩm định giá
15:22, 05/04/2023
Thẩm định giá tài sản dễ dàng với ứng dụng "check" quy hoạch mới
10:23, 05/12/2022
Bất cập trong thẩm định giá
03:00, 07/11/2022
Vi phạm thẩm định giá: Cần bổ sung chế tài hình sự
11:00, 24/07/2022
Bịt “kẽ hở” thẩm định giá
03:50, 12/05/2022