Nghệ An tăng cường quản lý khai thác khoáng sản
Hoạt động khai thác khoáng sản ở Nghệ An diễn ra một cách ồ ạt đã kéo theo nhiều hệ lụy khác nảy sinh, nhất là sự suy kiệt nguồn tài nguyên ngày càng trở nên hiện hữu…
Bởi vậy, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản là một trong những nhiệm vụ quan trọng được các cấp chính quyền tỉnh Nghệ An đề ra để tập trung triển khai thực hiện nhằm bảo vệ, khai thác và sử dụng một cách hiệu quả, hợp lý; góp phần vào sự phát triển kinh tế chung của toàn tỉnh.
Còn hạn chế, bất cập
Theo kết quả điều tra địa chất, thăm dò khoáng sản cho thấy, Nghệ An là một trong những địa phương sở hữu nguồn tài nguyên khoáng sản lớn, phong phú và đa dạng bậc nhất cả nước. Trong đó, có nhiều loại khoáng sản giá trị kinh tế cao, trữ lượng nhiều như: Đá trắng, quặng thiết, quặng sắt, nguyên liệu sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng thông thường (đất, đá, cát, sỏi,…).
Nắm giữ tiềm năng to lớn trên, trong những năm qua, chính quyền tỉnh Nghệ An đã thực hiện cấp hàng trăm giấy phép hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và xuất khẩu. Các hoạt động khai thác, chế biến nguồn tài nguyên khoáng sản không chỉ góp phần đáp ứng đầy đủ nguyên vật liệu phục vụ hạ tầng kỹ thuật cho các dự án đầu tư trọng điểm, góp phần xây dựng nông thôn mới, tạo công ăn việc làm cho nhân dân mà còn mang lại nguồn thu ngân sách lớn cho địa phương.
Tuy nhiên, trái ngược với sự chuyển biến tích cực đó thì trên thực tế, các hoạt động khai thác khoáng sản ở Nghệ An vẫn còn bộc lộ nhiều tồn tại, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Cụ thể là mức độ nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền địa phương, cán bộ và người dân về quản lý, bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản của Nhà nước còn có sự hạn chế nhất định.
Trong khi đó, tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động khoáng sản gây ô nhiễm môi trường, thất thoát tài nguyên khoáng sản, thất thu ngân sách, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, mất an toàn lao động… vẫn tiếp tục diễn ra phức tạp. Công tác quy hoạch, tổ chức thực hiện quy hoạch khoáng sản còn nhiều bất cập; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hoạt động khoáng sản chưa thường xuyên, kịp thời; việc phối hợp giữa các cấp, các ngành có lúc, có nơi thiếu chặt chẽ và đồng bộ.
Về nội dung này, ông Lê Quang Huy – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An cho biết thêm: Thời gian qua, địa phương vẫn còn có tình trạng một số tổ chức, cá nhân vì lợi nhuận hoặc không đủ năng lực sản xuất, không đầu tư máy móc thiết bị hiện đại để khai thác khoáng sản; khai thác khoáng sản chạy theo lợi nhuận mà không chú ý công tác an toàn; một số đã bất chấp pháp luật để tiến hành khai thác khoáng sản trái phép.
Cần tăng cường quản lý
Chia sẻ về các giải pháp để giải quyết những hạn chế, bất cập về hoạt động khai thác khoáng sản nêu trên, ông Lê Quang Huy – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản cũng như giải quyết dứt điểm các vấn đề đang tồn tại vướng mắc, đơn vị đã góp ý vào Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Khoáng sản 2010 để phù hợp với thực trạng quản lý khoáng sản trong thời điểm hiện nay và phù hợp với các luật liên quan như Luật Quy hoạch, Luật Đất đai…
Bên cạnh đó, Sở cũng đã tham mưu UBND tỉnh để Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 123-KH/TU ngày 12/9/2022 về thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chỉ thị số 20-CT/TU ngày 28/12/2022 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Riêng đối với Chỉ thị số 20-CT/TU ngày 28/12/2022 đã nêu rõ 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp cụ thể cần thực hiện trong thời gian tới, được biết, các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền địa phương đã và đang tập trung bám sát thực hiện. Cụ thể là, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trước hết là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, người đứng đầu đối với lĩnh vực khoáng sản trên địa bàn.
Tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng các quy chế, quy định, cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của tỉnh phù hợp với các quy định của Trung ương và tình hình thực tế. Nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản, nhất là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật, theo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch, chống tiêu cực, thất thoát, triệt để cải cách thủ tục hành chính, tránh phiền hà cho người dân và doanh nghiệp...
Có thể bạn quan tâm