Điều gì thúc đẩy ứng dụng AI tại châu Á - Thái Bình Dương?

CẨM ANH 25/05/2024 03:30

Các nước đang phát triển ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đang áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nhanh hơn nhiều so với các quốc gia tiên tiến, phần lớn được thúc đẩy bởi lực lượng dân số trẻ.

>> Chip AI thế hệ mới sẽ lật đổ GPU của Nvidia?

Lao động trẻ tại các nước đang phát triển trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Lao động trẻ tại các nước đang phát triển trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã tích cực sử dụng AI trong công việc

Một cuộc khảo sát toàn khu vực của Deloitte mới đây cho thấy việc áp dụng AI sáng tạo ở các nước đang phát triển cao hơn 30% so với các nước phát triển. Bên cạnh đó, quan điểm về công nghệ này ở các nước đang phát triển cũng cho thấy sự tích cực hơn.

Trên toàn khu vực, hơn 60% nhân viên và hơn 80% sinh viên cho biết đã sử dụng các ứng dụng AI. Theo Rob Hillard, lãnh đạo Deloitte khu vực châu Á-Thái Bình Dương: “Tỷ lệ tiếp nhận các công nghệ mới trong lực lượng lao động của các quốc gia đang phát triển có thể cao hơn mong đợi". Ông Hillard cũng dự báo khoản đầu tư hàng năm vào AI của các doanh nghiệp châu Á-Thái Bình Dương sẽ tăng lên 117 tỷ USD vào năm 2030, tăng gấp 5 lần so với năm 2022.

Đáng chú ý, trong số những người tham gia khảo sát, nhóm nhân viên từ 18 đến 24 tuổi sử dụng AI cao gần gấp đôi so với nhóm nhân viên ở độ tuổi trung niên. Theo các nhà phân tích, điều này cho thấy rằng tuổi tác và việc tiếp xúc sớm với công nghệ kỹ thuật số là động lực chính của xu hướng này.

Đây cũng là một trong những lý do khiến các nước châu Á đang phát triển, thường có cơ cấu dân số trẻ hơn, nhanh chóng nổi lên như những quốc gia sớm áp dụng công nghệ AI. Chẳng hạn, gần 90% công nhân và sinh viên ở Ấn Độ cho biết họ đã sử dụng công nghệ AI, cao hơn rất nhiều so với con số dưới 40% ở Nhật Bản, quốc gia đang chứng kiến già hóa dân số.

Nghiên cứu mới của Accenture đã tiết lộ rằng việc áp dụng AI một cách có trách nhiệm có thể bổ sung thêm 4,5 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương trong 15 năm tới. Sự gia tăng này dự kiến sẽ nâng cao tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm trong khu vực thêm 0,7%. Nghiên cứu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tích hợp cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm để khai thác tối đa tiềm năng của AI.

Dự kiến 33% số giờ làm việc trên khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ được tự động hóa hoặc tăng cường nhờ AI tổng hợp, góp phần tăng năng suất đáng kể.

>> Trí tuệ nhân tạo và rào cản năng lượng sạch

lao động trong độ tuổi từ 18 - 24 tuổi có khả năng báo cáo sử dụng Generative AI cao gần gấp đôi so với lao động đã đi làm lâu năm

Lao động trong độ tuổi từ 18 - 24 tuổi sử dụng AI cao gần gấp đôi so với lao động đã đi làm lâu năm

Tuy nhiên, bất chấp mức tăng năng suất dự kiến, vẫn còn khoảng cách giữa các nước trong khu vực về mức độ sẵn sàng của lực lượng lao động. Trong khi 96% lãnh đạo doanh nghiệp ở châu Á - Thái Bình Dương thừa nhận tác động sâu sắc của AI tạo ra và 91% công nhân bày tỏ mong muốn có được các kỹ năng mới để làm việc với công nghệ, thì chỉ có 4% lãnh đạo doanh nghiệp đã triển khai đào tạo AI trên quy mô lớn. Mặc dù 89% doanh nghiệp có kế hoạch tăng chi tiêu cho AI trong năm nay nhưng chỉ có 35% ưu tiên đầu tư phát triển lực lượng lao động.

Các lĩnh vực sẵn sàng chứng kiến sự chuyển đổi đáng kể nhất bao gồm thị trường vốn, nơi gần 71% số giờ làm việc dự kiến sẽ được tự động hóa nhờ AI. Các lĩnh vực khác như ngân hàng, bảo hiểm và bán lẻ cũng dự kiến sẽ trải qua những thay đổi đáng kể, với lần lượt 64%, 62% và 49% số giờ làm việc bị ảnh hưởng.

Ông Hillard cho biết: “Một trong những điều quan trọng nhất mà các doanh nghiệp cần làm vào lúc này là phát triển các ưu thế do AI mang lại để tối ưu hóa hiệu quả công việc".

Đồng quan điểm, Leo Framil, Giám đốc điều hành tại Accenture, nhấn mạnh ý nghĩa rộng hơn của việc áp dụng AI. Theo ông, để khai thác tối đa tiềm năng của AI, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần xem xét rằng đây không chỉ là một công cụ để thiết kế lại quy trình và thúc đẩy hiệu quả. Nó cần được coi là cơ hội tạo ra giá trị cho doanh nghiệp, người dân và xã hội.

Ông Framil cũng nhấn mạnh rằng khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với lợi thế về cơ cấu dân số trẻ và là khu vực đóng vai trò quan trọng trong đổi mới công nghệ toàn cầu, đang có cơ hội để vươn lên dẫn đầu trong việc áp dụng AI có trách nhiệm.

Trong khi đó, ông Vivek Luthra, Trưởng nhóm dữ liệu và AI tại Accenture Development Markets lưu ý: “Để các doanh nghiệp tối đa hóa lợi ích của AI và thúc đẩy tăng trưởng, các nhà lãnh đạo phải mở rộng tầm nhìn, đồng thời áp dụng cách tiếp cận lâu dài, lấy con người làm trung tâm.”

Accenture khuyến nghị một số bước chiến lược mà các doanh nghiệp nên thực hiện để tận dụng tối đa tiềm năng của AI, bao gồm đổi mới công việc, định hình lại lực lượng lao động và chuẩn bị cho người lao động những kỹ năng mềm và kỹ thuật phù hợp với thị trường. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cũng cần suy nghĩ lại về quy trình làm việc, ưu tiên đào tạo nhân tài liên tục để hỗ trợ người lao động chuyển đổi sang các vị trí mới, từ đó tạo ra nhiều thời gian và năng lực hơn cho các hoạt động có giá trị cao hơn.

Có thể bạn quan tâm

  • Chip AI thế hệ mới sẽ lật đổ GPU của Nvidia?

    Chip AI thế hệ mới sẽ lật đổ GPU của Nvidia?

    03:00, 24/05/2024

  • Trí tuệ nhân tạo và rào cản năng lượng sạch

    Trí tuệ nhân tạo và rào cản năng lượng sạch

    03:30, 22/04/2024

  • Trí tuệ nhân tạo bước đệm phát triển vững chắc cho công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

    Trí tuệ nhân tạo bước đệm phát triển vững chắc cho công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

    14:08, 09/04/2024

  • Bí quyết để trở thành kỳ lân của công ty khởi nghiệp trí tuệ nhân tạo

    Bí quyết để trở thành kỳ lân của công ty khởi nghiệp trí tuệ nhân tạo

    01:25, 28/01/2024

  • Hơn 500 học sinh, sinh viên tìm hiểu về ngành học trí tuệ nhân tạo

    Hơn 500 học sinh, sinh viên tìm hiểu về ngành học trí tuệ nhân tạo

    14:04, 05/01/2024

CẨM ANH