Sửa Luật Bảo hiểm xã hội: Có nên mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc?

GIA NGUYỄN 27/05/2024 03:30

Trong bối cảnh làn sóng rút BHXH một lần đang gia tăng trong thời gian gần đây, để đảm bảo độ bao phủ theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW, có nên mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc?

>> Sửa Luật Bảo hiểm xã hội: Nên cho người lao động rút 50% tiền BHXH một lần?

Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được cho là một trong những Dự án Luật quan trọng được trình Quốc hội tiếp tục xem xét tại Kỳ họp thứ 7 sắp tới. Dự thảo Luật (sửa đổi) lần này hướng đến mục tiêu nâng cao quyền lợi, mở rộng diện bao phủ và đảm bảo tính bền vững cho hệ thống bảo hiểm xã hội (BHXH), đem đến kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao đời sống người dân, đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời củng cố hệ thống BHXH trở nên hiệu quả và bền vững hơn.

Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được cho là một trong những Dự án Luật quan trọng được trình Quốc hội tiếp tục xem xét tại Kỳ họp thứ 7 sắp tới - Ảnh minh họa: ITN

Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được cho là một trong những Dự án Luật quan trọng được trình Quốc hội tiếp tục xem xét tại Kỳ họp thứ 7 sắp tới - Ảnh minh họa: ITN

Đặc biệt, để mở rộng diện bao phủ BHXH theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018, cơ quan soạn thảo đã quy định thêm nhóm người phải tham gia BHXH bắt buộc gồm: Nhóm 1 - Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ 1 tháng (quy định hiện hành là đủ 3 tháng), kể cả trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác (biên bản, giao kèo) nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên;

Nhóm 2 - người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố; Nhóm 3 - người làm việc không trọn thời gian, có tổng mức tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất; Nhóm 4 - chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh;

Nhóm 5 - người quản lý doanh nghiệp kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, thành viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc, giám đốc, thành viên ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không hưởng tiền lương; Nhóm 6 - người lao động nước ngoài có hợp đồng lao động ở Việt Nam từ 1 năm trở lên.

>> Hạn chế rút BHXH một lần: Không nên quy định cứng nhắc

nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh làn sóng rút BHXH một lần đang gia tăng trong thời gian gần đây và có xu hướng ngày càng tăng lên thì việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc chính là yếu tố quan trọng để mở rộng diện bao phủ BHXH - Ảnh minh họa: ITN

Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh làn sóng rút BHXH một lần đang gia tăng trong thời gian gần đây và có xu hướng ngày càng tăng lên thì việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc chính là yếu tố quan trọng để mở rộng diện bao phủ BHXH - Ảnh minh họa: ITN

Nhìn nhận về đề xuất đã nêu, nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh làn sóng rút BHXH một lần đang gia tăng trong thời gian gần đây và có xu hướng ngày càng tăng lên thì việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc chính là yếu tố quan trọng để mở rộng diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân. Đặc biệt, nếu quy định được thông qua, hàng triệu người sẽ có cơ hội vào hệ thống an sinh xã hội, nhận lương hưu khi về già.

Thực tế cho thấy, đối với BHXH, tỷ lệ bao phủ so với lực lượng lao động trong độ tuổi còn khá khiêm tốn (chỉ hơn 39%), như vậy, vẫn còn một nhóm khá lớn người lao động chưa tham gia BHXH và chủ yếu trong lĩnh vực phi chính thức. Đây cũng chính là thách thức lớn trong bảo đảm an sinh xã hội bền vững ở nước ta nói chung và trong phát triển đối tượng tham gia BHXH nói riêng.

Nhìn nhận về việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, trong đó có các đối tượng lái xe công nghệ, lao động tự do trên môi trường mạng, các nhóm trông trẻ, dược sĩ của các nhà thuốc tư nhân,… tại nội dung báo cáo gửi đại biểu Quốc hội của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua. thông tin với báo chí, Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh cho rằng, nhóm đối tượng tài xế xe công nghệ, người giao hàng online (shipper) là một trong những đối tượng chịu thiệt thòi, rủi ro trong công việc so với mặt bằng chung tại thị trường Việt Nam.

Các đơn vị vận chuyển như Grab, Shoppee, Giao hàng tiết kiệm... phần lớn hiện nay đều ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh cung cấp dịch vụ vận tải với hình thức là phân chia doanh thu theo tỉ lệ phần trăm với tài xế, không có mức lương cố định hằng tháng để làm cơ sở tính mức đóng BHXH tương tự như cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động…

“Tôi đề xuất bổ sung quy định về việc các đối tượng lái xe công nghệ, shipper có quyền được tham gia BHXH bắt buộc tương tự như lao động thông thường sẽ giúp bảo đảm quyền lợi của nhóm đối tượng này, buộc các đơn vị kinh doanh dịch vụ vận chuyển phải ký kết hợp đồng lao động đối với những cá nhân làm việc với lượng thời gian cao và phải có trách nhiệm đóng BHXH cho tài xế công nghệ theo như quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 về nghĩa vụ của người sử dụng lao động.

Tuy nhiên, đối với nhóm cá nhân bán hàng trực tuyến, nhóm trông trẻ, dược sĩ của các nhà thuốc tư nhân... làm việc theo hình thức tự phát thì theo quy định hiện hành sẽ không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc mà sẽ có thể lựa chọn tham gia BHXH tự nguyện với mức đóng 22% trên tổng mức thu nhập hàng tháng. Nếu so sánh với mức đóng của BHXH bắt buộc mà người lao động phải đóng hàng tháng là 10.5% trên mức lương đóng BHXH thì mức đóng BHXH tự nguyện hiện nay có thể nói là gấp đôi so với mức đóng BXHH bắt buộc, điều này dẫn đến phần lớn những người làm việc theo hình thức tự phát lựa chọn không tham gia BHXH tự nguyện để có thể tiết kiệm chi phí...”, vị chuyên gia này bày tỏ.

Đồng quan điểm, một số ý kiến trước đó cũng cho rằng, doanh nghiệp cần quan tâm hơn đến việc bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Trong đó, bản thân các công ty công nghệ cũng cần nghiên cứu để có biện pháp hỗ trợ tài xế một cách phù hợp.

Theo một số chuyên gia, việc tài xế xe công nghệ phải làm việc trong môi trường rủi ro, chịu nhiều thiệt thòi cho thấy họ là bên yếu thế trong quan hệ lao động 3 bên gồm doanh nghiệp, đối tác tài xế và khách hàng. Việc đưa đối tượng này vào diện tham gia BHXH bắt buộc là hợp lý và cần thiết, tuy nhiên, cần có nghiên cứu sâu và rộng để tìm hiểu rõ điều kiện việc làm, nhu cầu, trở ngại, qua đó tăng cường nhóm này tham gia vào các chương trình an sinh xã hội...

Có thể bạn quan tâm

  • Sửa Luật Bảo hiểm xã hội: Nên cho người lao động rút 50% tiền BHXH một lần?

    Sửa Luật Bảo hiểm xã hội: Nên cho người lao động rút 50% tiền BHXH một lần?

    04:00, 27/04/2024

  • Sửa Luật Bảo hiểm xã hội: Quy định rút BHXH một lần vẫn chưa có… lời giải

    Sửa Luật Bảo hiểm xã hội: Quy định rút BHXH một lần vẫn chưa có… lời giải

    04:00, 03/04/2024

  • Nên quy định rõ hành vi chậm đóng và trốn đóng bảo hiểm xã hội

    Nên quy định rõ hành vi chậm đóng và trốn đóng bảo hiểm xã hội

    03:40, 01/04/2024

  • Sửa Luật Bảo hiểm xã hội: Cần làm rõ khái niệm trốn đóng BHXH bắt buộc

    Sửa Luật Bảo hiểm xã hội: Cần làm rõ khái niệm trốn đóng BHXH bắt buộc

    03:40, 29/12/2023

  • Không để chính sách bảo hiểm xã hội bị lợi dụng

    Không để chính sách bảo hiểm xã hội bị lợi dụng

    10:27, 23/11/2023

GIA NGUYỄN