Thúc đẩy phát triển ngành cơ khí: Nhà nước cần đóng vai trò “bà đỡ”
Mặc dù đã từng bước làm chủ và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, thế nhưng, để thúc đẩy phát triển của ngành công nghiệp cơ khí hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước cần đóng vai trò “bà đỡ”…
>> Có “sân chơi” lo gì công nghiệp cơ khí không phát triển
Theo báo cáo của Hiệp hội Cơ khí Việt Nam (VAMI), cả nước hiện có khoảng 3.100 doanh nghiệp ngành cơ khí chế tạo với 53.000 cơ sở sản xuất, các sản phẩm cơ khí sản xuất trong nước hiện chỉ chiếm khoảng 7% thị trường. Trong đó, ngành cơ khí Việt Nam hiện có thế mạnh tập trung ở 3 phân ngành chính, gồm: xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy; cơ khí gia dụng và dụng cụ và ô tô và phụ tùng ô tô…
Cụ thể, cơ khí chế tạo trong nước hiện nay cũng đã sản xuất, lắp ráp được hầu hết các chủng loại xe ôtô con, xe tải, xe khách; sản xuất xe máy đã có tỷ lệ nội địa hóa 85- 95%, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Điển hình có thể kể đến một số doanh nghiệp trong lĩnh vực ô tô như: Vinfast, Thành Công, Thaco…
Mặc dù, ngành cơ khí trong nước đã từng bước làm chủ và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa; tạo động lực thúc đẩy các ngành công nghiệp và kinh tế khác phát triển, qua đó trực tiếp và gián tiếp tạo việc làm cho hàng triệu lao động. Thế nhưng, hiện nay ngành cơ khí được cho mới chỉ đáp ứng khoảng gần 1/3 nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước.
Thực tế cho thấy, với dân số 100 triệu người, đa phần là dân số trẻ, Việt Nam có triển vọng trở thành trung tâm công nghiệp cơ khí hàng đầu Đông Nam Á. Vì vậy, để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp cơ khí, nhiều ý kiến đề xuất, cần tạo dựng thị trường cho doanh nghiệp cơ khí phát triển, trong đó, Nhà nước cần đóng vai trò “bà đỡ”, tạo điều kiện chính sách cho doanh nghiệp về tài chính, khoa học và công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu.
>> Đồng bộ chính sách phát triển ngành cơ khí: Gỡ “nút thắt” cho doanh nghiệp
Theo bà Trương Chí Bình – Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, ngành cơ khí đang gần như không có một ưu đãi, còn công nghiệp hỗ trợ thì có ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp. Nhưng ưu đãi chỉ khi doanh nghiệp có thu nhập song thường các doanh nghiệp sản suất chế tạo 3-5 năm đầu gần như không có lãi. Do đó, quan trọng là phải hỗ trợ đầu vào để các doanh nghiệp đầu tư sản xuất.
“Đang rất thiếu các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất cơ khí, hầu hết là những người theo đuổi ngành này như một đam mê. Vì lợi nhuận không ai đi đầu tư sản xuất cơ khí, việc này thì nước nào cũng thế không chỉ phải ở Việt Nam”, bà Bình chia sẻ.
Đồng thời cho rằng, các nước vẫn có ngành công nghiệp cơ khí phát triển bởi có những chính sách phù hợp như, tạo ra dung lượng thị trường đủ lớn cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất.
Liên quan đến phát triển ngành cơ khí trong nước, trước đó, ông Lê Văn Tuấn - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA), Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam VAMI cũng thừa nhận, ngành cơ khí trong nước thời gian qua đang thiếu vắng một yếu tố cơ bản đó chính là thị trường.
“Phải có thị trường mới có được việc làm, có thể đổi mới sáng tạo - Yếu tố thị trường quyết định lớn đến công tác phát triển ngành cơ khí”, ông Lê Văn Tuấn bày tỏ.
Và để có thị trường cho ngành cơ khí, ông Lê Văn Tuấn cũng đề xuất, Nhà nước, Chính phủ cần có cơ chế riêng cho ngành. Cụ thể như có chính sách rõ ràng đối với các sản phẩm cơ khí sản xuất được trong nước, nếu những thiết bị nào trong nước đã sản xuất được thì kiên quyết không cho nhập khẩu. Có như vậy, ngành cơ khí trong nước mới có được thị trường để phát triển.
Đồng thời nhấn mạnh, Nhà nước cần ban hành Nghị định quy định tất cả các hàng hóa, thiết bị vật tư mà các doanh nghiệp cơ khí trong nước sản xuất được phải sử dụng trong nước không cho phép nhập khẩu áp dụng với tất cả các nguồn vốn đầu tư (Nhà nước, tư nhân, FDI…). Việc này phải được bổ sung, quản lý, giám sát chặt chẽ ngay từ giai đoạn lập, quy hoạch và phê duyệt dự án đầu tư cũng như bổ sung trong Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu…
Cùng quan điểm, liên quan đến việc tạo động lực thúc đẩy phát ngành công nghiệp cơ khí, nhiều ý kiến cũng đề xuất, cần có chương trình hỗ trợ đầu ra bằng cách kết nối với người mua tiềm năng của mỗi ngành; ưu đãi cho công ty công nghiệp hỗ trợ cỡ vừa hiện nay đầu tư mở rộng sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ về tài chính… đồng thời, giúp doanh nghiệp thêm điều kiện tiếp cận công nghệ mới.
Ngoài ra, Nhà nước cũng nên tạo nhiều đơn hàng, trong đó, có đơn hàng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, nhất là các dự án đầu tư công.
Có thể bạn quan tâm
Cần cơ chế ưu tiên để cơ khí Việt không "lép vế" trên sân nhà
03:50, 15/05/2024
Có “sân chơi” lo gì công nghiệp cơ khí không phát triển
03:50, 01/02/2024
Hơn 100 tỷ USD đầu tư cho đường sắt, doanh nghiệp cơ khí Việt Nam chỉ xin làm thầu phụ?
11:56, 20/12/2023
Đồng bộ chính sách phát triển ngành cơ khí: Gỡ “nút thắt” cho doanh nghiệp
00:06, 16/11/2023
ĐIỂM BÁO NGÀY 15/11: Đồng bộ chính sách phát triển ngành cơ khí
03:14, 15/11/2023